Giám đốc FBI bị sa thải: Từ kẻ ngáng chân Hillary Clinton đến 'cái gai' trong mắt chính quyền Trump

Linh Chi 11/05/2017 08:00

Với tư cách là người đứng đầu quyền lực nhất của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), ông James Comey từng là người tung ra vô số những quyết định “bom tấn” gây chấn động chính trường Mỹ, nhưng giờ đây lại trở thành nạn nhân của nó sau khi nhận quyết định rời nhiệm sở từ Tổng thống Trump.

Ông James Comey đã bị sa thải sau một quyết định gây sốc của Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: NBC).

Bị sa thải sau một tuyên bố gây sốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra vào ngày 9/5 (giờ Mỹ) khi còn chưa phục vụ đủ nửa nhiệm kỳ 10 năm của mình, ông Comey đã từng được coi là nắm giữ vai trò gây tranh cãi sâu sắc trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra hồi năm ngoái, và còn hơn thế nữa.

Đầu tiên, ông Comey chính là người được xem là con bài gây cản trở lớn nhất đối với nỗ lực chạy đua vào Nhà Trắng của bà Hillary Clinton sau khi ra quyết định mở lại cuộc điều tra về vụ bê bối email cá nhân khi bà còn giữ chức Ngoại trưởng Mỹ vào thời điểm chỉ vài ngày là tới vòng bỏ phiếu quan trọng quyết định xem ai là Tổng thống Mỹ. Động thái này bị các chính trị gia đảng Dân chủ coi là đòn chí mạng khiến bà Clinton thất cử.

Khi ông Trump quyết định giữ nguyên vị trí của ông Comey - người từng được chỉ định vị trí Giám đốc FBI bởi Tổng thống Barack Obama - nhiều nhà phê bình chính trị đã không khỏi ngạc nhiên và sau đó coi đây là một hành động tưởng thưởng ông Comey vì vai trò của ông trong việc làm tổn hại cơ hội vào Nhà Trắng của bà Clinton.

Thế nhưng sau đó, người đứng đầu FBI ngày càng tỏ ra là một “cái gai” trong chính quyền mới của ông Donald Trump.

Chỉ trong vòng vài tháng sau kỳ bầu cử Tổng thống, ông Comey, 56 tuổi, lại một lần nữa trở lại tâm điểm chú ý của cả nước Mỹ, và lần này nhằm vào Tổng thống Trump bằng việc mở ra các phiên chất vấn liên tiếp liên quan tới cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Phiên điều trần diễn ra hồi tháng 3 vừa qua đã thu hút được sự quan tâm của hàng triệu người trên thế giới, và trong đó ông Comey lần đầu tiên xác nhận rằng FBI đang điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử và đáng chú ý hơn nữa, là cả chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump cũng bị coi là có liên quan.

Ông Comey cũng từng thẳng thừng phản bác tuyên bố của Tổng thống Trump khi cho rằng ông bị chính quyền của người tiền nhiệm, ông Obama, nghe lén. Lúc bấy giờ, ông Comey đã nhanh chóng đưa ra một bản đánh giá, trong đó nói trước giới lập pháp Mỹ rằng cả FBI và Bộ Tư pháp đều không có bằng chứng nào để chứng minh cho các cáo buộc mà ông Trump đưa ra.

Chính trị gia trung thực

Khi bắt đầu nhận vị trí Giám đốc FBI trong tháng 9/2013, ông James Comey đã nổi tiếng là một nhà điều hành chính trị đầy kỹ năng. Vào thời điểm đó, ông đã sẵn có kinh nghiệm dạn dày trong các hoạt động chính trị và pháp lý ở cấp độ cao nhất trong suốt 3 thập kỷ, điều giúp ông có đủ sự tự tin để thách thức Bộ Tư pháp Mỹ và thậm chí là cả Nhà Trắng.

Thời gian qua, ông Comey đã đặc biệt chú ý và tỏ thái độ cứng rắn đối với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ - một vấn đề gây đau đầu cho chính quyền non trẻ của Tổng thống Donald Trump. Và điều khiến ông nổi tiếng nhất khi làm Giám đốc FBI chính là sự kiên trì của mình.

Ông Comey từng liên tiếp công kích Thung lũng Silicon khi đang tìm cách thuyết phục tập đoàn công nghệ Apple mở khóa một chiếc điện thoại di động mà một kẻ tấn công khủng bố ở California đã sử dụng. Nhờ sự bền bỉ của ông Comey, cuối cùng các chuyên gia của FBI đã tìm được cách thâm nhập vào thiết bị này.

Tiếp đó, cuộc điều tra bê bối email gây chấn động nước Mỹ của bà Clinton - trong đó ông Comey tung đòn công kích vào tất cả các bên mà không e ngại - dường như đã củng cố thêm danh tiếng của ông như một người trung thực và thẳng thắn, cùng lúc giúp ông có một vị thế trong lòng của cộng đồng người dân Mỹ.

Người gieo bão

Có rất nhiều vị chính trị gia bắt đầu sự nghiệp đỉnh cao của mình ở New York, và ông Comey cũng không nằm ngoài quy luật này khi xuất thân từ khu vực ngoại ô Manhattan, sau đó trở thành một công tố viên liên bang của New York và rồi đến khu vực Washington.

Năm 2003, ông Comey, cha của 5 đứa con, đã trở thành Phó Tổng chưởng lý của Washington và chỉ một năm sau đó, ông đã phải đối mặt với khoảnh khắc khó khăn nhất của đời mình, một khoảnh khắc được cho là hình thành nên tính cách không e sợ và độc lập của ông sau này.

Ông Comey lúc đó đã đóng vai trò quyền Tổng chưởng lý sau khi người nắm giữ cương vị này, ông John Ashcroft, bị bệnh. Tại giường bệnh của ông Ashcroft, luật sư cố vấn cho Tổng thống Geore W. Bush, Alberto Gonzales, đã cố gắng thuyết phục ông cấp phép lại một chương trình do thám gây tranh cãi. Ông Comey - người phản đối việc mở rộng chương trình này - sau đó đã công khai sự việc trước các Thượng nghị sỹ, gây nên một cơn địa chấn chính trị ở nước Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám đốc FBI bị sa thải: Từ kẻ ngáng chân Hillary Clinton đến 'cái gai' trong mắt chính quyền Trump

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO