Giấc mơ một thị trường tranh

Thư Hoàng 01/01/2019 09:00

Hội họa Việt Nam đã được khẳng định với nhiều tên tuổi nổi bật, mà sức hấp dẫn đến nay vẫn còn khiến các nhà đấu giá, sưu tập trên thế giới quan tâm, ngưỡng mộ. Tuy nhiên, hiện tại, thị trường tranh trong nước vẫn khiến người ta băn khoăn.

Giấc mơ một thị trường tranh

Bức tranh “Thôn nữ Bắc Kỳ” được đấu giá thành công tại Pháp với mức giá 205.000 euro (tương đương 5,9 tỷ đồng).

1. Cách đây ít lâu nhiều họa sĩ tên tuổi ở Việt Nam đã cảm thấy “chạm lọc”, thậm chí cảm thấy “xấu hổ, có gì đó như xúc phạm” khi tờ The New York Times của Mỹ đăng tải bài viết về thị trường tranh Việt. Tác giả bài báo là nhà báo Richard C. Paddock đã dùng những cụm từ rất mạnh như “đầy rẫy những dối trá”, “chiêu trò đạo nhái và lừa đảo”... để nói về vấn nạn vi phạm bản quyền trong lĩnh vực hội họa ở nước ta. Thậm chí, ngay từ tiêu đề bài báo đã đầy ngụ ý: “Nghệ thuật Việt chưa bao giờ được ưa chuộng nhiều như thế, nhưng thị trường tranh thì ngập đồ giả”. Ngay lập tức, bài báo đã thu hút sự quan tâm của người yêu hội họa trên thế giới và giới họa sĩ Việt Nam. Bởi bài viết đã chỉ ra hàng loạt tồn tại của thị trường tranh Việt – nạn sao chép, làm tranh giả - những điều người trong nghề đều biết nhưng ít ai lên tiếng.

Tất nhiên, nhà báo Mỹ Richard C. Paddock không nói vu vơ mà chỉ rõ nhiều vụ việc từng gây chấn động giới hội họa như tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu”, khi 15/17 tranh trong triển lãm bị phát hiện là tranh giả, hay kém chất lượng… Thậm chí, họa sĩ Thành Chương đã phát hiện tranh của mình bị “hô biến” thành tác giả Tạ Tỵ. Ông lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ, nhưng vụ việc sau đó “chìm xuồng”.

Theo nhà báo Richard C. Paddock: “Phát hiện của họa sĩ Thành Chương đã lộ ra một vụ bê bối làm rung chuyển cả giới mỹ thuật Việt Nam và nêu bật một sự thật đáng xấu hổ: Thị trường mỹ thuật Việt - nơi từng có những bức tranh vẽ trước chiến tranh, gần đây có giá cả triệu USD- lại đầy rẫy những dối trá. Dù đang được nhận ra nhiều hơn trên thị trường quốc tế, nhưng các họa sĩ và thương nhân buôn bán tranh Việt vẫn phải đương đầu với vấn nạn đạo nhái ngày một nở rộ… Vài bức họa của Tô Ngọc Vân và Lê Văn Đệ từng được nhìn thấy tại sự kiện đấu giá quốc tế, trong khi các tác phẩm trông giống hệt chúng vẫn đang treo tại bảo tàng mỹ thuật tại Hà Nội”.

Đó là một lời nhận xét chính xác. Nó không phải là câu chuyện của quá khứ, mà là câu chuyện của thời hiện tại. Hồi cuối tháng 3/2018, nhà đấu giá Aguttes (Pháp) đã mở phiên đấu giá của các hoạ sĩ Việt Nam thuộc thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương, trong đó, bức “Thôn nữ Bắc Kỳ” của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn. Khởi điểm với mức giá 35.000 euro, bức tranh nhanh chóng nhận được sự quan tâm và tăng giá mạnh qua các lượt đấu để rồi được chốt ở mức giá 205.000 euro (tương đương 5,9 tỷ đồng). Tuy nhiên, ngay sau đó, có ý kiến phân tích bức tranh trong phiên đấu giá có nhiều chi tiết khác biệt so với ảnh chụp bức tranh vào năm 1936.

Còn ở thị trường trong nước, tranh giả, tranh nhái xuất hiện ngang nhiên. Thậm chí năm qua, nhà phê bình Hoàng Anh còn phát hiện cả một trang web chuyên bán tranh giả, tranh nhái. Vụ việc được phanh phui, song cuối cùng “đâu lại vào đó”. Tệ hơn, một vài sàn đấu giá đã để tranh giả lọt vào các phiên đấu giá của mình, khiến dư luận bất bình.

2. Thừa nhận thời gian gần đây ở Việt Nam xuất hiện nhiều người mua tác phẩm mỹ thuật hơn trước, song theo nhà môi giới nghệ thuật Nguyễn Đức Tiến- cựu học viên Sotheby’s Institute of Art, Sotheby’s Auction House, New York, rất khó để khẳng định hiện nay Việt Nam đã có một thị trường tranh hay chưa. “Đơn giản bởi nhiều người mua tranh xong họ không bán. Các nhà sưu tập cũng vậy. Mà thị trường thì phải có người bán người mua. “Hiện thị trường nghệ thuật Việt mới bùng lên”- ông Tiến nói, và phân tích: “Trên thị trường, tranh của các họa sĩ Đông Dương có giá cao nhất, đạt tới mức 1 triệu USD (tác phẩm của Lê Phổ), hay gần đây bức tranh lụa “Thiếu nữ cầm quạt” của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn đã xác lập kỷ lục mới về giá tranh của họa sĩ này, với mức giá lên tới 440.000 euro (gần 12 tỷ đồng). Tuy nhiên, lượng tranh này dần đi vào các sưu tập tư nhân, ngày càng trở nên khan hiếm. Một số họa sĩ thời sau đã thành danh cũng có thể bán tranh ra nước ngoài, nhưng chưa hình thành tổ chức, chuyên nghiệp như cách thị trường vận hành”.

Để góp phần làm minh bạch hơn thị trường tranh Việt, cuối năm 2018, Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) đã thành lập Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật – nhiếp ảnh với nhiều chuyên gia, họa sĩ uy tín, thậm chí phối hợp với chuyên gia, máy móc của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Họa sĩ Lương Xuân Đoàn- Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, đó là quyết định hết sức kịp thời. “Điều này sẽ làm cho việc giám định tranh được công khai. Chứ những sàn bán đấu giá tranh nội địa cũng có chuyên gia nhưng không công khai danh tính, bản thân giới mỹ thuật cũng không biết những người được gọi là chuyên gia ấy có đủ uy tín trong giới mỹ thuật Việt Nam không? Khi có áp lực của xã hội, của công luận, của chính giới mỹ thuật Việt Nam đè nặng lên vai những thành viên hội đồng thì hoạt động giám định ấy tôi tin sẽ có thuận lợi hơn”- họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Trước ý kiến cho rằng, kết quả giám định của Trung tâm chỉ mang tính chuyên môn và hầu như không có tính pháp lý, ông Đoàn bày tỏ: “Tôi nghĩ đây là Hội đồng giám định về chuyên môn, còn về pháp lý chúng ta nhờ sự hỗ trợ của Bộ Công an. Nói áp lực đè nặng lên vai các thành viên Hội đồng là vậy. 100% thành viên Hội đồng đồng ý cho thấy đòi hỏi đến cùng trách nhiệm của thành viên Hội đồng. Bởi chỉ cần có 1 người còn băn khoăn thì cũng không đi đến kết luận cuối cùng được. Họ phải tự chịu trách nhiệm trong tiếng nói cá nhân của họ”.

3. Họa sĩ Đỗ Phấn nhìn nhận, 2018 là một năm có nhiều hoạt động mỹ thuật sôi nổi. Hay cũng có mà dở cũng nhiều. “Cái hay là ở chỗ đã có nhiều sân chơi mỹ thuật được mở ra ở những doanh nghiệp lớn, sàn đấu giá nghiêm túc. Nhưng cũng đồng thời có cái dở kèm theo là khả năng kiểm soát những tác phẩm mang bày hoặc đấu giá chưa được chuẩn mực”- họa sĩ Đỗ Phấn nêu quan điểm, đồng thời bày tỏ: “Điều khiến tôi suy nghĩ nhất là phong trào sưu tập tranh của các họa sĩ thời mỹ thuật Đông Dương đã đẩy giá tác phẩm của họ lên một tầm mức chưa từng thấy. Nhiều bức tranh của họa sĩ Việt Nam đã có mức giá như các bậc thầy châu Âu. Thậm chí vài bức còn cao giá hơn cả những thiên tài hội họa. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Thẩm mỹ của người Việt có thực sự cao đến thế không?”

Đây thật sự là một trong những vấn đề của mỹ thuật Việt Nam. Bởi nhìn trên bình diện chung, khi nhiều triển lãm cá nhân hay nhóm vẫn được đều đặn tổ chức tại các tỉnh, thành phố lớn; nhiều gallery vẫn xuất hiện, các sàn đấu giá, hay đấu giá tranh qua mạng vẫn khá rôm rả thu hút được sự quan tâm của nhiều người thì vẻ như thị trường tranh Việt cũng có gì đó “ấm” lên.

Theo họa sĩ Đỗ Phấn, hiện đã có một lớp công chúng mỹ thuật mới trong tầm 40 tuổi. “Điều này giống với hơn nửa thế kỷ trước những ông Bổng “nháy”, ông Tô Ninh, ông Việt Chiến, ông Bá Đạm... cũng ở tầm tuổi ấy. Tất nhiên các sưu tập gia bây giờ nhiều tiền thật sự chứ không phải ở hoàn cảnh các ông thủa trước. Tất nhiên độ tinh nhạy sắc bén trong nghề cũng còn lâu mới sánh được với các ông”- họa sĩ Đỗ Phấn nhận xét.

Ở khía cạnh của những sàn đấu giá tranh xuất hiện thời gian gần đây, và trong năm qua, họ đưa vào đấu giá cả những bức tranh giả, theo họa sĩ Đỗ Phấn, “những người mang tranh giả ra đấu giá chỉ là kém chuyên môn mà thôi. Thế nhưng vài lần kém gần nhau như vậy buộc lòng tôi không còn nghĩ như thế nữa”.

Xem ra câu chuyện về một thị trường tranh minh bạch, lành mạnh ở Việt Nam vẫn cần sự chung tay của nhiều người, kể cả việc thực thi pháp luật nghiêm minh trước những hành vi sai quấy.

Giấc mơ một thị trường tranh - 1

Trong một triển lãm đương đại.

Có ý kiến cho rằng, Việt Nam có nhiều người chơi tranh, nhưng chỉ chơi tranh theo kiểu “làm sang”, nghĩa là họ chỉ muốn mua tranh giả, tranh sao chép. Để chiều theo nhu cầu này, nhiều phòng tranh, cửa háng bán tranh sao chép xuất hiện nhan nhản tại các đô thị lớn. Thậm chí, ở thời mạng xã hội lên ngôi, người ta có thể mua tranh chép qua mạng sau một vài giao dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giấc mơ một thị trường tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO