Giá xăng dầu tăng: Nguy cơ ‘té nước theo mưa’

Minh Phương 18/03/2021 06:25

Với các kỳ điều chỉnh gần đây, Liên Bộ Tài chính - Công thương đã điều chỉnh giá xăng dầu lên ở mức khá cao. Tổng cộng 7 lần điều chỉnh, giá xăng dầu đã tăng thêm lên trên 3.000 đồng/ lít. Xăng dầu tăng cao khiến dư luận lo ngại về tình trạng “té nước theo mưa” của một số loại hàng hóa.

Xăng dầu liên tục tăng giá ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Giá xăng tăng 7 lần liên tiếp

Trong hai lần điều chỉnh giá xăng gần đây nhất, giá xăng tăng tốc rất nhanh. Cụ thể ngày 25/2, xăng E5 tăng 722 đồng/lít, đẩy giá bán tối đa lên 17.031 đồng/lít; xăng A95 tăng 814 đồng, lên mức 18.084 đồng/lít.

Đến đợt điều chỉnh kế tiếp vào ngày 13/3, giá xăng E5 tiếp tục tăng thêm 691 đồng/lít, lên mức 17.722 đồng/lít; xăng A95 tăng 797 đồng, lên mức 18.881 đồng/lít.

Như vậy, chỉ trong vòng hai tháng đầu năm, giá xăng đã được điều chỉnh tăng ở mức cao. Giá xăng E5 đã tăng hơn 1.500 đồng/lít, giá xăng A95 tăng hơn 1.600 đồng. Còn nếu tính từ tháng 11/2020 đến nay, tổng mức tăng với xăng E5 là hơn 3.100 đồng và hơn 3.380 đồng/lít đối với xăng A95. Không chỉ xăng mà giá các loại dầu cũng liên tục tăng ở mức tương ứng trong thời gian gần đây.

Giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian qua khiến dư luận không khỏi lo ngại về nguy cơ giá cả các mặt hàng sẽ bị đẩy lên cao.

Theo chia sẻ của đại diện một hãng taxi, đại dịch Covid-19 hoành hành hơn một năm qua đã tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh đã khiến các hãng taxi khó khăn nay lại tiếp tục đối diện với việc giá xăng tăng liên tiếp, như vậy các doanh nghiệp ngành vận tải chưa kịp hồi phục lại thêm phần khó, bởi giá xăng dầu chiếm 35-40% đầu vào quyết định giá thành vận tải. Do vậy, việc điều chỉnh giá xăng tăng mạnh chắc chắn tác động đến hoạt động vận tải.

Thực sự, việc giá xăng dầu tăng đã làm biến động trực tiếp ngay vào ví tiền của người dân. Chị Nguyễn Hồng Minh (phố Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trước đổ xăng xe chỉ mất 65-70.000 đồng/ tuần thì nay lên 75.000 - 80.000 đồng/ tuần. “Không chỉ tiền xăng xe đội lên, tôi lo ngại, chẳng mấy chốc giá các mặt hàng thiết yếu cũng sẽ tăng theo. Vừa rồi ra chợ, mua rau thôi mà đã thấy đắt hơn bình thường, đội lên vài giá rồi” - chị Minh cho hay.

Giảm phụ thuộc việc nhập khẩu xăng dầu

Theo ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, giá xăng tăng như vậy, theo quy luật kinh tế thị trường, mua đắt bán đắt, mua rẻ bán rẻ. Đây là mặt hàng đầu vào của hầu hết các lĩnh vực, do đó, việc giá xăng dầu tăng sẽ có nguy cơ đẩy giá cả các mặt hàng “té nước theo mưa”. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang khiến các doanh nghiệp lao đao, thì việc giá xăng dầu tăng thời gian qua sẽ đầy cộng đồng doanh nghiệp vào tình thế “khó chồng khó”. Bởi, giá xăng tăng kéo giá cước vận chuyển tăng, từ đó đẩy giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng theo. Điều này dẫn đến chi phí sản xuất tăng, khó giữ giá thành sản phẩm khiến đầu ra của doanh nghiệp thêm phần khó khăn.

“Giá xăng dầu liên tục tăng cũng khiến nhà kinh doanh đau đầu vì phải tính toán các phương án cân đối chi phí phát sinh để không lỗ, không mất khách hàng. Trong đó, các công ty vận tải chịu áp lực rất lớn do giá xăng dầu chiếm khoảng 35%-40% chi phí đầu vào” - theo ông Liên.

Ông Liên cũng cho rằng, giải pháp trước mắt cần sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để kiềm chế sự tăng giá của mặt hàng này. Tuy nhiên, Nhà nước không thể bỏ tiền ra để giải tỏa hoàn toàn những khó khăn của thị trường, đây là khó khăn chung. Về lâu dài, rất cần những chính sách hợp lý để điều hành, hài hòa lợi ích của các bên. Đơn cử, theo ông Liên, hiện nay vẫn còn tình trạng độc quyền nhập khẩu xăng dầu, việc nhập khẩu xăng dầu chỉ có một vài doanh nghiệp lớn được nhập. Cần phải hướng tới việc xã hội hóa, để nhiều doanh nghiệp cùng được tham gia vào thị trường này chứ không chỉ riêng một vài “ông lớn”, như vậy, mới mong kiểm soát được việc tăng giá, cũng như giúp minh bạch hơn thị trường này.

Cùng đó, ông Liên đề xuất, Nhà nước cần có cơ chế hợp lý để đầu tư đa dạng nguồn nhiên liệu như điện mặt trời, xe chạy điện… Singapore đã có chính sách đến năm 2025 không có xe taxi chạy xăng, chỉ chạy bằng điện, điều này vừa giảm áp lực nhập khẩu xăng dầu, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để giảm áp lực giá xăng tăng ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả, các doanh nghiệp sản xuất nên giám sát chặt chẽ hoạt động của mình để giảm tối đa các mức chi phí, đặc biệt là những đơn vị sử dụng nhiều xăng dầu. Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải đa dạng hóa nhiên liệu để không bị phụ thuộc, chịu tác động quá nhiều khi giá xăng dầu tăng.

Về phía Nhà nước cần kết hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác một cách đồng bộ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Cùng đó là biện pháp kiểm soát, bình ổn mặt bằng giá cả trên thị trường, để tránh tình trạng “té nước theo mưa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá xăng dầu tăng: Nguy cơ ‘té nước theo mưa’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO