Gia tăng tình trạng ly hôn

Hoàng Chiến 28/06/2022 06:51

Càng ngày số vụ ly hôn càng gia tăng, đặc biệt, có những bạn trẻ vừa kết hôn xong đã ra tòa một cách chóng vánh. Thực tế này cho thấy sự mất ổn định, thiếu bền vững của các gia đình Việt Nam hiện nay.

Những chuyến đi giã ngoại sẽ tạo sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Ảnh: H. Chiến

Sự “lên ngôi” của phái nữ

Số liệu thống kê cho thấy, số vụ ly hôn ở Việt Nam hiện ở mức 60.000 vụ/năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, có nghĩa rằng, cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì một đôi ra tòa. Cuộc sống với nhiều mâu thuẫn khiến không chỉ các cặp đôi trẻ mà nhiều cặp đôi đã chung sống với nhau lâu năm cũng đi đến quyết định này.

Trả lời Báo Đại Đoàn Kết, TS. Lưu Hồng Minh - nguyên Trưởng Khoa Xã hội học và Phát triển cho rằng, tỷ lệ ly hôn, ly thân trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Không những vậy còn xuất hiện nhiều hiện tượng khác như tình trạng người trẻ không muốn kết hôn, mẹ đơn thân, bố đơn thân… Đây được coi là những xu hướng trong tương lai cũng như trong các điều kiện phát triển của hiện tại. Theo đó, khi xã hội ngày càng phát triển, người phụ nữ tham gia rất nhiều công việc, có vị thế ngày càng cao trong xã hội, họ có xu hướng tự chủ hơn và ít bị ràng buộc bởi những mối quan hệ hôn nhân gia đình. Dù những mối quan hệ này phụ thuộc rất nhiều vào văn hoá truyền thống, phong tục tập quán… Tuy nhiên, xu hướng ly thân, ly hôn, sống độc thân… vẫn tăng lên, quan hệ hôn nhân giảm bớt hoặc không tồn tại nhiều dưới góc độ nghiên cứu xã hội học trong những năm gần đây.

Trong những nguyên nhân của tình trạng này, sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại chiếm phần nhiều. Thứ nhất, sự tiện lợi do khoa học kỹ thuật mang lại đã làm giảm bớt vai trò của người đàn ông trong xã hội, người phụ nữ được thể hiện nhiều hơn thông qua sự thông minh và khéo léo của mình trong rất nhiều hoạt động khác nhau. Xu hướng là người phụ nữ ngày càng tham gia tích cực vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội. Không những thế, phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò, trách nhiệm và nâng cao vị thế xã hội của mình. Không những vậy, thu nhập của nữ giới cũng tăng lên. Đây chính những dấu hiệu khẳng định sự bình đẳng của nữ giới và nam giới trong xã hội hiện đại. Yếu tố này tác động trực tiếp đến tình trạng ly hôn trong xã hội hiện đại.

Nữ giới có thể chủ động trong việc tạo ra thu nhập, sẵn sàng chủ động nuôi dạy con cái thông qua những dịch vụ xã hội. Hiện nay, các dịch vụ này cũng rất phát triển, không còn đè nặng vai trò của người phụ nữ trong gia đình như trước. Từ các loại máy móc trong nấu ăn đến những dịch vụ chăm sóc con cái khác... Tất cả đều có thể thay thế vai trò người phụ nữ trong gia đình.

Tuy nhiên, về mặt xã hội học thì vấn đề này vẫn tồn tại rất nhiều mặt trái. Sau ly hôn con cái được chăm sóc ra sao, quan tâm như thế nào vẫn là một dấu hỏi rất lớn. Thiếu vắng người cha hoặc người mẹ đều để lại những khiếm khuyết rất nghiêm trọng về cả tâm lý lẫn giá trị truyền thống trong những đứa trẻ. Sự chăm sóc, giáo dục từ người cha hoặc mẹ chỉ cần khuyết đi một nửa đều và ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của con cái. Từ sự gia tăng tính ích kỷ cá nhân đến yếu tố giới đều gây những hậu quả với đứa trẻ sau này.

Rõ ràng, có thể thấy nhận thức về nghĩa vụ chăm sóc của cha mẹ với con cái ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoại trừ một số gia đình sau khi ly hôn vẫn thường xuyên chia sẻ, thay nhau chăm sóc con cái hoặc có những đối xử bình đẳng, thân thiết, coi nhau như bạn bè giữa vợ và chồng. Những đứa trẻ trong các gia đình này thường ít bị ảnh hưởng về tâm lý và khả năng hoà nhập cộng đồng say này.

Ngoài ra, phần lớn trong các gia đình sau khi ly hôn đều mang tâm lý thù hằn nhau, ghét bỏ nhau,… dẫn đến sự chăm sóc con cái có nhiều hạn chế về cả giáo dục tâm lý, sức khoẻ, học vấn lẫn nhiều kĩ năng khác. Điều đó dẫn đến sự phát triển thiên lệch, không đầy đủ của đứa trẻ, khả năng hoà nhập sau này trong xã hội.

Bởi vậy, bản sắc truyền thống gia đình Việt Nam với sự thương yêu, thuận hoà vợ chồng, ứng xử đối với gia đình nội - ngoại sẽ bị giảm sút đi. Giảm đi sự kết nối, tính cộng đồng của họ hàng, xa hơn là giảm kết nối giữa quốc gia, dân tộc.

Theo chuyên gia xã hội học, cần hơn nữa việc tăng cường các biện pháp truyền thông về giáo dục để thấy được rõ vai trò, trách nhiệm của vợ chồng trong Luật Hôn nhân và Gia đình. Nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ phát triển, tạo ra một công dân tốt trong xã hội.

Hãy trân trọng, bảo vệ hạnh phúc gia đình

Các chuyên gia xã hội học phân tích, tỷ lệ cô lập, trầm cảm của thanh thiếu niên trong những gia đình có bố mẹ ly hôn rất cao. Rất nhiều trong số đó ảnh hưởng đến việc học, sao nhãng học tập… Hậu quả để lại là rất lớn với thế hệ tương lai. Chưa kể những vấn đề về tâm lý có thể dẫn đến tình trạng mắc trầm cảm, tự tử gia tăng ở người trẻ... gần đây.

Số gia đình ly hôn tăng lên cũng đồng nghĩa với việc những con số về các trường hợp này cũng tăng lên. Do vậy, chuyên gia đề xuất, cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực công tác xã hội để có thể giúp đỡ về mặt tinh thần cho các em, giúp các em hòa nhập cộng đồng để phát triển, vượt qua được khủng hoảng.

Chưa kể, trách nhiệm của cha mẹ và gia đình rất lớn, cần hiểu rõ trách nhiệm xã hội của bản thân trong gia đình để sẵn sàng bỏ qua cái tôi cá nhân, giúp đỡ các con, khi con cái có những trưởng thành nhất định về nhận thức và sẵn sàng có thể hòa nhập xã hội thì hậu quả để lại có thể giảm đi.

Nêu quan điểm của mình, chuyên gia nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Ánh Hồng cho biết, ngày gia đình Việt Nam (28/6) nhắc nhở chúng ta về vai trò của gia đình trong xã hội. Đó là tổ ấm hạnh phúc của mỗi con người và nếu như mỗi một cá nhân khi không hạnh phúc thì con người ta mất đi động lực để phấn đấu.

Vấn đề gia tăng số lượng ly hôn trong xã hội hiện nay là vấn đề có thật và điều này thật sự đáng buồn. “Thực trạng này cho thấy sự mất ổn định, thiếu bền vững của gia đình, cho thấy sự lỏng lẻo trong các mối quan hệ và sự biến tướng trong văn hóa gia đình. Tình trạng các bạn trẻ kết hôn rồi ra tòa một cách chóng vánh là một thực trạng đáng báo động của xã hội” – bà Hồng nhấn mạnh.

Vì thế vị chuyên gia bày tỏ mong muốn, mọi người hãy trân trọng, bảo vệ hạnh phúc gia đình cũng như bảo vệ sự bình yên của xã hội, bảo vệ nền tảng văn hóa của Việt Nam.

Cũng theo bà Hồng, khi vợ chồng ly hôn thì sự tổn thương lớn nhất sẽ thuộc về con cái, những đứa trẻ vô tội. Khi đứa trẻ lớn lên trong khi gia đình bị chia tách thì chúng sẽ bị thiếu hụt rất lớn về mặt tinh thần. Thực tế đã chứng minh, nhiều tệ nạn xã hội diễn và một trong những nguyên nhân khiến họ đến những sai lầm bởi họ không có may mắn có được một gia đình hạnh phúc.

Xét về góc độc văn hoá, tình trạng ly hôn ảnh hưởng rất nhiều đến những giá trị văn hóa truyền thống. Nó cho thấy sự sai lệch và có nguy cơ mai một. Đó là hậu quả của chủ nghĩa hiện đại và cũng là hậu quả của việc đề cao vai trò cá nhân trong xã hội hiện nay.

Vị chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo, mọi người cần ý thức trong việc tự bảo vệ hạnh phúc gia đình. Người ta thường nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, do vậy quyết định hạnh phúc gia đình nằm trọn trong tay người phụ nữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng tình trạng ly hôn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO