Giải ngân vốn đầu tư công: Tập trung vào các dự án trọng điểm

Hồ Hương 30/07/2020 08:08

Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực lên các lĩnh vực sản xuất. Trong bối cảnh nền kinh tế đối diện nhiều khó khăn, tiêu dùng và xuất khẩu suy giảm thì đầu tư công được đánh giá là “cứu cánh” để vực nền kinh tế.

Tiến độ nhiều dự án chậm do giải ngân yếu.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm là bài toán của nhiều năm nay. Câu hỏi “làm thế nào để mang lại hiệu quả” là vấn đề được đặt ra tốn khá nhiều bút mực. Nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, cũng như các văn bản, chỉ thị được ban hành duy nhất với mục đích thúc giải ngân vốn đầu tư công. Thế nhưng tình hình giải ngân vốn đì đẹt vẫn đì đẹt. Đáng chú ý vốn đang tắc tại các dự án lớn.

Chẳng hạn tại Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Hà Nội), đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo còn vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, chưa thực hiện xong. Ngoài ra, dự án này vướng mắc liên quan đến quy hoạch ga ngầm C9 (sát hồ Hoàn Kiếm) nên không thi công được các gói thầu xây lắp, không giải ngân được kế hoạch vốn ODA cấp phát đã giao.

Được biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương dự án và việc bố trí vay vốn nước ngoài phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án để hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tự dự án.

Hiện nay nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án (điều chỉnh chủ trương đầu tư), và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn.

Ngoài Dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang tắc vốn thì còn có một số dự án lớn khác nữa như Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vay vốn của JICA, Dự án Phát triển giao thông đồng bằng Bắc bộ vay WB, Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam vay WB, Dự án Phục hồi và quản lý rừng bền vững vay JICA, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững vay WB.

Theo đánh giá chung, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất ổn và tương lai bất trắc, sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước. Và chỉ có đầu tư công mới hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Đại học Kinh tế TP HCM), đầu tư công lúc này chính là yếu tố mũi nhọn với nhiều ưu điểm. Với đầu tư công, tiền bơm ra sẽ được nền kinh tế hấp thụ hết. "Tiền từ tài khoá sẽ được hấp thụ, tạo ra cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân”.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng đồng quan điểm và cho rằng, Việt Nam chỉ nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí sẵn vốn thực hiện. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương có thể tiếp cận, tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc như một giải pháp đặc biệt.

PGS Phạm Thế Anh cho rằng thúc đẩy đầu tư công không nên là việc tăng chi tiêu công một cách dàn trải, vội vàng, thiếu kiểm soát.

Trong khi đó TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV cho rằng, thúc đẩy đầu tư công là cần thiết nhưng không phải thúc đẩy bằng mọi giá, mà vẫn phải đảm bảo yếu tố tiên quyết là hiệu quả. Đây là giải pháp mà nhiều nước cũng đang thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế.

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư năm 2020 Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành, địa phương, chủ đầu tư cần ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu… nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án. Bộ Tài chính đề nghị, các bộ ngành, địa phương sử dụng vốn đầu tư công cần chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2020, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 kéo sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải ngân vốn đầu tư công: Tập trung vào các dự án trọng điểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO