Giấc mơ Hoà Lạc

Thành Vĩnh 18/02/2017 10:00

Hơn 20 năm trước, chúng ta đã hồi hộp mong chờ về một “Thung lũng Silicon” ở Việt Nam khi có chủ trương xây dựng Khu công nghệ cao Hoà Lạc. Nhưng 20 năm sau, đó vẫn là một mơ ước chưa thành, một Khu công nghệ cao dù đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nhưng như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc mới đây, “chưa như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và giới khoa học công nghệ”. Đến bao giờ được làm việc ở Hoà Lạc trở thành niềm kiêu hãnh của giới khoa học công nghệ cao giống như trên th

Phối cảnh một góc Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc.

Gần 80 dự án được đầu tư ở Khu công nghệ cao Hoà Lạc trong đó chỉ có 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, 10 viện nghiên cứu và 3 trường đại học. Những số liệu mà người đứng đầu Chính phủ phải thốt lên: “Còn quá ít so với các KCNC khác và ngay cả với các khu công nghiệp điện tử”.

Điều đáng nói là một dự án trọng điểm nhưng 20 năm sau vẫn chưa giải phóng hết mặt bằng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, không đáp ứng nhu cầu thu hút các nhà đầu tư. Khu công nghệ cao Hoà Lạc vẫn giống như một khu vực biệt lập “nơi đồng không mông quạnh”.

Xây dựng một khu công nghệ cao không chỉ là hạ tầng kỹ thuật, mà đi kèm theo còn là một hạ tầng xã hội như nhà ở, bệnh viện, thiết chế văn hóa… Nghĩa là đáng lẽ, sau hơn 20 năm, đã phải nhìn thấy diện mạo, hình hài, dáng vóc của một đô thị công nghệ cao.

Giấc mơ trở thành một Thung lũng Silicon của Việt Nam vẫn là câu hỏi được Thủ tướng Chính phủ đặt ra một lần nữa. Mà để trả lời được thì buộc phải tạo ra thương hiệu cho Hoà Lạc.

Tức là sản phẩm tạo ra từ đây phải mang giá trị để doanh nghiệp tự hào khi được đặt nhà máy ở đây, còn nhà khoa học và nhân công bậc cao có niềm hãnh diện khi được làm việc ở Khu công nghệ cao này. Giống như trên thế giới, phải đạt tới trình độ thế nào đó mới được làm việc ở Thung lũng Silicon.

Tiếc thay là cho tới thời điểm này khi thế giới đã bước qua cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, Khu công nghệ cao Hoà Lạc và các khu công nghệ cao khác ở Việt Nam vẫn chưa tạo ra tầm vóc và giá trị ấy. Ở Hoà Lạc, thậm chí đến ngay cả việc cấp điện vẫn còn thiếu ổn định.

Tới mức, trong báo cáo với Thủ tướng, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN cho biết Viện Hàn lâm hiện có ba dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (trong đó có Trung tâm Vũ trụ với số vốn 600 triệu USD), nhưng do việc cấp điện cũng thiếu ổn định nên họ không dám đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sản xuất.

Còn đối với một tập đoàn công nghệ thông tin thì do Hoà Lạc chưa hình thành hạ tầng xã hội với hình hài của một thành phố công nghệ cao nên họ vẫn phải dành khoảng 30 tỉ đồng xe buýt vận chuyển người lao động đến đây làm việc mỗi năm.

Trong một phát biểu mới đây trước sinh viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ không tự nhiên mang cơ hội đến cho bất cứ một quốc gia nào nếu không dấn thân vì nó. Trước đó, Việt Nam đã bỏ lỡ chưa tận dụng hết thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba - cách mạng công nghệ số.

Ông Vũ Đức Đam đưa ra ví dụ ở lĩnh vực công nghệ thông tin: Là quốc gia có bước tăng trưởng vượt bậc về công nghệ thông tin, những ngành có ứng dụng công nghệ thông tin đều phát triển mạnh hơn những ngành khác. Nhưng công nghệ thông tin của Việt Nam vẫn đứng thứ 80-90 theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc.

“Và thực tế dù đã có những kế hoạch, đề án phát triển thành nước mạnh về công nghệ thông tin, với dân số trẻ, quy mô lớn, được đánh giá cao về năng lực… nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được được mục tiêu khi Chính phủ điện tử mới dừng ở vị trí 80-90 thế giới. Thị trường dịch vụ CNTT đạt 3 tỷ USD so với con số 943 tỷ USD của thị trường toàn cầu”.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “không thể tận dụng tốt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nếu không có các quyết sách rất mạnh về chủ trương, thuế, tài chính để các doanh nghiệp phát triển các xa lộ thông tin rộng lớn; nếu không tháo gỡ được các vướng mắc khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phải đặt trụ sở ở Singapore, Mỹ”.

“Sáu tháng một lần, Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng xuống đây để họp một lần về quá trình tháo gỡ khó khăn cho Hòa Lạc” – Thủ tướng đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ lần này để đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc không chỉ đơn thuần là một khu công nghiệp về công nghệ mà là một hình mẫu của nền kinh tế Việt Nam thu nhỏ trong tương lai, trong đó các thực thể kinh tế hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ cao.

Quyết tâm ấy chỉ có thể được thực hiện khi có sự chuyển động từ cả bộ máy, những cơ quan có liên quan, trong đó nổi cộm vấn đề giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Những Khu công nghệ cao như Hoà Lạc sẽ giữ vị trí quan trọng trong việc đón làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà lần này, nếu không tận dụng hết thời cơ, chúng ta sẽ tiếp tục bỏ lỡ cơ hội cho phát triển.

Giấc mơ về một Thung lũng Silicon của Việt Nam lại được khơi lên khi Chính phủ đã cam kết ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư cho phát triển Khu công nghệ cao Hoà Lạc để nơi đây trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao trong thời đại mới, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hoà Lạc sẽ trở thành một thành phố khoa học công nghệ xanh, sạch, bền vững - một thành phố được lựa chọn làm nơi sinh sống của những người sáng tạo khoa học và công nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giấc mơ Hoà Lạc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO