Giải quyết bức xúc của nhân dân

Hoài Vũ (thực hiện) 23/10/2017 06:10

Trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, trao đổi với ĐĐK, ông Nguyễn Ngọc Phương- phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tin tưởng Quốc hội sẽ giải quyết những vấn đề bức xúc trong thời gian qua như nạn tham nhũng, tinh giản biên chế, thực hiện các dự án BOT, giải quyết khiếu nại tố cáo...

Ông Nguyễn Ngọc Phương.

PV:Thưa ông, là một ĐBQH khi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, ông thấy vấn đề nào được cử tri mong mỏi và kỳ vọng ở kỳ họp lần này?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Cử tri quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng làm sao quyết liệt, triệt để và hiệu quả hơn nữa. Cử tri Quảng Bình quan tâm Chính phủ có những giải pháp để hỗ trợ nhân dân Quảng Bình khắc phục sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, cũng như thiệt hại cơn bão số 10 vừ qua. Đề nghị Chính phủ quan tâm đến chính sách đối với người có công; thực hiện tốt Nghị định 22 về nhà ở cho người có công.

Đặc biệt làm sao có những chính sách để phát triển kinh tế của cả nước, trong đó có Quảng Bình. Cử tri rất quan tâm khi Quảng Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch lớn đối với quốc gia nhưng đầu tư cho cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch lại chưa tương xứng và chưa được chú trọng.

Cho nên làm thế nào để tỉnh phát triển, Trung ương tạo mọi điều kiện để tỉnh phát triển về tiềm năng kinh tế, trong đó có tiềm năng về du lịch như cho phép làm sân golf, khu nghỉ dưỡng, và phát triển cơ sở hạ tầng khác để phát triển du lịch. Đó không chỉ là mong mỏi của cử tri Quảng Bình mà cũng là mong mỏi của cử tri cả nước, làm sao cho đất nước phát triển bền vững.

Dù nợ công vẫn đang ở mức Quốc hội cho phép nhưng hiện nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về vấn đề nợ công tăng cao, đe dọa đến an ninh tài chính. Vậy theo ông vấn đề này trong kỳ họp cần bàn bạc và có biện pháp nào để cử tri và nhân dân yên tâm?

- Vấn đề nợ công gần như kỳ họp nào các ĐBQH cũng đề cập đến, yêu cầu Bộ Tài chính giải trình để cho ĐBQH và người dân thấu hiểu thực trạng của nợ công và giải pháp xử lý nợ công. Kỳ họp lần này chắc chắn cũng sẽ có những ý kiến bàn về nợ công, và yêu cầu cơ quan chức năng giải trình xem việc nợ công có đe dọa an ninh kinh tế tài chính của quốc gia hay không? Hướng xử lý như thế nào? Ngưỡng như vậy đã có báo động, cảnh báo hay chưa? Từ đó để có giải pháp khắc phục.

Có điều phải khẳng định nợ công hiện vẫn đang ở mức cho phép. Gần như quốc gia nào để phát triển đều có nợ công. Cho nên cũng phải tin tưởng vào chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội; và tin tưởng Quốc hội cũng sẽ giám sát chặt chẽ hơn để nợ công không tăng cao làm nguy hiểm đến nền tài chính quốc gia.

Thưa ông theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận về Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Thời gian qua công tác PCTN đã tạo được niềm tin rất lớn từ phía người dân. Vậy việc sửa luật cần quan tâm đến những quy định nào để công tác PCTN đạt hiệu quả hơn nữa cũng như lấp những lỗ hổng tạo kẽ hở cho tham nhũng?

- Thứ nhất, khi sửa luật để làm cho luật có hiệu quả hơn nữa cần phải có cơ chế xử lý nghiêm hơn tình trạng tham nhũng. Thứ hai, việc kê khai tài sản cũng phải đưa vào luật để khẳng định chặt chẽ hơn, cụ thể hơn để kê khai tài sản, và kiểm soát việc kê khai tài sản chặt chẽ chống được gian lận trong kê khai tài sản. Thứ ba là quản lý thu nhập của cá nhân hiện nay.

Nhiều kiến nghị bức xúc của cử tri kéo dài qua nhiều kỳ họp như vấn đề thu phí BOT, và làm sao cho xã hội phát triển đồng đều. Vậy cần phải giải quyết các kiến nghị của cử tri như thế nào để tránh tồn đọng kéo dài, thưa ông?

- Tất nhiên bao giờ Quốc hội cũng hướng tới giám sát và giải quyết cơ bản thỏa đáng kiến nghị của cử tri tại các tỉnh, thành qua các cuộc tiếp xúc cử tri.

Cá nhân ông tin tưởng và kỳ vọng gì về kỳ họp lần này?

- Đây là kỳ họp cuối năm. Thực tế hiện nền kinh tế đã có những sự phát triển đột biến. Điều này có cơ sở khi từ Quốc hội cho đến Chính phủ đã làm tốt tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu, quản lý chặt chẽ chi tiêu công, đẩy mạnh việc phòng chống tham nhũng. Cho nên ngân sách nhà nước tiêu hụt bị hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ đã có những giải pháp để phát triển kinh tế- xã hội như: tạo điều kiện cho doanh nghiệp; đối thoại với doanh nghiệp; và có những văn bản chỉ đạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, không để tình trạng cán bộ gây sách nhiễu phiền hà qua đó để cho doanh nghiệp chủ động phát triển kinh tế. Đó chính là những yếu tố động lực làm cho nền kinh tế phát triển. Điểm rất quan trọng chính là thời gian gần đây hoạt động đối ngoại của Nhà nước đã phát triển mạnh mẽ.

Từ quan hệ ngoại giao đã thúc đẩy quan hệ về phát triển kinh tế như nông sản, hải sản, lương thực thực phẩm đã có quan hệ thương mại với các nước. Chính vì vậy làm cho nền kinh tế được phát triển hơn những năm trước và là tiền đề cho sự phát triển trong những năm sau.

Nền kinh tế đang có những dấu hiệu phát triển, thu nhập của người dân, ngân sách cũng sẽ tăng lên. Theo dự kiến tăng trưởng GPD sẽ đạt ở mức 6,7%. Kỳ họp này sẽ tạo được niềm tin cho người dân hơn khi vừa qua công tác phòng chống tham nhũng đã làm quyết liệt, tích cực, nhất là những vụ án tham nhũng lớn xử rất nghiêm.

Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tập trung giải quyết những vướng mắc của xã hội hiện nay mà người dân đang bức xúc như vấn đề tinh giản biên chế; thực hiện các dự án BOT; giải quyết khiếu nại tố cáo, hay vấn đề Nghị định 67 sẽ được tập trung thảo luận để giải quyết những vướng mắc. Đồng thời thông qua những luật rất cần thiết về tình hình xã hội hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải quyết bức xúc của nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO