Giải thưởng 'Thiếu nhi Dế mèn' lần 3: Viết cho trẻ thơ vẫn là niềm mơ ước

Hoàng Minh - Hoàng Vân 01/06/2022 07:12

Lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022 và đấu giá nghệ thuật "Vì mái trường cho em" chọn ra 5 tác phẩm, trong top 8 vòng chung kết để chấm điểm. Những tác phẩm đoạt giải mang đến giá trị nghệ thuật cho trẻ em - những mầm non tương lai của đất nước.

Tuyển chọn gắt gao

Giải thưởng “Thiếu nhi Dế Mèn” mùa thứ 3 năm 2022 thu hút 89 tác phẩm, chùm tác phẩm dự thi với 60 bản thảo và 29 tác phẩm đã công bố hoặc xuất bản. Trong đó, có 9 chùm thơ, tập thơ hoặc series thơ nhiều tập; 19 phim hoặc series phim hoạt hình; còn lại là các tập truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết...

Ở mùa giải năm nay, đáng chú ý là một số tác phẩm do các em thiếu nhi chỉ mới 9-12 tuổi sáng tác.

So với mùa giải lần 1 năm 2020 và lần 2 năm 2021, số lượng các tác phẩm dự thi ít hơn, nhưng vẫn phong phú về thể loại, tạo nên một bức tranh chung về văn học nghệ thuật “của thiếu nhi”, hoặc “vì thiếu nhi” trong năm xét giải.

Bên cạnh những tác giả đã thành danh, ở mùa giải năm nay, đáng chú ý là một số tác phẩm do các em thiếu nhi chỉ mới 9-12 tuổi sáng tác.

Không chỉ là thơ, truyện ngắn, có những em còn tham gia cùng người lớn trong vai trò là họa sĩ minh họa các cuốn sách tranh hoặc dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Có em còn viết tiểu thuyết giả tưởng dài 3 tập, dày hàng trăm trang, dựng lên một thế giới nghệ thuật đồ sộ.

Sau 2 vòng chấm chọn (vòng loại và vòng chấm điểm), Ban sơ khảo gồm 9 thành viên đã “lẩy” ra được những “gam màu trội” gồm 11 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo.

Trong đó có 6 truyện dài, 1 chùm truyện ngắn, 1 bộ thơ 5 tập, 1 truyện tranh, 2 sách tranh.

Danh sách Top 8 tác phẩm "Thiếu nhi Dế mèn" vào chung kết.

Tại vòng chấm chung khảo đầu tiên, Hội đồng Giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên gồm PGS-TS Ngô Văn Giá, họa sĩ Thành Chương, nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ “Thần đồng Đất Việt” Lê Linh và nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa, đã bỏ phiếu để chọn Top 8 tác phẩm vào vòng Chung kết - chấm điểm.

Mặc dù “Dế Mèn” là một giải thưởng mới ra đời, có vị trí còn khiêm tốn, nhưng các tác phẩm lọt vào top 8 cũng đã phải trải qua 3 cuộc "sát hạch" rất gian nan, để có thể vượt qua 89 tác phẩm còn lại, vì thế top 8 tác phẩm đã được tôn vinh tại Lễ trao giải với Bằng chứng nhận của Giải thưởng như một sự xác quyết về chất lượng vượt trội.

Trong 8 top tác phẩm vào chung kết, "Cá linh đi học" gây chú ý.

Trong top 8 nói trên, đáng chú ý là tác phẩm “Cá Linh đi học” của Lê Quang Trạng là một thiên sử thi về cá linh, một loài cá của sông Mê Kông. Loài sinh vật biển này thường xuất hiện ở miền Tây bao la vào mùa nước nổi.

Dưới ngòi bút của nhà văn trẻ An Giang Lê Quang Trạng (vừa đoạt giải Ba giải thưởng "Văn học tuổi 20"), cuộc phiêu lưu của chú cá linh được phủ lên sắc màu cổ tích, huyền thoại nhưng vẫn không kém phần khốc liệt bởi những "bẫy giăng, lưới sập" của con người trong cơn lốc tàn hại môi trường.

Viết cho trẻ em vẫn luôn là niềm mơ ước

PGS.TS Ngô Văn Giá nhận xét viết về thiếu nhi là niềm mơ ước của những người cầm bút.

Đánh giá về chất lượng mùa giải năm nay, PGS.TS Ngô Văn Giá, thành viên Hội đồng giám khảo nhận xét: “Trước tiên, nhìn vào lực lượng người viết dự giải có thể thấy viết cho trẻ thơ vẫn là niềm mơ ước của bất cứ ai, bất cứ người cầm bút nào. Nhìn rộng hơn, khát vọng viết cho trẻ thơ của chính trẻ thơ, và của người lớn vẫn là khát vọng thường trực và đau đáu. Đây là điều may mắn và đáng quý. Giải thưởng đã góp phần kích hoạt, khích lệ những mơ ước, khát vọng này.

Thứ hai, khi viết cho trẻ thơ, các tác giả không còn viết theo lối áp đặt. Thay vào đó, là lối viết về cơ bản đã “thanh toán” được chất “giáo huấn”. Những người viết đã khai thác, huy động được con người trẻ thơ trong chính mình để cất tiếng. Nhờ vậy, khiến truyện tự nhiên, gần gũi với thế giới tâm hồn, cách cảm, cách nghĩ, cách quan sát của trẻ thơ đối với đời sống.

Thứ ba, những người viết ít nhiều đã có ý thức hoặc bằng những cảm thức tinh tế hướng ngòi bút vào các vấn đề sinh thái, môi trường, cụ thể hơn là thiên nhiên với loài vật, cỏ cây, hoa lá. Năm nay, dự giải có rất nhiều tác giả trở về với thiên nhiên, với không gian sinh thái, như để thầm nói với bạn đọc trước nhất là với những đứa trẻ rằng, thiên nhiên chính là bầu bạn, là mái nhà che chở, nuôi dưỡng tâm hồn, và giúp con người cảm thấy yêu và gắn bó hơn với đời sống này. Những tác phẩm như Cá Linh đi học, Nếu một ngày chúng tớ biến mất, Cơ Bản là Cơ Bản … là ví dụ”.

Còn nhà thơ "thần đồng" Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, thì đưa ra một sự liên hệ thú vị với thế hệ thiếu nhi thời ông: “Trẻ em hiện giờ rất giỏi, có những em như một thiên tài. Về âm nhạc có những giọng ca nhí hát hay vô cùng, kéo nhị rất giỏi, biểu diễn hấp dẫn lắm. Có những em tính nhẩm giỏi không khác gì máy tính…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng trong công cuộc đổi mới trẻ em có nhiều hơn cơ hội để phát triển.

Thế nhưng văn chương thì... thời chúng tôi có cả dàn nhà thơ nhí, nhưng hiện giờ không có. Nay xuất hiện những em bé viết văn, đó là điều rất đáng khuyến khích, bởi có các em tham gia thì chúng ta có nền văn học đương đại, có những tác giả trong tương lai”.

Dẫn 2 câu thơ rất nắn nót của Trần Dần: “Tôi tiếc khi chân trời không có người bay/ Và lại tiếc khi người bay mà không có chân trời”, Trưởng BGK nhận định: “Các em hiện giờ có rất nhiều điều kiện chứ không như chúng tôi ngày xưa. Hiện giờ trong công cuộc đổi mới của chúng ta, chân trời ngay dưới gót chân của các em, chỉ có điều các em có bay được không.

Giải thưởng năm nay có em bé 9 tuổi, có những tác giả người nước ngoài hoặc Việt kiều, chứng tỏ cuộc thi có sự lan tỏa rộng không phải chỉ trong nước. Tôi hi vọng năm tới chúng ta sẽ có những tác phẩm đặc sắc hơn, sẽ tìm được Hiệp sĩ Dế mèn. Kết quả năm nay cho chúng ta niềm tin ấy, sự hi vọng ấy”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải thưởng 'Thiếu nhi Dế mèn' lần 3: Viết cho trẻ thơ vẫn là niềm mơ ước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO