Giảm giá nhóm dịch vụ thiết yếu: Kịp thời và thiết thực

Hạnh Nhân - Thuý Hằng 08/08/2021 06:30

Những động thái của Chính phủ như giảm tiền điện, đề xuất giảm tiền nước, viễn thông… với con số lên tới hàng ngàn tỷ đồng nhằm bớt gánh nặng cho người dân trong bối cảnh “bão” Covid-19 đang hoành hành. Giới chuyên gia cho rằng, việc giảm tiền điện, tiền nước thể hiện sự quan tâm của Chính phủ rất kịp thời đối với người dân vùng dịch.

Giảm chi phí nhóm dịch vụ thiết yếu

Tính đến thời điểm này, cả nước có 21 tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng người dân, doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Bởi vậy bất cứ sự hỗ trợ nào của Nhà nước lúc này cũng rất ý nghĩa. Đặc biệt, việc giảm chi phí cho nhóm dịch vụ thiết yếu trong thời điểm này là đáng quý và rất thiết thực.

Cụ thể, Chính phủ đã đồng ý giảm tiền điện cho người dân tại các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Mức hỗ trợ sẽ là giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng dùng điện dưới 200 kWh/tháng và giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng dùng trên 200 kWh/tháng.

Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện cho khách sử dụng điện là 2 tháng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 8 và kỳ hóa đơn tiền điện tháng 9/2021. Danh sách các địa phương được giảm tiền điện do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cung cấp cho các đơn vị điện lực.

Trong đợt này, Chính phủ cũng thống nhất giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly y tế người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 có thu một phần chi phí của người đang cách ly y tế; mua điện trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị bán lẻ điện khác.

Các cơ sở này bao gồm: Doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian hỗ trợ là 7 tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12/2021.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc giá điện, giảm tiền điện đợt 4 năm 2021, EVN cho biết, Tập đoàn đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các Tổng Công ty điện lực, các Công ty điện lực, các Trung tâm Chăm sóc khách hàng sớm rà soát, chuẩn bị và triển khai các công việc liên quan.

Theo ước tính sơ bộ, tổng số tiền giảm giá điện, giảm tiền điện của đợt 4 này là khoảng 2.500 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, EVN đã và đang thực hiện tất cả 4 lần giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng. Tổng số tiền giảm trong 4 đợt ước tính hơn 16.300 tỷ đồng.

Giảm tiền điện, nước và viễn thông giúp người dân vượt qua khó khăn trong dịch bệnh.

Riêng TP HCM, địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh đợt này ước giảm khoảng 500 tỉ đồng. Ba đợt trước tổng công ty giảm tổng cộng khoảng 1.600 tỉ đồng. Hiện tại, các tổng công ty điện lực và EVN đang phối hợp để triển khai ngay theo hướng dẫn của Bộ Công thương để kịp thời áp dụng ngay cho khách hàng được chốt chỉ số từ những ngày đầu tháng 8 này.

Cùng với điện, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng có yêu cầu các địa phương khẩn trương xem xét, thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ cho người dân và các đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, doanh nghiệp phát đạt là do có thị trường tốt, do người dân, do đất nước phát triển, chế độ ổn định. Một doanh nghiệp nhìn xa trông rộng luôn nghĩ đến việc nuôi thị trường phát triển bền vững. Trong lúc khó khăn này, liên lạc viễn thông, Internet là phương thức quan trọng để chính quyền kết nối và hỗ trợ người dân. Không có liên lạc sẽ dẫn đến rất nhiều “cái không” khác, trong đó có cái đói. Càng giãn cách xã hội thì nhu cầu kết nối càng cao. Chương trình hỗ trợ, khuyến mại tăng kết nối cho người dân lúc này thực sự hữu ích và thiết thực.

Tiếp đó, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản gửi Bộ TTTT truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc điều chỉnh giảm giá cước viễn thông. Văn bản nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến như sau: Bộ TTTT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông điều chỉnh giảm giá cước viễn thông để hỗ trợ cho các khách hàng đang sử dụng dịch vụ trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài hiện nay.

Liên quan tới việc giảm cước viễn thông, Bộ đã công bố gói hỗ trợ này có tổng trị giá lên tới gần 10.000 tỷ đồng và sẽ được triển khai từ ngày 5/8/2021 và kéo dài trong 3 tháng.

Theo ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, bản thân doanh nghiệp này cũng bị tác động không nhỏ do đại dịch. 95% cửa hàng Viettel tại các thành phố lớn đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Các thị trường khác của Viettel cũng bị ảnh hưởng do suy thoái toàn cầu.

Tuy nhiên, Viettel cam kết sẽ đồng hành với Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp và nhân dân trong đại dịch Covid-19.

Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc MobiFone cũng cam kết sẽ luôn bám sát định hướng của Bộ TTTT, sẵn sàng các phương án giảm giá cước viễn thông để chia sẻ với doanh nghiệp và người tiêu dùng trong giai đoạn khó khăn này.

Nhà mạng MobiFone cũng cam kết sẽ tăng cường, tối ưu chất lượng mạng lưới tại các khu vực cách ly, phong tỏa để đảm bảo nhu cầu học tập, giải trí và thông tin liên lạc của người dân.

Đại diện FPT Telecom, ông Hoàng Việt Anh, Tổng Giám đốc công ty cho biết, FPT hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ với lời kêu gọi và các sáng kiến mà Bộ TTTT đưa ra. FPT đã chủ động và đang tích cực triển khai việc hỗ trợ tại các khu vực dịch bệnh.

Ông Lương Quốc Huy, Phó Tổng Giám đốc SCTV cũng đã cam kết giảm 25% giá cước cho tất cả các khách hàng lẻ trong 3 tháng (tháng 8, 9, 10). SCTV cam kết giảm 50% giá cước cho các doanh nghiệp như nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ đồng thời có thể thực hiện việc giãn nợ để hỗ trợ khách hàng.

Cần làm nhanh, làm ngay

Với những hỗ trợ trên, nhiều ý kiến cho rằng, quyết định của Chính phủ là rất kịp thời, giữa lúc dịch bệnh gây ra những ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế, đời sống của người dân.

PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định: Việc giảm giá điện sinh hoạt cho người dân các tỉnh giãn cách xã hội là việc làm đáng hoan nghênh. Nhất là trong bối cảnh nhiều người dân mất thu nhập, gặp khó khăn về kinh tế. Điện là đầu vào cho sản xuất, phục vụ đời sống, nên việc hỗ trợ lại càng có ý nghĩa quan trọng.

Đồng quan điểm, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài Chính), Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng: Việc giảm tiền điện đến 200 kWh/tháng ban đầu cho thấy Chính phủ quan tâm đến những người có thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội.

Bởi theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Việt Nam có khoảng 20 triệu hộ gia đình dùng dưới 200 kWh/tháng. Như vậy, việc giảm 10% tiền điện cho 200 kWh đầu tiên có sức lan tỏa đến rất nhiều hộ gia đình trên cả nước.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đánh giá cao đến việc giảm 100% tiền điện cho những cơ sở điều trị, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2. Hiện tại số bệnh nhân đang phải cách ly và điều trị trên cả nước lên tới hàng chục nghìn người. Do đó, việc miễn giảm cho những đối tượng này sẽ chung tay giúp dịch bệnh sớm được đẩy lùi.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, quyết định giảm giá nhóm dịch vụ thiết yếu như điện, nước cho bà con đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh là động thái kịp thời và cần thiết. Trải qua thời gian quá dài thực hiện giãn cách, ngừng mưu sinh để chống dịch, người dân đã gần như chạm tới ngưỡng “đói”. Nhu cầu cần hỗ trợ ngày càng nhiều hơn, đa dạng hơn.

Vì thế, mỗi chính sách hỗ trợ trong thời điểm này cần thật sự thiết thực, đúng người, đúng việc thông qua khảo sát cụ thể xem người dân đang khó khăn ở đâu. Việc này cần làm nhanh, làm ngay.

Giới chuyên gia kinh tế đề xuất trong tương lai, Chính phủ cũng cần quan tâm giảm giá điện, nước, xăng dầu cho các doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến, sản xuất những mặt hàng thiết yếu. Nhìn trên diện rộng với nhiều doanh nghiệp chế biến, sản xuất những mặt hàng thiết yếu thì việc cắt giảm chi phí tiền điện đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí khá lớn, lên đến hàng tỉ đồng. Bên cạnh đó, việc giảm giá tiền điện có thể giúp các doanh nghiệp bớt đi những gánh nặng trong việc thực hiện “3 tại chỗ”, duy trì sản xuất, sớm phục hồi, vượt qua dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm giá nhóm dịch vụ thiết yếu: Kịp thời và thiết thực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO