Giá xăng tăng: Tác động tới thị trường ra sao?

T.Hằng – M.Sang 04/01/2023 07:05

Giá xăng trong những ngày đầu năm mới 2023 lại được điều chỉnh tăng nhẹ. Là mặt hàng đầu vào của sản xuất kinh doanh, giá xăng tăng trong bối cảnh Tết Nguyên đán cận kề dễ làm gia tăng lạm phát. Điều này đặt ra yêu cầu cần có sự kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu rất kỹ.

Giá xăng lại được điều chỉnh tăng ngay từ những ngày đầu năm 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Giá xăng tăng thêm 350 – 600 đồng/ lít

Ngày 3/1, liên Bộ Tài chính – Công thương tiếp tục điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 330 đồng/lít, lên 21.350 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 350 đồng/lít, lên 22.150 đồng/lít. Các mặt hàng dầu (trừ dầu diesel) tăng giá. Cụ thể, dầu hỏa tăng 600 đồng/lít, lên 22.760 đồng; dầu mazut là 13.740 đồng/kg, tương đương tăng 110 đồng. Riêng dầu diesel giữ nguyên giá bán 22.150 đồng/lít...

Tại kỳ điều hành lần này, liên Bộ ngừng chi và trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 và xăng RON 95, đồng thời trích lập ở mức 605 đồng/lít với dầu diesel, 200 đồng/lít với dầu hỏa.

Trước đó, lúc 0 giờ ngày 1/1, Bộ Công thương đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng theo Nghị quyết 30/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Thuế Bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu. Tính ra mỗi lít xăng, dầu tăng hơn 1.000 đồng.

Cụ thể, theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 về mức Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu mỡ nhờn, thay thế Nghị Quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 6/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, áp dụng từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/ 12/2023 mức Thuế Bảo vệ môi trường áp dụng đối với mặt hàng xăng, trừ etanol là 2.000 đồng/lít (tăng 1.000 đồng/lít so với mức hiện hành); nhiên liệu bay là 1.000 đồng/lít (như hiện hành); dầu diesel là 1.000 đồng/lít (tăng 500 đồng/lít so với hiện hành); dầu hỏa là 600 đồng/lít (tăng 300 đồng/lít so với hiện hành), dầu mazut là 1.000 đồng/lít (tăng 700 đồng/lít so với hiện hành); dầu nhờn là 1.000 đồng/lít (tăng 700 đồng/lít so với hiện hành); mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg (tăng 700 đồng/kg so với hiện hành).

Như vậy trong 3 ngày đầu năm, giá xăng đã trải qua 2 kỳ điều hành với tổng mức tăng từ 1.300 - 1.600 đồng/ lít. Còn trong năm 2022, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 34 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng, 16 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Những tác động đối với thị trường

Như vậy, sau một vài lần được điều chỉnh giảm, giá xăng lại tiếp tục tăng ngay trong những ngày đầu năm. Nguyên nhân của việc tăng giá xăng được cơ quan quản lý nêu rõ, là do Bộ Công thương thực hiện việc điều chỉnh giá xăng dầu tương ứng với mức điều chỉnh Thuế Bảo vệ môi trường trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính.

Còn theo Nghị định 95 về điều hành kinh doanh xăng dầu, ngày 3/1, giá xăng dầu được điều chỉnh do ngày 1/1 trùng ngày nghỉ Tết Dương lịch. Tuy nhiên có điều đáng quan tâm, giá xăng tăng trong bối cảnh Tết Nguyên đán cận kề - là thời điểm sức mua tăng, dễ làm gia tăng lạm phát.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú cho rằng, nếu giá xăng được điều chỉnh tăng ngay từ đầu năm sẽ khiến giá hàng hóa, dịch vụ tăng. Chưa kể giá cả nhiều mặt hàng ở các hệ thống siêu thị đã tăng trước đó do một số lý do khách quan, như yếu tố thời tiết, mùa vụ sản xuất... Theo ông Phú, người buôn bán, kinh doanh khi tăng giá hàng hóa đều “vin” vào lý do giá xăng, dầu tăng. Do đó rất khó tránh việc giá xăng dầu tăng mà giá hàng hóa giữ nguyên.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, một trong những “căn bệnh” nữa trong hoạt động quản lý thị trường hiện nay là sự phân phối không công bằng, cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều trong khi bản thân nhà sản xuất chưa chắc đã lãi nhiều khiến người tiêu dùng phải chịu giá cao.

“Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán 2023, các bộ, ngành, địa phương phải cùng phối hợp theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Cùng với đó, các địa phương chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu người dân” – ông Phú nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, việc duy trì nguồn cung hàng hóa dịp Tết cũng cần phải được các doanh nghiệp bán lẻ, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại chú trọng để tạo quỹ hàng hóa đi kèm với đó là việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả ổn định trước và trong Tết. “Một số đơn vị có kho dự trữ cần bổ sung thêm, đề phòng thiếu hụt cục bộ. Tổ chức bán hàng thuận tiện, quảng cáo tiếp thị, nâng cao văn hoá phục vụ khách hàng, xây dựng thương hiệu lâu dài” – ông Phú nhấn mạnh.

Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô như: Bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất; công tác điều hành giá được thực hiện thận trọng, cơ bản giữ ổn định giá các mặt hàng nhà nước định giá; điều hành giá xăng dầu sát với diễn biến giá thế giới nhưng với mức tăng thấp hơn; ban hành kịp thời các chính sách về thuế giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá, từ đó giúp hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá xăng tăng: Tác động tới thị trường ra sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO