‘Giải oan’ cho AstraZeneca

Hà Anh 17/04/2021 07:48

Sau các sự cố sức khỏe liên quan đến vaccine ngừa Covid-19 gần đây, niềm tin vào vaccine phần nào đã bị giảm sút. Tuy nhiên, lợi ích và hiệu quả mà vaccine đem lại là điều không ai có thể phủ nhận. Nó bảo vệ con người một cách hữu ích hơn là những biến chứng hiếm gặp ở một số nhỏ đối tượng.

Tiêm phòng vaccine Covid-19 cho người cao tuổi tại Rio de Janeiro (Brazil).

Lấy lại niềm tin

Nghiên cứu mới đây của Đại học Birmingham (Anh) cho thấy, 9/10 người trên 80 tuổi được tiêm vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca vẫn còn miễn dịch mạnh mẽ sau 6 tuần kể từ khi tiêm liều vaccine đầu tiên.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Helen Parry và Giáo sư Paul Moss được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, cả hai loại vaccine của AstraZeneca và Pfizer đều hoạt động hiệu quả như nhau trong việc khiến cơ thể tạo ra các kháng thể có thể chống lại virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, nghiên cứu đã chứng minh vaccine có hiệu quả với người cao tuổi – nhóm người có hệ thống miễn dịch kém và phản ứng kém hơn với vaccine.

Ngày 16/4, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul vừa thông báo vaccine AstraZeneca sẽ là trụ cột chính cho chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 của quốc gia Đông Nam Á này. Ông Anutin khẳng định, Thái Lan có chuyên môn để giám sát chặt chẽ thông tin về vaccine và quyết định này dựa trên khoa học.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Birmingham đã tiến hành xét nghiệm máu của 165 người trên 80 tuổi đã được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên từ 5-6 tuần trước đó. Trong đó, 89 người tiêm vaccine AstraZeneca và 76 người tiêm vaccine Pfizer.

Nghiên cứu của Đại học Birmingham cũng cho thấy, mũi tiêm đầu tiên vaccine AstraZeneca sẽ giúp kích hoạt phản ứng từ các tế bào bạch cầu - một phần quan trọng khác của hệ thống miễn dịch. Cấp độ hiệu quả của vaccine được tăng lên sau mũi tiêm thứ hai.

Tiến sĩ Helen Parry và Giáo sư Paul Moss, những người đã thực hiện nghiên cứu, cho biết, trong số 32,3 triệu người được tiêm chủng vaccine AstraZeneca trên khắp Vương quốc Anh, mới có 7,9 triệu người đã được tiêm mũi thứ hai sau 12 tuần tiêm mũi thứ nhất.

Những người tiêm vaccine tham gia nghiên cứu đều có dấu hiệu được bảo vệ lâu dài khỏi virus ngay cả khi họ chưa tiêm liều thứ hai. Xét nghiệm máu của 165 người để tìm kháng thể Covid-19 cho thấy, 87% có các protein kháng virus từ 5-6 tuần sau mũi tiêm đầu tiên vaccine AstraZeneca và 93% với vaccine Pfizer.

Nghiên cứu bổ sung thêm bằng chứng cho thấy, khả năng miễn dịch của con người có thể kéo dài hơn ba tuần và thậm chí cải thiện theo thời gian. Tiến sĩ Helen Parry cho biết: “Chúng tôi biết rằng, cả vaccine Pfizer và AstraZeneca đều có hiệu quả tốt trong thực tế, nhưng chúng tôi cũng cần hiểu các phản ứng miễn dịch cơ bản mà chúng tạo ra. Trong nghiên cứu, chúng tôi phát hiện phản ứng kháng thể ở hầu hết những người từ 80 tuổi trở lên trong 5 tuần tiêm liều vaccine đầu tiên”.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, một số người có kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính vẫn có thể bị nhiễm virus và mắc Covid-19 nếu phản ứng miễn dịch của họ không đủ mạnh.

Trong khi thực hiện nghiên cứu, Tiến sĩ Helen Parry và Giáo sư Paul Moss cũng phát hiện, những người từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 có phản ứng miễn dịch mạnh hơn. Xét nghiệm máu của 8 người tham gia nghiên cứu cho thấy, cơ thể họ tạo ra lượng kháng thể nhiều hơn 600 lần so với những người chưa từng mắc Covid-19.

Theo các nhà nghiên cứu, phản ứng miễn dịch cao hơn ở những người từng mắc Covid-19 là sự kích thích hệ thống miễn dịch hai lần. Do vậy, các nhà nghiên cứu hy vọng vaccine sẽ có được tác dụng tương tự khi tiêm liều thứ hai.

Vẫn được săn đón

Ngày 15/4, ông Hans Kluge, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, Cơ quan Y tế Đan Mạch đang xem xét việc gửi vaccine Covid-19 AstraZeneca đến các quốc gia nghèo hơn, sau khi cảnh báo về nguy cơ gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng khi tiêm vaccine.

Động thái này được đưa ra một ngày sau khi Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Âu ngưng sử dụng hoàn toàn vaccine của AstraZeneca trong bối cảnh giới chức châu Âu điều tra các trường hợp đông máu sau khi tiêm loại vaccine này.

Kế hoạch chia sẻ vaccine AstraZeneca với các quốc gia nghèo hơn của Đan Mạch vẫn chưa được công bố chi tiết, nhưng ông Kluge cho biết: “Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã sẵn sàng và đang xem xét các phương án để phân phối vaccine cho các nước có nhu cầu”.

Kế hoạch trên cũng được đưa ra vài ngày sau khi WHO cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 đang ở “thời điểm quan trọng”, bất chấp việc triển khai vaccine ở các nước giàu, bởi các ca bệnh đang “tăng theo cấp số nhân” do sự gia tăng đột biến số ca lây nhiễm ở các quốc gia nghèo hơn.

WHO vẫn đang điều hành chương trình COVAX Facility để đảm bảo việc phân phối vaccine Covid-19 công bằng hơn trong bối cảnh xuất hiện các cáo buộc rằng, các quốc gia giàu có đã tham gia vào chủ nghĩa dân tộc vaccine, nhanh chóng giành lấy vaccine để sử dụng trong nước.

Cùng với đó, ngày 15/4, các quan chức phụ trách vấn đề tài chính và tiêm chủng vaccine hàng đầu của Liên hợp quốc kêu gọi các nước giàu có “quyên góp” những liều vaccine ngừa Covid-19 chưa dùng đến cho chương trình hỗ trợ vaccine cho những quốc gia có thu nhập thấp hơn trong nỗ lực nhằm chấm dứt đại dịch và đưa nền kinh tế toàn cầu trở về đúng hướng.

Tại một sự kiện do Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) tổ chức, các quan chức này đã kêu gọi các nước quyên góp thêm 2 tỷ USD cho Chương trình sáng kiến về chia sẻ vaccine COVAX vào tháng 6/2021, để có thể mua tới 1,8 tỷ liều vaccine trong năm 2021.

COVAX đã giúp “phân phối” hơn 38 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 tới 111 quốc gia trong bảy tuần, phần lớn trong số đó là vaccine do AstraZeneca sản xuất.

Đáp lại lời kêu gọi này, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã tuyên bố tài trợ đủ liều vaccine để tiêm cho hơn 800.000 người theo chương trình COVAX, do Gavi, WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) điều hành.

Trong một thông báo từ sự kiện này, Đan Mạch, Liechtenstein, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Thụy Điển cũng đã cam kết tài trợ tổng cộng khoảng 400 triệu USD cho chương trình. Trong khi đó, Mỹ, nước đã tài trợ 2 tỷ USD trong tổng số 4 tỷ USD đã cam kết cho COVAX, không đưa ra các cam kết mới.

Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét bổ sung nguồn vốn viện trợ hàng tỷ yen cho Chương trình COVAX với mục tiêu đi tiên phong trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng chống Covid-19 cũng như kêu gọi các quốc gia tăng cường viện trợ cho khuôn khổ hợp tác này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Giải oan’ cho AstraZeneca

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO