Giải pháp nào cho shipper?

Hải Nhi 01/08/2021 06:04

Lệnh cấm hoạt động shipper công nghệ và tự do theo Chỉ thị 17 của TP Hà Nội khiến hàng ngàn người lao động bỗng chốc rơi vào cảnh thất nghiệp. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, lực lượng shipper được xem là “mạch sống” của thành phố, nhiều chuyên gia cho rằng cần sớm tìm giải pháp an toàn cho hoạt động shipper.

Chật vật với lệnh cấm

Sau 1 tuần Hà Nội thực hiện dừng hoạt động shipper công nghệ giao hàng và chở khách, các shipper tự do, hàng loạt người lao động rơi vào cảnh “cạn đất” sống và khó có thể xoay xở một nghề khác mưu sinh trong thời điểm này.

Anh Nguyễn Văn Lịch quê Hải Dương đang trọ tại một con ngõ ở phố Hàm Tử Quan, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm làm shipper cho Go-Viet gần 2 năm qua. Với công việc này anh thu nhập mỗi tháng từ 7-8 triệu đồng để trang trải cho gia đình. Tuy nhiên, trước lệnh cấm các shipper công nghệ, anh Lịch hiện đang đứng giữa “ngã ba đường”, khi cửa hàng bán xôi sáng đầu ngõ của vợ anh cũng đóng cửa. Anh Lịch chia sẻ: Tôi mong dịch bệnh sớm qua để cuộc sống bình thường trở lại.

Cùng cảnh với anh Lịch, ông Trần Văn Thông, 60 tuổi, một shipper tự do trọ tại ngõ 78 đường Giải Phóng, quận Đống Đa, Hà Nội hiện cũng như đang ngồi trên đống lửa, bởi ông chưa biết lấy đâu ra số tiền gửi về quê cho vợ con trong những ngày tới, rồi tiền chi tiêu cho bản thân nếu dịch dã kéo dài.

Nghĩ tới chuyện về quê, nhưng vào thời điểm này vào ra Hà Nội đều khó, và về quê cũng phải thực hiện nhiều bước xét nghiệm, cách ly… rất chặt chẽ theo quy định, vậy nên anh Hoàng Văn Dũng làm shipper cho Grap vẫn quyết tâm ở lại Hà Nội. Với số tiền ít ỏi còn lại, anh Dũng nói: Chắc tiết kiệm cũng được 1 tháng chi phí cho ăn uống và trả tiền nhà trọ.

Về phía người dân Hà Nội, dịch bệnh từ đầu năm 2020 đến nay đã hình thành thói quen mua sắm trực tuyến của nhiều người tiêu dùng. Đặt giao hàng qua app, thanh toán tiền trực tuyến và hạn chế tiếp xúc đã giúp nhiều người duy trì được cuộc sống thường nhật, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Bởi vậy, quy định hạn chế shipper hoạt động trong thời gian giãn cách ở Hà Nội đã khiến không ít người lo lắng. Nhất là những cư dân sống ở những khu đô thị hoặc xa trung tâm TP.

Chị Nguyễn Thuỳ Dương, sống tại toà P1, khu Đô thị Việt Hưng cho hay: Khoảng nửa năm nay, tôi không trực tiếp đi chợ mua thực phẩm mà toàn đặt hàng qua app, nên tuần qua hoạt động shipper qua ứng dụng công nghệ ngưng hoạt động khiến tôi khó xoay xở. Giờ tôi đành chọn đến siêu thị vào giờ thấp điểm để tránh tiếp xúc đông người, bởi các siêu thị giờ cũng quá tải các đơn hàng online.

Cần cách làm linh động

Tìm giải pháp cho shipper hoạt động trở lại, chiều 29/7, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuần qua, cơ quan đã nhận được hơn 15.200 thông tin đăng ký vận chuyển hàng hóa của các tài xế xe môtô hai bánh (shipper). Trong đó, Sở Công thương Hà Nội gửi danh sách 699 xe, Sở TTTT gửi thông tin 14.484 xe. Sau đó, Sở GTVT Hà Nội đã cấp mã xác nhận cho 14.270 xe, từ chối 275 xe do biển số không phải là xe môtô hai bánh; riêng hơn 663 xe còn lại đang chờ duyệt.

Theo ông Viện, hiện cơ quan này chỉ cấp phép cho các shipper phục vụ việc giao hàng siêu thị, làm việc tại các sàn thương mại điện tử và các công ty bưu chính vận chuyển bưu phẩm. Riêng shipper của các hãng kinh doanh giao hàng công nghệ như Grab, Be, Gojek, MyGo, FastGo vẫn chưa được phép hoạt động trở lại.

Cũng trong ngày 29/7, Sở GTVT đã cấp phép cho 200 lái xe của Công ty Mai Linh hoạt động. Theo đó, hãng taxi này được bố trí 200 xe và người lái đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, bố trí 3-5 xe trên địa bàn của mỗi quận.

Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ Công thương nhằm tháo gỡ khó khăn cho khâu lưu thông, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Anh Tuấn đề xuất duy trì đội ngũ shipper, để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Nhất trí cao với đề xuất duy trì đội ngũ shipper. Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Để duy trì đội ngũ này cần sự chung tay của các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc thống kê nhân lực giao hàng của từng đơn vị. Từ đó, tập trung ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ này, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.

Và cách làm của TP HCM với hoạt động shipper là từ 26/7, TP chỉ cho phép shipper vận chuyển hàng hoá thiết yếu và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định hoạt động trên địa bàn. Mỗi shipper chỉ được hoạt động trên 1 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Tuy vậy, sau vài ngày hoạt động, nhiều shipper đua nhau “tắt app” bởi điều kiện hoạt động của họ trở nên khó khăn do các quy định về hàng hóa thiết yếu vẫn chưa rõ ràng. Theo đại diện một số siêu thị lớn tại TP HCM, shipper nghỉ việc gây áp lực không nhỏ cho chuỗi cung ứng nội thành.

Một số chuyên gia cho rằng, hạn chế shipper là cần thiết nhưng không ít ý kiến bày tỏ Hà Nội cần các giải pháp linh động nhằm duy trì hoạt động shipper nói chung. Để tránh nguồn lây dịch bệnh thì hoạt động này phải được kiểm soát một cách chặt chẽ và đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Với việc nới lỏng hoạt động shipper tại Hà Nội từ chiều 29/7 cho thấy, với một thành phố đông dân, số lượng shipper nói trên vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của người dân.

Tiêm vaccine cho các shipper

Sở Công thương TP HCM vừa có văn bản gửi Sở Y tế và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức đề nghị ưu tiên tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho 62.000 đối tượng là nhân viên giao hàng của các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper trong thời gian thành phố giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Danh sách được Sở Công thương TP HCM tổng hợp, đề xuất là 16 đơn vị với 62.000 tài xế chạy xe 2 bánh. Trong đó phần lớn shipper của Grab, Now, Baemin, Gojek và shipper của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada... Lực lượng shipper là mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Việc tiêm vaccine cho shipper là rất cần thiết, đảm bảo an toàn cho việc giao nhận, lưu thông hàng hóa thiết yếu để người dân thành phố yên tâm ở nhà.

Ngày 29/7, tại điểm tiêm Nhà văn hóa quận 7, nhiều tài xế, shipper đã có mặt tại điểm tiêm để làm hồ sơ đăng ký. Ai nấy đều phấn khởi, vui mừng. Bởi lẽ liều vaccine Covid-19 trở thành tấm chắn bảo hộ giúp họ an tâm hơn phần nào trong chuỗi ngày mưu sinh tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải pháp nào cho shipper?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO