'Giải cứu' nông sản Tết cho nông dân phía Nam

Quốc Định 17/01/2022 18:30

Khác với những năm trước, dịp Tết Nguyên đán năm nay nông dân ở nhiều địa phương phía Nam “đứng ngồi không yên” khi nông sản rơi vào cảnh rớt giá thê thảm. Nhiều mặt hàng khó tiêu thụ, thậm chí có sản phẩm đến mùa chín rộ vẫn chưa tìm ra nguồn bao tiêu.

Ở tỉnh Long An, việc tiêu thụ khoảng gần 18.000 tấn thanh long vào vụ thu hoạch từ nay đến Tết Nguyên đán là cả bài toán hóc búa dù đã kêu gọi “giải cứu”.

Còn ở tỉnh Gia Lai, những người trồng dưa hấu vụ Tết này như "khóc ròng" khi đã bắt đầu đến kỳ thu hoạch nhưng mỏi mắt chờ vẫn không thấy thương lái tới thu mua, khiến người trồng đứng trước nguy cơ trắng tay. Điển hình như tại xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) có khoảng 60 ha dưa của người dân ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên thuê đất trồng.

Thanh long là một trong những mặt hàng nông sản hay chịu cảnh bất thường về giá cả.

Ngoài một số hộ bán được giá 5.000-6.000 đồng/kg đã tháo dỡ lều trại về quê, vẫn còn những ruộng dưa bắt đầu thu hoạch, nhưng không có thương lái đến mua.

Ông Nguyễn Văn Tín - một nông dân ở xã Ia Lâu cho biết, đã đầu tư hơn 200 triệu đồng cho vụ dưa này, nếu để ruộng dưa chín hết, không có ai đến mua thì coi như mất trắng, hy vọng về cái Tết ấm đang nguội dần.

Nhìn từ chuyện người trồng dưa ở Gia Lai lao đao với vụ Tết, nhiều ý kiến đặt dấu hỏi: Miền Trung là thủ phủ trồng dưa và thường xuyên phải giải cứu, tại sao ở Gia Lai lại trồng?

Điều đó càng cho thấy tư duy của người nông dân vẫn còn hạn chế trong chuyện này. Còn chính quyền địa phương lẽ ra ngay từ sớm cũng nên khuyến cáo để nông dân không trồng theo phong trào - không khác gì "canh bạc", dễ dẫn đến rủi ro, thất bại.

Trong thời gian dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, nông dân trồng lúa ở ĐBSCL cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi thương lái không mặn mà với việc thu mua.

Trong khi đó, ngược lại với giá xoài Hoà Lộc, giá mít Thái ở Hậu Giang mà thương lái vào vườn thu mua của người dân hiện nay chỉ ở mức từ 9.000-10.000 đồng/kg đối với loại 1, loại 2 là 4.000 đồng/kg, mít dạt chỉ 1.000-2.000 đồng/kg.

Theo các nhà vườn, giá mít Thái như trên là mức giá thấp so với nhiều năm qua. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì giá mít hiện tại đã giảm phân nửa. Nguyên nhân là do thời điểm này, mít không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc. Trong khi diện tích trồng mít hiện nay khá lớn nên không thể tiêu thụ hết ở thị trường nội địa.

Thống kê của ngành nông nghiệp Hậu Giang, toàn tỉnh có 8.421 ha mít, chủ yếu là ở huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, TP Ngã Bảy… nên ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân theo dõi tình hình thị trường để tính toán và có cân đối lại việc xử lý ra trái để tránh tình trạng cung vượt cầu, giá cả xuống thấp.

Ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) vốn lâu nay được xem là “thủ phủ” trồng mãng cầu xiêm của Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng vụ Tết năm nay, nông dân nhiều khả năng trắng tay. Đó là vì nông dân không dám đầu tư sản xuất bởi giá phân, giá thuốc quá cao, trong khi giá mãng cầu xiêm bất định vì dịch Covid-19.

Dưa hấu cũng là sản phẩm liên tục phải “giải cứu” trong những ngày qua. Ảnh: N.T..

Giới chuyên gia đánh giá, không chỉ với vụ Tết, vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” hoặc “được giá mất mùa” diễn ra hàng chục năm rồi, nhưng phương án khả dĩ để khắc phục, hay hạn chế sự thiệt hại cho nông dân vẫn còn quá mông lung.

Người nông dân không có đủ thông tin cần thiết để quyết định trồng cây gì, hay nuôi con gì. Trong khi đó, sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn rất lỏng lẻo. Trong chuyện này có cả tránh nhiệm của nhà quản lý. Nếu không nhanh chóng khắc phục những tồn tại và bất cập, chắc chắn sẽ khó tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp mạnh, đủ sức cạnh tranh với các nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Giải cứu' nông sản Tết cho nông dân phía Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO