Giải bài toán quy tắc xuất xứ: Doanh nghiệp may thở phào

Minh Phương 21/12/2020 07:08

Để hưởng lợi ích về thuế suất của CPTPP và EVFTA, Việt Nam phải phát triển nguồn nguyên liệu trong nước hoặc sử dụng nguyên liệu nội khối hay các quy định ngoại lệ để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Đây là bài toán khó của ngành dệt may khi chúng ta đang nhập khoảng 75% vải và phụ liệu cho may xuất khẩu.

Thỏa thuận về cộng gộp xuất xứ giữa Việt Nam và Hàn Quốc mở ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may.

Mối lo của doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp (DN) ngành dệt may cho biết, trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), điều mà họ lo lắng nhất chính là vấn đề quy tắc xuất xứ vải. Nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là điểm yếu lớn nhất của ngành dệt may trong nước do phần lớn nguyên phụ liệu của ngành này đều đang phải nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của EVFTA.

Chia sẻ về câu chuyện này, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, thời gian tới, ngoài động lực phục hồi sản xuất từ Covid-19, việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ cũng đang thúc đẩy các nhà máy và cả nhãn hàng tăng cường mua bán nguyên vật liệu trong nước.

Tuy nhiên, hiện nay các DN đa phần thiếu các kênh thông tin và cơ chế hỗ trợ để liên kết. Chưa có một cổng thông tin toàn diện về ngành dệt may và giày dép - túi xách ở Việt Nam, cho phép các DN có thể tìm kiếm các đối tác hợp tác hiệu quả.

Do đó, đa phần các DN ‘tự thân vận động’ bằng cách tìm hiểu qua truyền miệng hoặc quan hệ cá nhân, điều này dẫn đến bị hạn chế về thông tin, vì thế rất cần thêm những nguồn thông tin bổ sung về vấn đề này.

Cũng theo Chủ tịch Vitas, để hưởng lợi ích về thuế suất của CPTPP và EVFTA, Việt Nam phải phát triển nguồn nguyên liệu trong nước hoặc sử dụng nguyên liệu nội khối hay các quy định ngoại lệ để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Đây là vấn đề không dễ giải quyết ngay khi hiện nay Việt Nam nhập khoảng 75% vải và phụ liệu cho may xuất khẩu.

“Chưa kể dệt may Việt Nam vừa chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước xuất khẩu dệt may lớn vào CPTPP, EU như Trung Quốc, Ấn Độ... và tại thị trường trong nước, các DN sẽ phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn đến từ châu Âu và các nước CPTPP” - theo ông Giang.

Có thể thấy, với các DN ngành may, để có thể tận hưởng những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại, đi tìm lời giải cho bài toán về quy tắc xuất xứ không hề đơn giản.

Mối lo được giải tỏa

Tuy nhiên, việc ký kết thỏa thuận về cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa Việt Nam và Hàn Quốc mới đây được coi là một lời giải tốt cho “bài toán hóc búa” này.

Bộ Công thương cho biết, để xử lý điểm yếu về nguồn nguyên liệu dệt may, Việt Nam đã đàm phán với các nước EU đưa vào Hiệp định EVFTA điều khoản cho phép DN Việt Nam được cộng gộp hàm lượng xuất xứ của nguyên liệu dệt may nhập khẩu từ Hàn Quốc (nước đã ký FTA với EU) vào sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước EU.

Sau nhiều nỗ lực, mới đây nhất, một thỏa thuận về cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa Việt Nam và Hàn Quốc (hai nước trong EVFTA) đã được ký kết. Giới chuyên gia trong ngành đánh giá, thỏa thuận đạt được nói trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp DN Việt Nam tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc để sản xuất, gỡ điểm nghẽn về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu vải đối với hàng dệt may xuất khẩu đi thị trường EU, do Hàn Quốc cũng đã ký hiệp định thương mại với EU.

Theo cam kết tại EVFTA, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng, để hưởng lợi ích về cắt giảm thuế quan, các DN phải đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ, trong đó, quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” với yêu cầu vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam, hoặc các nước thành viên EU.

Nhận định về vấn đề này, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong 5 năm qua, Việt Nam nhập khẩu lượng vải từ Hàn Quốc lớn thứ hai, sau Trung Quốc, mức độ trung bình lên tới 2 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng từ 17-18% tổng kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam/năm. Riêng Việt Nam có 30% lượng vải sản xuất trong nước, 70% lượng vải nhập khẩu.

“Nay với Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa hai nước trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thì hàng may từ Việt Nam vào EU có tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ tới 50% (cộng gộp lượng vải từ Việt Nam và vải nhập từ Hàn Quốc). Điều này là hết sức thuận lợi cho dệt may nước nhà để được hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào EU”, ông Trường nhận định đồng thời cho biết thêm, các DN dệt may sẽ cân nhắc sử dụng nhiều hơn vải từ Hàn Quốc bên cạnh lượng vải được sản xuất tại Việt Nam để thực hiện các đơn hàng vào EU, đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải.

EU hiện là thị trường có quy mô lớn về nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may với kim ngạch nhập khẩu trị giá hơn 250 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU còn khá khiêm tốn, như năm 2019 kim ngạch xuất khẩu chỉ mới đạt 4,3 tỉ USD, chiếm 2% thị phần của thị trường EU, một tỉ lệ rất nhỏ so với những tiềm năng mà thị trường này đem lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán quy tắc xuất xứ: Doanh nghiệp may thở phào

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO