Giảm lãi suất để cải thiện sức hấp thụ vốn

H.Hương 15/12/2020 08:15

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang được cải thiện dần khi tăng trưởng tín dụng tăng. Nhiều kỳ vọng đặt ra, lãi suất huy động thấp thì lãi suất cho vay sẽ giảm, nhưng thực tế chỉ ra, mức  giảm chưa tương xứng.

Lãi suất cho vay vẫn khó giảm thêm.

Chi phí đầu vào giảm

Đến thời điểm này,các ngân hàng đã hạ mạnh lãi suất huy động. BIDV, Vietcombank, Vietinbank đã mạnh dạn đưa lãi suất kỳ hạn dài 36 tháng giảm từ xoay quanh mốc 5,4 - 5,6%.

Tương tự các ngân hàng thương mại cổ phần cũng hạ lãi suất huy động. Nếu như cách đây vài tháng, mức lãi suất huy động 6,8 - 7% khá phổ biến thì nay đã không còn. Thay vào đó, các ngân hàng chỉ dám phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất trên. Còn lãi suất tiết kiệm gửi tại quầy, lãi suất tiết kiệm gửi online chỉ xoay quanh các mốc 4,8 - 5,2%/năm.

Còn báo cáo tình hình hoạt động các tổ chức tín dụng (TCTD) của NHNN tuần cuối cùng tháng 11/2020 cho biết mặt bằng lãi suất tiền gửi bằng VND của TCTD tiếp tục xu hướng giảm. Hiện lãi suất tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 3,3-3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2 - 6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,8-6,9%/năm.

Theo các chuyên gia, lãi suất huy động giảm mạnh chủ yếu là do các ngân hàng dư thừa thanh khoản. Trong đó, tính đến giữa tháng 11, tăng trưởng tín dụng mới đạt 7,26%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đã đặt ra.

Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi của toàn hệ thống ngân hàng đạt tới 10,65%. Theo lãnh đạo NHNN, dù lãi suất huy động giảm nhưng, tiền huy động của các ngân hàng thương mại vẫn tăng, người dân rút tiền ra ít hơn so với người gửi vào.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào, nên theo điều tra của Vụ Dự báo, Thống kê (NHNN), mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường được kỳ vọng giảm 0,1 điểm phần trăm trong quý cuối năm. Giới chuyên gia cũng nhận định, lãi suất huy động có thể giảm thêm, nhưng dư địa không nhiều.

Nhận định xu hướng trong thời gian tới, nhiều chuyên gia và các ngân hàng cho rằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2021.

2021 vẫn là năm khó của ngân hàng

Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) hiện nay đã giảm khá nhiều so với giữa năm 2020 và khó có thể giảm mạnh từ nay đến cuối năm. Đặc biệt là với lãi suất cho vay. Chưa kể trên thực tế, biên độ giữa lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng không lớn.

Song ở một góc nhìn hoàn toàn khác, dữ liệu của Fiin Group cho biết, các ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cho vay bình quân ở mức cao. Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình của 20 ngân hàng (trừ BVB) cũng tăng lên 9,2% từ mức 9% trong quý 2/2020.

Đơn vị nghiên cứu này cho biết, trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 4,5% so với quý 2/2020 trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự giảm 2,6%. Điều này cho thấy lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động trong thời gian vừa qua.

Còn nói về tương lai trong năm 2021, bà Đào Minh Anh, Phó Tổng Giám đốc OCB cho rằng, dịch Covid-19 đang được Việt Nam khống chế rất tốt, doanh nghiệp Việt so với các nước khác cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, sự thông thương với quốc tế đã và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, nên năm 2021 sẽ vẫn là năm khó khăn đối với cả các doanh nghiệp, các cá nhân cũng như đối với ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm lãi suất để cải thiện sức hấp thụ vốn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO