Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai: ‘Kiểm soát được nguồn lây, việc phòng chống dịch sẽ chủ động hơn’

Hữu Vinh - Mạnh Thìn 13/07/2021 20:32

Làn sóng dịch thứ 4 bùng phát tại tỉnh Đồng Nai khoảng hai tháng nay đã khiến số ca mắc Covid-19 mới tại địa phương này tăng cao. Tốc độ lây nhiễm nhanh và có xu hướng lan rộng ở các huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã cuộc phỏng vấn nhanh với Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ để thông tin thêm về công tác phòng chống dịch tại địa phương này.

PV: Từ địa phương gần như “trắng” với ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, nhưng hơn hai tháng nay, tình thế đã xoay chuyển khi trên địa bàn Đồng Nai xuất hiện nhiều ca dương tính với Covid-19. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Ông Phan Huy Anh Vũ: Nhìn chung, công tác phòng, chống dịch của tỉnh Đồng Nai khá chủ động. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 hiện nay tại Đồng Nai đang tăng cao và nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh rất lớn. Đồng Nai là địa bàn giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, hai địa phương này có số lượng ca nhiễm Covid-19 xuất hiện với tần suất liên tục trước khi Đồng Nai ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Mà đã là địa bàn giáp ranh thì không thể tránh khỏi việc người dân qua lại hàng ngày, từ đi làm việc, giao thương, buôn bán, vận tải hành khách… tất cả đều có thể là những nguồn lây. Và thực tế chứng minh khoảng hai tháng trở lại đây, số ca nhiễm Covid-19 mới tại Đồng Nai đều liên quan đến các ổ dịch của các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh như chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức. Bên cạnh đó là một số trường hợp người lao động sinh sống tại Bình Dương khi đến làm việc tại các công xưởng trên địa bàn tỉnh cũng bị nhiễm Covid-19.

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ chia sẻ với phóng viên.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ chia sẻ với phóng viên.

PV: Ổ dịch liên quan đến các chợ tại tỉnh Đồng Nai được đánh giá là rất phức tạp, vì phần lớn các ca dương tính mới với Covid-19 đều tập trung ở đây. Ngành Y tế tỉnh Đồng Nai đã có giải pháp gì để “khắc chế” ?

Ông Phan Huy Anh Vũ: Chính xác là như vậy. Hiện nay những ổ dịch liên quan đến các chợ được đánh giá là rất phức tạp. Các ca dương tính mới với Covid-19 có nguồn lây bệnh chủ yếu từ các chợ Hóc môn, Bình Điền, Thủ Đức xâm nhập vào các chợ đầu mối tại Đồng Nai và lan ra một số chợ khác trong toàn tỉnh.

Các chợ như: Hoá An, Tân Biên, Phước Tân, chợ đầu mối Dầu Giây… có số lượng tiểu thương liên quan đến các chợ ở TP Hồ Chí Minh nhiều nhất, tạo ra các ổ dịch với số ca dương lớn tập trung ở các phường: Hoá An, Hoà Bình, Tân Biên, Phước Tân và một số phường, địa phương khác như huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch…

Bên cạnh đó, đã có sự lây nhiễm thứ phát ghi nhận đến vòng 2 (F2 đã nhiễm bệnh). Đa số các ổ dịch ở chợ nên lây lan phức tạp, ghi nhận sự lây nhiễm thứ phát vào Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (phường Hóa An, TP Biên Hòa) và các khu nhà trọ công nhân. Do đó,việc kiểm soát nguồn lây rất khó khăn.

Lực lượng chức năng của tỉnh và các địa phương hiện đang tiếp tục khẩn trương điều tra, truy vết và xét nghiệm cho tiểu thương tại các chợ trong toàn tỉnh Đồng Nai. Nhất là chú trọng người đến hoặc liên quan đến các chợ Hóc môn, Bình Điền, Thủ Đức và các chợ tại TP Biên Hòa như: Hoá An, Tân Biên, Phước Tân. Qua đó để phát hiện sớm các F1 đã dương tính, đưa đi cách ly tập trung và xử lý các F2 liên quan.

Cùng với đó là tiếp tục rà soát, quản lý, cách ly và xét nghiệm nhanh người về từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương trong vòng 30 ngày qua. Ngoài ra, tổ chức xét nghiệm tầm soát trong tất cả các khu nhà trọ trong tỉnh. Vận động các doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm cho người lao động để phát hiện sớm ca mắc nếu có.

Ngành Y tế tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động tham mưu cho tỉnh, nhất là các địa phương có dịch cần chủ động, khẩn trương đưa ra các phương án phòng chống dịch quyết liệt. Như TP Biên Hòa đã quyết định tạm dừng hoạt động các chợ có ca nhiễm Covid-19 như: Hóa An, Tân Biên, Tân Hiệp, Tân Phong, chợ Biên Hòa, chợ Sặt và chợ đầu mối Dầu Giây của huyện Thống Nhất…Ngoài ra tỉnh cũng đồng ý chủ trương để Biên Hòa thiết lập vùng cách ly y tế đối với một số phường trên địa bàn có nguy cơ cao về lây lan dịch bệnh.

PV: Ngày 4/6, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành công văn số 6180/UBND-KGVX về việc cách ly người về, đến từ TP.HCM nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Văn bản này đã tạo ra nhiều luồng dư luận. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Ông Phan Huy Anh Vũ: Như đã nói, tỉnh Đồng Nai giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có hàng ngàn người lao động đi về giữa hai địa bàn. Nếu tôi nhớ không nhầm trước khi tỉnh Đồng Nai ra công văn số 6180/UBND-KGVX thì trước đó khoảng 2 tuần có 3 trường hợp F0 là người lao động có hộ khẩu ở TP Hồ Chí Minh đã làm việc, đi lại, tiếp xúc với nhiều người trên địa bàn tỉnh với 111 trường hợp F1 và 5.600 trường hợp F2 liên quan. Trước tình hình đó, để đảm bảo chủ động, tấn công trong công tác phòng chống dịch từ sớm, ngày 4/6, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành công văn số 6180/UBND-KGVX về việc cách ly người về, đến từ TP Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đảm bảo sức khỏe, tính mạng trên 3,2 triệu dân Đồng Nai, đồng thời để đảm bảo an toàn tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ (Thứ hai từ trái sang) trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ (Thứ hai từ trái sang) trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Về cơ bản, nhiều người cho rằng, công văn này là một kiểu “ngăn sông cấm chợ”, nhưng thực tế, tỉnh Đồng Nai đã rất chủ động về khâu dự báo cũng như đưa ra các quyết sách quyết liệt, cần thiết. Chúng ta chống dịch là phải chống từ gốc. Việc kiểm soát nguồn lây là cần thiết. Chỉ cần biết và kiểm soát được nguồn lây thì việc phòng chống dịch sẽ chủ động hơn, chứ không vất vả như lúc này.

PV: Tỉnh Đồng Nai hiện có nhiều Khu công nghiệp, xin ông cho biết việc tăng cường các giải pháp phòng chống dịch trong các doanh nghiệp ở đây được thực hiện như thế nào?

Ông Phan Huy Anh Vũ: Đồng Nai được mệnh danh là “thủ phủ” công nghiệp của cả nước. Có thể nói việc phòng chống dịch trong các KCN, doanh nghiệp được quan tâm chú trọng. Giải pháp thì có nhiều, nhưng cơ bản nhất phải xác định việc người lao động di chuyển từ nơi lưu trú đến nơi làm việc có thể làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Nhất là các trường hợp công nhân tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân, do đó ngành Y tế lưu ý doanh nghiệp cần đề ra những giải pháp phù hợp tùy tình hình thực tế.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân, người lao động đang ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương làm việc tại Đồng Nai hoặc người Đồng Nai đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương sắp xếp ở lại địa phương nơi làm việc, nhằm hạn chế việc đi lại hằng ngày dẫn đến nguy cơ lây lan bùng phát dịch bệnh.

Tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp bố trí chỗ ăn ở cho công nhân. Nhiều doanh nghiệp không muốn dịch ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nên chủ động thực hiện việc làm trên.

Ngoài ra, doanh nghiệp tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như: thực hiện thông điệp 5K; tổ chức thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 cho người lao động và khách hàng liên hệ công tác; treo, dán các áp-phích, thông báo hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu vực công cộng, trên phương tiện vận chuyển để người lao động/khách hàng có thể nắm bắt và làm theo. Mỗi doanh nghiệp ban hành các quy định về phòng, chống dịch riêng tại đơn vị mình và có chế tài xử lý các vi phạm nếu người lao động không tuân thủ; thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác cho người lao động để tránh lo lắng không cần thiết. Quản lý, kiểm soát chặt thông tin người lao động ngoài tỉnh làm việc tại doanh nghiệp để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, phát hiện, lập danh sách và thông báo ngay cho cơ quan y tế những người lao động có liên quan ở các tỉnh, thành phố có dịch để kịp thời cách ly, truy vết, khoanh vùng.

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vào sáng 24/6
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Chính phủ và tỉnh Đồng Nai vào ngày 24/6 về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Điều đáng lo nhất hiện nay là đã xuất hiện một số ổ dịch ở gần các khu công nghiệp và trong doanh nghiệp có đông công nhân lao động. Tỉnh đã và đang triển khai để các chủ doanh nghiệp chủ động làm xét nghiệm cho công nhân trong công ty, khu nhà trọ. Doanh nghiệp nào có ca nhiễm sẽ khoanh vùng ngay lập tức để xử lý. Đồng thời, tính toán các phương án để duy trì sản xuất. Trường hợp dịch bệnh phức tạp quá sẽ tính đến giải pháp các nhà máy phải giảm công suất. Ưu tiên hàng đầu hiện nay của tỉnh là phòng chống dịch Covid-19. Nếu để dịch lan rộng trong các nhà máy, xí nghiệp, hậu quả sẽ rất nặng nề vì khả năng chống đỡ có hạn.

PV: Dự báo số ca mắc Covid-19 còn có thể tăng thêm trong những ngày tới đây? Ông có nghĩ tủnhbĐồng Nai nên lập “Ban chỉ huy tiền phương” để chống dịch rốt ráo hơn?

Ông Phan Huy Anh Vũ: Về cơ bản, tỉnh đang làm rất tốt khâu điều hành phòng chống dịch Covid-19. Nhưng để đáp ứng với tình hình mới hiện nay, ngày 9/7, UBND tỉnh ra quyết định đổi tên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai.

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng là Trưởng Ban chỉ đạo; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng là Phó ban thường trực Ban chỉ đạo; Giám đốc Sở Y tế là Phó ban chỉ đạo. Ngoài ra, lãnh đạo của 25 sở, ban, ngành, đơn vị liên quan khác là thành viên.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh có nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các sở, ban, ngành có liên quan và địa phương trong việc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh với các cơ quan của Đảng, MTTQ và UBND các huyện, thành phố nhằm huy động nguồn lực tham gia, hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, có trách nhiệm tổ chức thực hiện, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

Riêng TP Biên Hòa đã lập “Ban chỉ huy tiền phương” do Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa trực tiếp chỉ huy, cùng với sự hỗ trợ về chuyên môn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai để tăng tốc và xử lý quyết liệt các ổ dịch trên địa bàn thành phố.

Xin cảm ơn ông!

Sáng 13/7, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, trong 24 giờ qua, toàn tỉnh ghi nhận thêm 88 ca mắc mới Covid-19. Tính từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 455 ca, cộng dồn đến nay toàn tỉnh có 487 ca dương tính với Covid-19. Trong đó, TP Biên Hòa là địa phương có số ca dương tính nhiều nhất với 189 ca.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai: ‘Kiểm soát được nguồn lây, việc phòng chống dịch sẽ chủ động hơn’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO