Giá thịt lợn biến động thất thường: Người chăn nuôi e dè tái đàn

Lê Bảo - Minh Sang 21/09/2022 07:07

Những ngày gần đây giá thịt lợn có xu hướng tăng, giảm thất thường. Tuy mức giảm không nhiều nhưng cũng khiến người chăn nuôi e dè tái đàn, nhất là trong bối cảnh chi phí do thức ăn chăn nuôi, con giống tăng như hiện nay.

Giá thịt lợn tăng nhưng người chăn nuôi vẫn chưa có lãi vì chi phí sản xuất tăng.

Người chăn nuôi chưa thể có lãi

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi ngày 20/9 đồng loạt đi ngang và dao động trong khoảng 62.000 - 67.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá cao nhất khu vực 67.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hưng Yên, Phú Thọ và Thái Bình. Các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Ninh Bình và TP Hà Nội có giá lần lượt là 62.000 đồng/kg, 64.000 đồng/kg và 66.000 đồng/kg.

Các địa phương còn lại trong khu vực như Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Thái Nguyên và Hà Nam đang thu mua lợn hơi với giá 65.000 đồng/kg. Tương tự tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định giá lợn hơi ở mức 63.000 - 65.000 đồng/kg...

Theo các thương lái giá lợn hơi trong những ngày gần đây liên tiếp có sự biến động đi ngang, tăng, giảm thất thường. Lý do nhu cầu thị trường chững lại do giá thịt đến tay người tiêu dùng tăng. Thực tế khảo sát tại các chợ dân sinh tại TP Hà Nội giá thịt lợn đang dao động ở mức 120.000 đồng đến 180.000 đồng tùy loại. Tương tự ở chợ dân sinh các tỉnh như Vĩnh Phúc, Phú Thọ giá thịt lợn cũng dao động từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng.

Là chủ trang trại đầu tư khép kín với quy mô nuôi lợn từ 150-300 con anh Lê Khánh, xã Bá Thiện, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cho biết, giá mức giá lợn hơi ngon 68.000 đồng/kg như hiện nay người chăn nuôi không có lãi nếu như không chủ động được con giống.

“Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 17 lần liên tiếp. Các chi phí khác trong chăn nuôi cũng tăng phi mã đẩy giá thành sản xuất lên 60.000-62.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng. Đây là mức giá dựa trên những hộ chăn nuôi tự chủ được con giống, tỷ lệ hao hụt ít. Với hộ phải mua con giống (1,4-1,6 triệu đồng/con lợn giống 8-10kg) và tỷ lệ hao hụt trong chăn nuôi cao thì mức giá bán như thời điểm hiện tại sẽ chịu lỗ nặng” – anh Khánh cho biết.

Chi phí tăng cao trong khi giá lợn hơi biến động thất thường nên đến thời điểm này anh Khánh vẫn chưa xuống đàn đầu tư để chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều chủ trang trại nuôi lợn hiện nay.

Liên kết sản xuất và thị trường

Theo một báo cáo gần đây của nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính Fitch Solutions của Mỹ, tổng lượng tiêu thụ thịt tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trên 25% trong giai đoạn 2018-2026. Trong đó, chăn nuôi lợn đã trở thành một ngành kinh doanh hấp dẫn vì thịt lợn là nguồn cung cấp protein động vật chính trong bữa ăn của người Việt Nam, chiếm khoảng 2/3 tổng lượng thịt tiêu thụ.

Còn theo báo cáo thường niên năm 2021 của công ty chế biến thịt Masan MEATLife thuộc Masan Group, thị trường thịt lợn tại Việt Nam ước tính đạt khoảng 15 tỷ USD. Con số trên cho thấy, tiềm năng ngành chăn nuôi lợn rất lớn, song thực tế ngành này đang đứng trước nhiều thách thức. Cùng với sự gia tăng nhu cầu thị trường, báo cáo của Fitch Solutions cho thấy, xu hướng công nghiệp hóa mạnh mẽ trong chăn nuôi lợn. Sau khi cơn sốt dịch tả lợn châu Phi lan rộng vào năm 2019, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã rời bỏ ngành này vì đầu tư tốn kém và giá cả biến động.

Trước những thách thức của thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp trước mắt cần giám sát giá thịt lợn trên thị trường, cùng với đó cần kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi. Thời gian gần đây, giá nguyên liệu trên thị trường thế giới đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cùng với đó là chi phí vận chuyển khá đắt đỏ dù giá xăng đã hạ nhiệt.

Nhìn nhận những thách thức đối với ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết: những năm qua, ngành chăn nuôi đã có sự phát triển nhanh chóng, theo đó đã hình thành xu hướng đầu tư khép kín chuỗi giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn, tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu với các thị trường Việt Nam đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Việt Nam hiện đã ký kết 17 FTA, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA). Điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu các sản phẩm, trong đó có sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên muốn tận dụng tốt cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu, sản phẩm chăn nuôi phải đáp ứng các quy định về kiểm dịch động vật. Muốn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thường phải có Hiệp định về kiểm dịch động vật giữa Việt Nam và các nước. Bên cạnh đó phải đáp ứng được quy định về chất lượng an toàn thực phẩm và các quy định, yêu cầu về môi trường, phúc lợi động vật trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển.

“Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 17 lần liên tiếp. Các chi phí khác trong chăn nuôi cũng tăng phi mã đẩy giá thành sản xuất lên 60.000-62.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng. Đây là mức giá dựa trên những hộ chăn nuôi tự chủ được con giống, tỷ lệ hao hụt ít. Với hộ phải mua con giống (1,4-1,6 triệu đồng/con lợn giống 8-10kg) và tỷ lệ hao hụt trong chăn nuôi cao thì mức giá bán như thời điểm hiện tại sẽ chịu lỗ nặng” - ông Lê Khánh, chủ trang trại chăn nuôi tại xã Bá Thiện, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá thịt lợn biến động thất thường: Người chăn nuôi e dè tái đàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO