Giải pháp phòng ngừa Covid-19 cho người lao động tại các khu công nghiệp

An Chi 02/06/2021 20:11

Đợt dịch lần này đã tác động hầu hết đến lực lượng sản xuất của nước ta, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Doanh nghiệp tập trung đông lao động đang bị tác động mạnh, trong khi đây là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế đất nước. Trước tình hình trên, Chính phủ, các cơ quan quản lý, các tỉnh/thành phố đã có văn bản chỉ đạo, những giải pháp phòng ngừa dịch Covid-19.

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam đang có 366 KCN khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng; gần 11.000 doanh nghiệp hoạt động trong các KCN, KCX, với khoảng 3,83 triệu lao động.

Nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế không chỉ đang tạo việc làm ổn định cho lực lượng lớn lao động, với thu nhập trung bình cao so với mặt bằng chung, mà còn là những doanh nghiệp phụ trợ quan trọng của những thương hiệu hàng điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may, giày da hay chế biến nông, thủy, hải sản, thực phẩm… đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Đặc biệt, các khu công nghiệp, doanh nghiệp tập trung đông lao động hiện nay là Bắc Giang, Bắc Ninh và tại hai thành phố lớn nhất cả nước là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các trung tâm sản xuất công nghiệp của nước ta như Hải Dương, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai… Tình hình dịch bệnh cũng đang lây nhiễm với diễn biến rất phức tạp, khó lường, đặt ra cho các địa phương và Chính phủ, các cơ quan quản lý và cả hệ thống chính trị một vấn đề rất lớn, là vừa đảm bảo phòng, chống dịch, đồng thời đảm bảo sản xuất an toàn.

Tăng cường truy vết, xác định ca nhiễm tại các khu công nghiệp

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã có Công văn 3836/CV-BCĐ đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện các nội dung trọng tâm như: Đối với tỉnh, thành phố đã có trường hợp mắc Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, Khu công nghiệp cần khẩn trương truy vết xác định các trường hợp tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2) tại cơ sở sản xuất kinh doanh thông qua quản lý ca làm việc, camera giám sát tại các vị trí công cộng, căng tin, khu vực nghỉ ngơi giữa ca làm việc… để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời; toàn bộ người lao động làm việc cùng phân xưởng hoặc có mặt trên cùng phương tiện chuyên chở người lao động với ca bệnh (F0) đều coi là tiếp xúc gần (F1); khẩn trương thực hiện cách ly y tế tập trung và lấy mẫu xét nghiệm ngay trong vòng 24 giờ kể từ khi được xác định là người tiếp xúc gần (F1).

Ngoài ra, Sở Y tế các tỉnh, thành phố khi nhận được thông tin về các trường hợp người lao động tiếp xúc gần (F1) đang cư trú trên địa bàn do Sở Y tế các tỉnh, thành phố khác gửi đến cần khẩn trương cách ly, lấy mẫu xét nghiệm trong vòng 24 giờ và thông báo kết quả xét nghiệm cho Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi người lao động công tác để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Tổ chức xét nghiệm sàng lọc tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ của người lao động có nguy cơ cao.

Vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa sản xuất an toàn trong các khu công nghiệp

Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau khi Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ban hành Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 về việc ban hành Hướng dẫn về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động, ngày 14/8/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã có văn bản yêu cầu các Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố, người sử dụng lao động và người lao động nghiêm túc triển khai Quyết định và phối hợp với Sở Y tế, các sở, ban, ngành liên quan, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và Ban quản lý các khu công nghiệp triển khai việc phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, tiến hành kiểm tra việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao trên địa bàn quản lý.

Đến nay, Bộ LĐTBXH cũng tăng cường chỉ đạo đối với các địa phương việc phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc, đặc biệt tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), nơi tập trung nhiều lao động cần phải được đánh giá thường xuyên về nguy cơ lây nhiễm và tham gia xây dựng Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19; kiểm soát chặt đối với lao động là chuyên gia nước ngoài, NLĐ trong các ký túc xá, nhà trọ.

Đồng thời, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải phòng, chống từ sớm, từ xa, từ trước khi có dịch với phương châm 5K + vaccine và kết hợp giải pháp công nghệ; tăng cường áp dụng công nghệ cao kiểm soát an toàn Covid-19, các doanh nghiệp trong KCN, KCX, nơi tập trung nhiều lao động cần phải được đánh giá thường xuyên về nguy cơ lây nhiễm và tham gia xây dựng Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19;

Kiểm soát chặt đối với lao động là chuyên gia nước ngoài, người lao động trong các ký túc xá, nhà trọ bởi các phần mềm, bộ công cụ đang được Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu sử dụng, như: doanh nghiệp phải cập nhật thường xuyên kết quả đánh gia nguy cơ lây nhiễm Covid-19 lên Bản đồ an toàn Covid-19, sử dụng bộ công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc đang được các Bộ LĐTBXH và các Sở LĐTBXH triển khai theo Quyết định số 2194/QĐ - BCĐQG.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải pháp phòng ngừa Covid-19 cho người lao động tại các khu công nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO