Giải Cánh diều như một cơ hội giao lưu

Hoàng Minh (thực hiện) 04/04/2016 06:15

Hơn một năm trở lại đây, đạo diễn Đặng Thái Huyền là một cái tên được nhắc tới nhiều trong giới. Chị đã khiến cho phim lịch sử “cháy” vé và đủ sức cạnh tranh với các phim thương mại khi rạp. Mới đây, bộ phim lịch sử “Người trở về” do chị làm đạo diễn đã có tên trong danh sách đề cử giải thưởng Cánh diều 2015- thể loại phim truyện điện ảnh. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Đặng Thái Huyền về cơ chế đưa phim nhà nước tới gần với khán giả. 

Giải Cánh diều như một cơ hội giao lưu

Đạo diễn Đặng Thái Huyền.

PV:Đầu tiên, xin chúc mừng chị và đoàn làm phim “Người trở về” đã lọt vào đề cử giải Cánh diều 2015. Lâu nay có một thực tế cho thấy phim nhà nước thường “lép vế” so với các hãng phim tư nhân khi ra rạp. Theo chị là do những nguyên nhân gì?

Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Tôi tự hỏi có khi nào người ta đặt câu hỏi ngược lại là tại sao phim nhà nước, phục vụ công tác Đảng, công tác Chính trị, phục vụ chiến sĩ, đồng bào cả nước nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo… lại chưa có cơ chế và kinh phí cho truyền thông?

Như nhiều người thấy, không phải rất nhiều dòng phim do nhà nước sản xuất đã từng được coi là kim chỉ nam, được coi là giáo khoa để các trường điện ảnh trong nước đưa ra giảng dạy sao: “Hoa ban đỏ”, “Thung lũng hoang vắng”, “Đời cát”, “Sống trong sợ hãi”…Vì vậy, có quá phiến diện khi đánh giá sự lép vế của một dòng phim khi chỉ chăm chăm nhìn vào doanh thu phòng vé, quảng bá truyền thông hay không?

Nhưng thưa chị, ở những mùa giải gần đây của Hội Điện ảnh VN người ta cũng thấy phim tư nhân thường chiếm số lượng áp đảo hơn. Năm nay “Người trở về” cũng nằm trong số ít phim nhà nước tham dự.

- Thứ nhất, tôi muốn khẳng định “Người trở về” không phải phim của cá nhân tôi mà là phim đại diện của Điện ảnh Quân đội, của lực lượng vũ trang Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chúng tôi tự hào khi Điện ảnh Quân đội là hãng phim có những tác phẩm đóng góp vào thành tựu chung của điện ảnh nước nhà. Và một thời vang bóng của điện ảnh Việt Nam được thế giới biết đến cũng chính từ những bộ phim chiến tranh cách mạng. Mà để có được những thước phim tư liệu quý giá đó chiếu trong các dịp lễ tết và kỷ niệm quan trọng của đất nước, nhiều nhà làm phim của hãng chúng tôi đã phải trả bằng sinh mệnh của mình.

Thứ hai, đây là tác phẩm được làm nên từ tâm huyết, công sức của cả một tập thể, một thế hệ chưa từng biết đến chiến tranh nhưng vẫn muốn được thử sức để tri ân lịch sử và thế hệ cha anh đi trước. Tại sao lại không tự tin và có lý do gì để không tự tin khi tôi và êkíp đã làm nên một tác phẩm “tử tế” và “sạch sẽ”.

Giải Cánh diều như một cơ hội giao lưu - 1

"Người trở về” được kỳ vọng sẽ
mang lại thành công cho phim nhà nước tại Giải thưởng Cánh diều 2015.

Theo chị, với những đơn vị vẫn đang phụ thuộc kinh phí của nhà nước, cơ chế làm phim cần phải thay đổi thế nào để phim tới được với khán giả, để không mang tiếng là tiền đầu tư lớn, nhưng phim xong rồi chỉ để lưu kho?

- Tôi cho rằng cả phim tư nhân và phim nhà nước về kịch bản và tư tưởng sáng tạo không có gì chênh lệch. Chỉ là mỗi thể loại, đề tài, dòng phim nhà sản xuất sẽ có những định hướng phát hành, đối tượng khán giả mục tiêu khác nhau. Ví dụ như phim chính luận thì không nặng yếu tố hài, giải trí mà nặng về những vấn đề chính trị, xã hội. Đất nước nào, chính thể nào sẽ có mảng phim phục vụ cho mục đích chính trị và xã hội của đất nước đó.

Điều đó là mặc định chung không chỉ ở Việt Nam mà còn ở thế giới. Vậy nên cũng không quá ngạc nhiên nếu ở nước ngoài cũng có những bộ phim của một số hãng phim hay đạo diễn chinh chiến và làm mưa làm gió ở các liên hoan phim quốc tế nhưng hoàn toàn không phải là cái tên gây sốt ở phòng vé. Có lẽ đã đến lúc báo chí nên có cái nhìn khách quan, đa chiều và không quá đào sâu vào cái gọi là sự khác biệt giữa phim nhà nước, tư nhân. Và có lẽ cũng không nên chăm chăm lấy tiêu chí bán vé làm thước đo để đánh giá chất lượng của một bộ phim.

Bởi rất nhiều bộ phim của nhà nước đặt hàng đã tới với hàng triệu chiến sĩ và đồng bào trên cả nước, từ biên giới đến hải đảo xa xôi và tôi đồ rằng, khối lượng người xem đông hơn rất nhiều số lượng khán giả đã bỏ tiền mua vé xem phim chỉ đơn giản là những nơi xa xôi ấy đến chiếc cầu bắc qua sông cho người dân đi học, đi làm còn khó nói chi đến một cái rạp xem phim dù là ở mức chiếu bóng tối thiểu nhất.

Theo tôi, đừng đặt lên vai các nhà làm phim áp lực làm phim tuyên truyền nhưng có yếu tố giải trí, nếu bán vé sẽ gây sốt vé và xây dựng nên những hình ảnh “soái ca” để tạo nên trào lưu trong giới trẻ. Thật sự là một bài toán quá khó.

Trước thềm giải thưởng Cánh diều 2015, chị kỳ vọng và mong muốn điều gì nhất?

- Tôi kỳ vọng là giải thưởng Cánh diều sẽ lựa chọn ra được bộ phim tiêu biểu nhất trong những bộ phim dự giải làm thoả mãn khán giả và hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, cũng không nên quá nặng nề về yếu tố tranh giải mà nên coi đây là dịp để các nhà làm phim có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và đưa ra được những giải pháp tốt hơn cho nền điện ảnh nước nhà.

Xin cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải Cánh diều như một cơ hội giao lưu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO