Nếu so với mức đỉnh của giá vàng ở vùng 74,4 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC đã lao dốc mạnh tới 6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước đảo chiều giảm sau hai ngày tăng liên tiếp. Hầu hết các cơ sở kinh doanh vàng bạc đã điều chỉnh giảm trong rạng sáng 20/3.
Giá vàng SJC tiếp tục giảm so với cuối tuần trước khi mất thêm khoảng 2 triệu đồng/lượng. Nếu so với mức đỉnh của giá vàng ở vùng 74,4 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC đã lao dốc mạnh tới 6 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới đã mất 2,8% trong cả tuần qua, đánh dấu tuần giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 11/2021 tới nay.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 67,80 – 68,92 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với sáng qua.
Vàng DOJI niêm yết giá vàng ở mức 68,00 – 69,00 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với sáng qua.
Vàng Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 67,90 - 68,95 triệu đồng/lượng, giá cũng được giảm nhẹ 100.000 đồng/lượng.
Giá vàng giảm giá do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có một vài diến biến tích cực. Bên cạnh đó, vàng giảm giá còn do mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu giảm. Giá dầu thô dần trở về ngưỡng 100 USD/thùng (từ đỉnh 140 USD trong tuần trước) nhờ dấu hiệu tích cực từ đàm phán Nga - Ukraine.
Kết thúc cuộc họp vào ngày 16/3, Fed thông báo sẽ nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, lên khoảng 0,25-0,5% và cũng công bố kế hoạch về các lần tăng lãi suất sắp tới.
Nếu giá vàng vượt mốc 1.950 USD/ounce thì lực mua sẽ tăng mạnh và tạo tiền đề chạm mốc cản 1.975 USD/ounce. Xa hơn, kháng cự tiếp theo là 2.000 USD/ounce. Ở kịch bản giá giảm, mức hỗ trợ gần nhất của vàng nằm ở 1.915 USD/ounce.
Nhà phân tích thị trường quốc tế Carlo Alberto De Casa của Nền tảng giao dịch kim loại quý Kinesis Money nói rằng, diễn biến của xung đột Nga - Ukraine cùng những quyết định tiếp theo của Fed sẽ là động lực chính cho thị trường vàng. Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn lạc quan vào vàng và nhu cầu đối với loại tài sản này vẫn rất lớn.
Nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered cho hay việc ngân hàng trung ương Mỹ trở nên bảo thủ hơn không ảnh hưởng tới tâm lý tích cực của nhà đầu tư đối với vàng, trong khi tình hình rủi ro địa chính trị hiện tại đã làm gia tăng lo ngại lạm phát, dấy lên mối quan tâm dài hạn hơn đối với kim loại quý.