Giá USD nóng hầm hập

H.Hương 22/10/2022 06:45

Mặc dù tỷ giá tại các ngân hàng phần nào được kiềm chế, song trên thị trường tự do liên tục tăng mạnh, vượt 25.000 đồng/USD. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Tỷ giá USD đang "nóng" lên từng ngày.

Liên tục tăng mạnh

Sáng 21/10, ghi nhận trên thị trường tự do, tỷ giá mua – bán USD đang giao dịch quanh 24.900 – 25.100 VND/USD. Trong khi đó Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) sáng ngày 21/10 niêm yết tỷ giá trung tâm ở 23.688 đồng. Như vậy, tỷ giá trung tâm đã có phiên tăng thứ 11 liên tiếp với tổng mức tăng là 271 đồng.

Tại các ngân hàng thương mại tỷ giá USD đồng loạt tăng giá. Cụ thể, tại Ngân hàng Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 24.360 - 24.670 đồng/USD. Ngân hàng Vietinbank niêm yết giao dịch mua - bán ở quanh mức 24.330 - 24.770 đồng/USD. Tại TPBank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 24.275 - 24.775 đồng USD. Sau khi NHNN công bố tăng biên độ điều chỉnh tăng biên độ giá giao ngay USD/VND từ +/-3% lên +/-5% giá USD tăng nóng hầm hập.

Mặc dù NHNN đã rất nỗ lực trong giữ bình ổn tỷ giá suốt 9 tháng đầu năm, song những tuần gần đây, tỷ giá trên thị trường liên tục tăng kịch trần trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục bị rút ra. USD ngày càng trở nên khan hiếm, trong khi cầu ngoại tệ có thể sẽ tăng mạnh cuối năm. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối cũng giảm đáng kể sau một thời gian NHNN bán ra can thiệp thị trường.

Tỷ giá tăng mạnh đương nhiên sẽ tác động nhiều chiều đến tình hình kinh tế trong nước, bao gồm cả nhập khẩu, xuất khẩu, lạm phát, lãi suất, vay nợ nước ngoài, vốn đầu tư gián tiếp, thị trường chứng khoán…

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh về nguyên tắc, tỷ giá tăng sẽ có lợi cho DN xuất khẩu và thiệt hại cho DN nhập khẩu, cũng như các DN vay nợ bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, xét về tổng thể, chính sách tỷ giá vừa qua được NHNN điều hành mềm dẻo, hài hòa lợi ích của các bên liên quan.

Doanh nghiệp lo sản phẩm khó cạnh tranh

Theo ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, các thị trường xuất khẩu cà phê cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Indonesia, Brazil đều giảm giá mạnh đồng nội tệ tới 30% nhằm hỗ trợ xuất khẩu khi đồng USD tăng. Điều này khiến sản phẩm của Việt Nam trở nên khó cạnh tranh hơn.

Ngoài ra, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, phần lớn giao dịch xuất khẩu sử dụng đồng USD. Dù xuất khẩu được lợi khi USD tăng giá nhưng giá cước vận tải khi quy đổi cũng tăng lên mức cao, chi phí nhân công tăng… khiến DN phải cân đối lại lợi nhuận. Hơn nữa, tiền tệ biến động khiến tình hình lạm phát ở các thị trường chủ lực của Việt Nam là Mỹ, châu Âu… dâng cao, đẩy sức cầu của người dân giảm sút, tạo thành tác động không nhỏ tới tình hình đơn hàng của DN.

Nhưng cũng theo đánh giá của các DN, so với nhiều quốc gia, tỷ giá tại Việt Nam có tỷ lệ biến động thấp trong khu vực, cả nước vẫn duy trì xuất siêu nên việc nới biên độ tỷ giá và diễn biến tỷ giá như hiện nay không phải tác động quá lớn.

Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, tiền đồng mất giá sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế, nhất là lạm phát, lãi suất. Với xuất khẩu, nếu tỷ giá không đủ linh hoạt cũng rất khó cạnh tranh, xuất khẩu của Việt Nam dựa rất lớn vào nhập khẩu nên nếu VND mất giá nhiều thì xuất khẩu cũng chưa chắc được lợi. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ như hiện nay là đã dựa trên những tính toán tác động với nhiều khía cạnh của lạm phát, lãi suất, xuất nhập khẩu…, trong chừng mực vẫn giữ được ổn định vĩ mô tương đối, hỗ trợ xuất khẩu mà không tác động quá tiêu cực tới nhập khẩu, lạm phát.

Phía NHNN cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ.

Sáng 21/10, ghi nhận trên thị trường tự do, tỷ giá mua – bán USD đang giao dịch quanh 24.900 – 25.100 VND/USD. So với ngày 19/10, giá USD đã tăng mạnh ở chiều mua vào và chiều bán ra. Đây cũng là phiên tăng thứ tư liên tiếp của tỷ giá sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố tăng biên độ tỷ giá lên 5%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá USD nóng hầm hập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO