Giảm gánh nặng học phí bằng học bổng: Liệu có thực chất?

NGUYỄN HOÀI 25/08/2022 07:13

Trước “cơn bão” tăng học phí trong năm học 2022-2023, nhiều trường đại học cũng đã có các chính sách học bổng, miễn giảm học phí cùng cơ chế hỗ trợ tài chính hấp dẫn để thu hút người học. Tuy nhiên với một số gói học bổng, thực chất không phải nhằm khuyến khích, hỗ trợ sinh viên mà chỉ vì mục đích chiêu dụ người học.

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Y dược TPHCM. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhiều chính sách hỗ trợ song hành

So với năm học 2021-2022, mức học phí năm học 2022-2023 được các trường điều chỉnh tăng vọt. Đặc biệt, khối ngành Y - Dược tăng 71,3%. Các khối ngành còn lại hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%. Việc điều chỉnh tăng học phí được các trường thực hiện theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Để hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng học phí cho sinh viên, theo tìm hiểu của phóng viên, năm học 2022-2023, bên cạnh việc dự kiến tăng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, nhiều trường đại học đã có những chính sách hỗ trợ học phí, tặng học bổng hấp dẫn.

Bên cạnh quỹ tín dụng vay vốn học tập lãi suất 0%, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh còn có nguồn lực lớn hỗ trợ từ doanh nghiệp như học bổng tài năng, học bổng doanh nghiệp… Năm học 2022-2023, sinh viên thuộc 6 ngành nhóm khoa học xã hội và nhân văn được Đại học Quốc gia TPHCM hỗ trợ 35% học phí. Học phí nhóm ngành ngôn ngữ cũng được hỗ trợ 35%.

Nhằm thu hút học sinh giỏi, xuất sắc vào chương trình ươm tạo nhà khoa học, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký quyết định triển khai Chương trình học bổng cho các ngành khoa học cơ bản từ năm học 2022-2023. Theo quyết định này, có 18 ngành triển khai chương trình học bổng. Mỗi ngành sẽ có tối thiểu 5 suất học bổng trong một khóa học. Số suất học bổng hằng năm do hiệu trưởng quyết định tùy thuộc vào số lượng và chất lượng hồ sơ ứng tuyển. Mức học bổng bao gồm miễn học phí và bố trí chỗ ở trong ký túc xá cho cả khóa học (4 năm học), hỗ trợ sinh hoạt phí tối thiểu 2 triệu đồng/tháng trong năm thứ nhất và các năm tiếp theo nếu duy trì được học lực loại giỏi trở lên.

Năm học này, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng dành khoảng 60-70 tỷ đồng làm quỹ học bổng khuyến khích học tập cho những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt. Học bổng được xét theo học kỳ dựa trên kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên. Ngoài ra, nhà trường còn có học bổng hỗ trợ học tập Trần Đại Nghĩa xét cấp cho sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; học bổng tài trợ từ các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân.

Để giải bài toán học phí cho sinh viên nghèo, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, bên cạnh quỹ học bổng, các trường cần đẩy mạnh chính sách tín dụng. Hiện, sinh viên của trường được vay vốn tối đa tới 4 triệu đồng/tháng. Số vốn vay sẽ được các em hoàn trả dần sau khi ra trường.

Sinh viên cần tìm hiểu, nghiên cứu cơ chế học bổng

Việc đưa ra nguồn quỹ, chính sách học bổng là một trong những giải pháp được các trường đại học tính toán nhằm hỗ trợ sinh viên trong bối cảnh tăng học phí hiện nay. Tuy nhiên, trong số các gói học bổng này có phải thực chất tất cả đều nhằm khuyến khích sinh viên hay chỉ vì mục đích đơn giản là chiêu sinh?

Nhắc lại vụ việc cách đây vài năm, sau hàng loạt rắc rối liên quan đến việc tăng học phí, chất lượng giảng dạy… nhiều sinh viên Trường Đại học Tân Tạo đã xin chuyển trường. Đáng nói là, nguyện vọng chuyển trường chỉ được chấp nhận khi các em hoàn trả tiền học phí, học bổng trị giá lên đến mấy trăm triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, khi các sinh viên này chuyển trường thì mang theo một món nợ lớn.

Cách đây ít ngày, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã phát đi cảnh báo về việc giả mạo thông tin giấy báo trúng tuyển năm học 2022-2023 và học bổng đến thí sinh. Các đối tượng giả danh trường gửi thông báo trúng tuyển và kèm theo suất học bổng được nhận cho học sinh nhằm mục đích khai thác thông tin cá nhân để thực hiện các hành vi trục lợi.

Đây là những ví dụ điển hình về việc một số trường, các đối tượng xấu dùng học bổng, ưu đãi giảm học phí làm “mồi nhử” hút thí sinh. Đây là cách thức không mới trong các mùa tuyển sinh gần đây. Thừa nhận có tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, với các trường chưa tự chủ về tài chính, theo quy định, quỹ học bổng được thực hiện trích từ học phí. Từ đó ông Chương lưu ý: Trong bối cảnh hiện nay, sinh viên cần tỉnh táo, chắt lọc thông tin phù hợp. Dựa trên tư vấn của các trường, sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu kỹ cơ chế về học bổng, học phí đối với các cơ sở đào tạo: tự chủ, không tự chủ theo quy định của Nhà nước.

Em Hoàng Quỳnh Phương, thí sinh tỉnh Bắc Kạn cho hay, với những thí sinh có điều kiện không khá giả, chính sách học bổng hay ưu đãi giảm học phí là một trong những yếu tố để các em chọn trường, chọn ngành học. Tuy nhiên, trước việc nhiều trường đưa ra các chính sách học bổng, giảm học phí hấp dẫn, buộc thí sính phải suy nghĩ lựa chọn, bởi thực tế trong mùa tuyển sinh năm nay có một số trường gửi thông báo, thí sinh nhập học sớm sẽ được giảm học phí lên tới hơn 10 triệu đồng.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phân tích về một số loại học bổng như: Học bổng để khuyến khích người học vào một số ngành nghề Nhà nước có nhu cầu; học bổng cho sinh viên xuất sắc, học bổng khuyến khích sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, quỹ học bổng này dành cho số ít sinh viên.

Thế nên, theo ông Khuyến, việc các trường đưa ra giải pháp bằng các quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên để bù lại cho việc tăng học phí chỉ mang tính chất “đánh bóng”, không thực chất.

“Cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp kiểm soát việc tăng học phí chứ không thể thả nổi cho các trường. Bởi nếu học phí tăng vượt quá khả năng của nhiều gia đình thì dù đam mê đến mấy, người học cũng không gánh nổi học phí. Như vậy sẽ không đảm bảo công bằng xã hội” - ông Khuyến nêu quan điểm.

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GDĐT, kinh phí đào tạo chủ yếu từ hai nguồn, một là từ ngân sách nhà nước, hai là từ đóng góp phần còn lại, có thể là do doanh nghiệp hỗ trợ, tài trợ, tuy nhiên tỷ lệ còn thấp. Như vậy phải tính tới bài toán, tăng kinh phí chi giáo dục đại học, nếu không tăng thì không có khả năng cạnh tranh với quốc tế. Đầu tư cho giáo dục đại học để được hưởng lợi sau này. Cũng cần lưu ý việc tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội mà cần nhìn nhận rằng các trường đại học muốn có chính sách hỗ trợ cho sinh viên nghèo thì cần phải có kinh phí hỗ trợ, và việc tăng học phí mới giúp có điều kiện hỗ trợ cho những sinh viên khó khăn. Nếu chúng ta giữ học phí thấp sẽ làm giảm chất lượng đào tạo và các trường sẽ không có điều kiện để hỗ trợ các em sinh viên nghèo. “Đấy là một quan niệm chúng ta cần thay đổi” - ông Sơn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm gánh nặng học phí bằng học bổng: Liệu có thực chất?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO