Giải quyết dứt điểm chế độ cho cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp

Nguyên Khánh 17/09/2020 07:45

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện xã sẽ dôi dư ra một số lượng lớn cán bộ, qua đó sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong tương lai. Tuy nhiên, việc cần làm lúc này là giải quyết dứt điểm chế độ cho những cán bộ dôi dư này, tránh trường hợp “ngồi chơi xơi nước” vẫn nhận lương.

Bố trí, giải quyết chế độ cho người dôi dư sau khi sắp xếp cần được đẩy nhanh (ảnh mang tính minh họa).

Nhiều cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính

Thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp phường, xã (gọi tắt là cấp xã) đến nay nhiều địa phương đã chủ động hoàn thiện những phần việc của địa phương mình.

Ông Cù Huy Cẩm, Trưởng phòng công chức, viên chức (Sở Nội vụ Hà Tĩnh) thông tin, Hà Tĩnh đã sắp xếp lại 80 xã, giảm 46 xã, hình thành 34 xã mới theo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính. Sau sáp nhập có 1.589 người dôi dư phải nghỉ việc, và 300 cán bộ dôi dư chưa nghỉ, đang giải quyết dần theo giải pháp điều chuyển, tuyển dụng lên tỉnh, huyện và thay thế hưu trí…

Bà Đồng Thị Kiều Oanh, Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng cho biết, Cao Bằng đã giảm được 3 huyện (từ 13 xuống còn 10 huyện) và 38 xã (199 xã xuống còn 161 xã). Tổng số cán bộ, công chức của 6 huyện trước khi sáp nhập là 653 người, đến nay, đã giải quyết chế độ nghỉ hưu và điều động chuyển công tác 143 người, số dôi dư sau sắp xếp còn 60 người.

Đối với cấp xã, trong 76 xã thuộc diện sắp xếp có 1.516 người, số bố trí chức danh cán bộ, công chức cấp xã (bao gồm cả công an chính quy được bố trí về xã) chỉ là 772 người. Hiện tỉnh đã giải quyết nghỉ việc theo các chế độ của nhà nước 190 người, số dôi dư là 519 người, chủ yếu ở các chức danh trưởng các đoàn thể ở cấp xã và công chức. Số cán bộ không chuyên trách ở các xã này là 908 người, sau sáp nhập đã bố trí cho 451 người, giải quyết chế độ nghỉ việc 1 lần cho 457 người.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An Trần Quốc Chung cũng cho biết, tổng số cán bộ, công chức cần sắp xếp ở tỉnh này là 715 người, đã bố trí được ngay 310, còn dôi dư 405 người. Địa phương đang tiến hành bố trí cho số cán bộ dôi dư này, trong đó, giải quyết cho nghỉ hưu, thôi việc, luân chuyển 107 người, còn phải giải quyết tiếp cho 298 người.

Không để tình trạng cán bộ ngồi chơi vẫn nhận lương

Bộ Nội vụ cho biết, đến thời điểm này trên phạm vi cả nước đã tiến hành sắp xếp đối với 18 huyện, 1.027 xã, qua đó, giảm được 6 huyện và 546 xã. Đối với các huyện sau khi sắp xếp, dự kiến tại các huyện mới hình thành sẽ bố trí đúng quy định 1.062 cán bộ, công chức, như vậy số dôi dư sẽ là 428 người.

Trong khi đó, tại các xã mới hình thành sẽ bố trí 10.043 cán bộ, công chức và 8.816 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; số cán bộ, công chức dôi dư là 9.534 người và số người hoạt động không chuyên trách dôi dư là 6.913 người. Như vậy, dự kiến sau khi sắp xếp lại số lượng cán bộ dôi dư này sẽ giảm chi cho ngân sách nhà nước do giảm chi tiền lương, phụ cấp và chi hoạt động trong 5 năm tới khoảng 1.431 tỷ đồng.

Rất nhiều cán bộ dôi dư như vậy việc sắp xếp, bố trí cán bộ sẽ làm thế nào để vừa tiết kiệm một khoản chi cho ngân sách nhưng cũng không thể để người lao động tâm tư đấy là câu hỏi không dễ tìm ra lời giải. Ông Cù Huy Cẩm cho biết, để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, trong đội ngũ cán bộ, Sở Nội vụ đã cử người về từng xã, tính toán số tiền hỗ trợ cho từng người. Câu hỏi đầu tiên cần đặt ra của việc sắp xếp đó là nếu ở lại họ được quyền lợi như thế nào, nếu nghỉ việc họ sẽ được hỗ trợ những gì, có như vậy cán bộ mới không còn tâm tư.

Dù nhận được sự đồng thuận của cán bộ sau khi sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã sau khi sáp nhập nhưng trong quá trình thực hiện còn không ít vướng mắc. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ Ngô Đức Thịnh thông tin, sau sáp nhập, số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư 856 người. Nếu thực hiện đưa công an chính quy về xã, số dôi dư sẽ lên đến hơn 1.000 người. Với số lượng lớn như vậy sẽ không thể giải quyết xong trong năm 2021. Phú Thọ đề nghị kéo dài việc này đến hết năm 2024.

Xin lùi thời gian sắp xếp lại cán bộ để giải quyết các chế độ cho người dôi dư là đề xuất của nhiều địa phương. Cụ thể, Nghệ An đề nghị cho phép kéo dài thời gian sắp xếp số cán bộ, công chức dôi dư đến năm 2025. Còn Cao Bằng cũng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách tinh giản biên chế đến hết năm 2020 đối với các địa phương thuộc diện sáp nhập huyện, xã.

Đồng tình quá trình sắp xếp lại cán bộ sẽ gặp không ít khó khăn vướng mắc nhưng cũng không thể kéo dài mãi, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, việc giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư phải đảm bảo đúng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức. Số cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp thực hiện theo các quy định về tinh giản biên chế, thôi việc, nghỉ chờ giải quyết chế độ hưu, xem xét chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên nếu đủ điều kiện, hoặc bố trí sang các xã khác khi còn chỉ tiêu… Nếu việc này được sớm rút ngắn thì gánh nặng ngân sách phải chi trả cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư càng giảm.

Theo ông Tuấn, nếu chậm giải quyết năm nào, tháng nào cho các cán bộ dôi dư này Nhà nước vẫn phải trả lương cho số đó, mặc dù họ không làm việc.

“Cần tính toán giải pháp để vừa ích nước, mà vẫn đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức. Họ không phải ngồi chơi mà vẫn nhận lương, không ai thích như vậy. Giải quyết dứt điểm để họ tìm vị trí công tác khác”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải quyết dứt điểm chế độ cho cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO