Giải đáp những vướng mắc liên quan đến chính sách ‘3 tại chỗ’

Khanh Lê 30/08/2021 07:30

Trước những kiến nghị của một số địa phương và doanh nghiệp khi phải thực hiện chính sách “3 tại chỗ”, Bộ LĐTBXH đã có Công văn 2844/LĐTBXH-PC hướng dẫn một số vướng mắc trong việc thực hiện chính sách lao động.

Bộ LĐTBXH cho biết, theo quy định của địa phương, doanh nghiệp được phép hoạt động khi đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ” và “doanh nghiệp nào không đáp ứng được thì phải tạm dừng sản xuất”. Đối với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, nhưng có một số người lao động không đồng ý với phương án lưu trú theo yêu cầu “3 tại chỗ” của doanh nghiệp, những trường hợp này, hai bên người lao động và doanh nghiệp thống nhất để xác định theo một trong các cách sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc và trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Khoản 3, Điều 99, Bộ luật Lao động. Trong trường hợp này, người lao động được hỗ trợ chính sách ngừng việc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19.

Thứ hai, thống nhất với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động theo quy định Điều 30 Bộ luật Lao động, hoặc hai bên thỏa thuận nghỉ không hưởng lương theo Khoản 3, Điều 115 Bộ luật Lao động.

Thứ ba, các trường hợp khác theo quy định của pháp luật lao động, như: thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo Khoản 3, Điều 34, Bộ luật Lao động; thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo Điểm c, Khoản 1, Điều 36, Bộ luật Lao động;...

Liên quan đến chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khi thực hiện chính sách “3 tại chỗ”, Công văn của Bộ LĐTBXH nêu rõ: Với những doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ” và phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian thực hiện quy định đó của địa phương được xem là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 để được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Điều 13, Quyết định 23/QĐ-TTg.

Với những doanh nghiệp nằm trong khu vực bị cách ly y tế nên khó khăn về cung ứng nguyên vật liệu, xuất hàng buộc phải tạm dừng hoạt động có thể được xem là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19, để được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Điều 13 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải đáp những vướng mắc liên quan đến chính sách ‘3 tại chỗ’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO