Giải thưởng Văn học nghệ thuật 2020: Nhiều tác phẩm bám sát đời sống

Minh Quân 18/12/2020 07:30

Ngày 17/12, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2020. Theo đánh giá của Ban tổ chức, nhiều tác phẩm đã có đổi mới trong cách thể hiện, nhưng nội dung, chủ đề vẫn bám sát đời sống và truyền thống đạo lý của dân tộc.

Vở diễn Thân phận nàng Kiều của đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng.

Tập hợp các văn nghệ sỹ

Ban tổ chức đã trao cho 74 tác phẩm, gồm 9 tác phẩm có giá trị xuất sắc của 9 Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 65 tác phẩm đoạt giải của các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố.

Văn học là một trong những mảng có số lượng tham dự xét giải nhiều nhất, với 14 tác phẩm văn xuôi, 13 tác phẩm thơ, và 5 tác phẩm lý luận phê bình văn học. Theo đánh giá của hội đồng giám khảo, tiểu thuyết năm nay không có trường hợp nổi bật, trong khi đó, truyện ngắn và tản văn, bút kí có những tác phẩm khá hơn. Các tác phẩm văn xuôi tham dự xét giải năm nay phong phú và đa dạng về đề tài, chất liệu hiện thực được khai thác sâu sắc và đa diện. Một số tác phẩm đạt đến trình độ khám phá sâu sắc vào những ngõ ngách khuất lấp của cuộc sống với những trải nghiệm trước những buồn vui ấm lạnh của cuộc sống...

Tập truyện ngắn Đắng ngọt đàn bà của tác giả Nguyễn Thị Lê Na (Quảng Bình) được Hội đồng giám khảo đánh giá là khá nhất, được trao giải B. Tập sách có 11 truyện ngắn với nội dung đa dạng, phong phú, đề cập nhiều vấn đề, chuyện từ nhiều năm trước đến hiện tại, có nhiều vốn sống, thể hiện chắc chắn, cốt truyện đơn giản nhưng lôi cuốn người đọc bởi mạch nghĩ của nhân vật. Mỗi truyện ngắn thể hiện những mảnh đời riêng biệt, đầy ắp trăn trở, tiếc nuối để mong tìm đến với cuộc sống thật giản dị, yên bình.

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, các tác phẩm lý luận phê bình năm nay không thực sự nổi trội. Hầu hết là các bài viết ngắn đăng báo bình về một tác phẩm (thơ, văn, ca khúc), nêu ra một vài khía cạnh học thuật và góp phần bàn bạc, giải quyết, trao đổi ý kiến hoặc phác họa chân dung văn học của một tác giả ở địa phương. Cách viết thiên về diễn giải nội dung, liệt kê sự kiện, kể lể tiểu sử tác giả, ít đi sâu phân tích tìm tòi nghệ thuật, giá trị nghệ thuật đặc sắc, mới mẻ của tác phẩm trong sự so sánh với tác giả, tác phẩm khác. Các bài viết nặng về biểu dương, ghi nhận sự cố gắng của tác giả là chính, lấy “dĩ hòa vi quý” là chính, thiếu một góc nhìn phản biện, tranh luận rốt ráo, sòng phẳng.

Phối cảnh công trình Cột mốc Km0.

Mỹ thuật cũng là một trong những mảng có nhiều tác phẩm tham dự xét giải lần này. Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, chất lượng tác phẩm dự giải năm nay khá đồng đều, nhiều khu vực như Đồng bằng sông Hồng và Thành phố Hồ Chí Minh có bước phát triển, dù chưa nhiều đã xuất hiện những tác phẩm có tính đột phá về khuynh hướng sáng tác. 11 tác phẩm được giải đại diện cao cho sự thay đổi nhanh của mặt bằng mỹ thuật các vùng, miền trong cả nước. Hội đồng rất quan tâm về sự xuất hiện mới của các tác giả chưa phải là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhiều trăn trở về khuynh hướng sáng tác và đã có những thành công ban đầu đáng kì vọng.

Mảng âm nhạc, ngoài tác phẩm tiêu biểu nhất trong năm được Hội Nhạc sĩ Việt Nam giới thiệu để trao giải là Giao hưởng thơ Hoài Văn Hầu – Trần Quốc Toản (dựa trên cốt truyện “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Tú.

Chưa vượt khỏi tính nghiệp dư

Do đặc thù nghề nghiệp, các chuyên ngành Điện ảnh, Sân khấu, Múa, Kiến trúc đòi hỏi tính chuyên nghiệp, chuyên môn cao, các tác giả hội viên chuyên ngành ở các Hội VHNT địa phương trình độ và năng lực sáng tạo còn hạn chế nên hàng năm có ít tác giả có tác phẩm dự xét giải, có Hội không tìm được tác phẩm xuất sắc nào để gửi xét giải hoặc có giải thưởng cũng chỉ mang tính động viên phong trào ở địa phương, tác phẩm dự xét giải ít nhiều còn chưa vượt khỏi tính nghiệp dư.

Các tác giả nhận giải.

Các tác phẩm xuất sắc được Liên hiệp trao giải thưởng ở mảng này đều là những tác phẩm được các hội Trung ương gửi lên. Trong đó, Điện ảnh có phim truyền hình Về nhà đi con của đạo diễn – NSƯT Nguyễn Danh Dũng. Chuyên ngành Múa có tác phẩm Kịch múa Ballet Kiều do Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết Minh là tác giả kịch bản và Tổng đạo diễn. Sân khấu có tác phẩm Thân phận nàng Kiều của đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng, tác giả Lê Chức – NVK Nguyễn Hiếu, Nhà hát múa rối Việt Nam. Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị trao giải xuất sắc cho công trình Cột mốc số 0 của KTS. Phạm Trung Hiếu (Chủ nhiệm đồ án) và cộng sự. Đây là tác phẩm kiến trúc có nhiều thành công trong sáng tạo một loại hình kiến trúc đặc biệt có ý nghĩa về văn hóa và lịch sử...

Đánh giá về các tác phẩm dự giải, đại diện Ban tổ chức cho biết, về số lượng, năm 2020 là năm có số lượng Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố tham gia cao nhất so với 20 năm qua. Về chất lượng, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố đã gửi về dự giải những tác phẩm xuất sắc nhất của Hội mình. Những tác phẩm này đã được xuất bản, tham gia triển lãm hoặc được công bố, trình diễn, được công chúng mến mộ và báo chí đề cập đến.

Theo Ban tổ chức, Giải năm nay có nhiều tác giả trẻ, là những cây bút mới của các địa phương tham dự giải, các tác giả trẻ đã có những tìm tòi, đổi mới trong cách thể hiện, nhưng nội dung, chủ đề vẫn bám sát đời sống và truyền thống đạo lý của dân tộc. Đặc biệt, nhiều tác phẩm đi vào đề tài thời sự của đất nước như vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới và hải đảo...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải thưởng Văn học nghệ thuật 2020: Nhiều tác phẩm bám sát đời sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO