Giảm ô nhiễm khói bụi: Từ cam kết đến hành động còn xa?

Khánh Vy 25/02/2023 07:30

Mới đây, một nghiên cứu trong khoảng 10 năm về ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã chỉ ra rằng, 40% bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội đến từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Xe máy và ô tô chiếm tới 70% lượng khí thải độc hại ra môi trường. Ảnh minh họa.

Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 7 triệu xe máy; một phần không nhỏ trong số đó là xe máy cũ nát. Khí thải từ khói xe máy đang là mối đe dọa đến môi trường và sức khỏe của con người ở các đô thị lớn, có mật độ giao thông đông đúc. Đối với các loại xe máy sử dụng động cơ đốt, khói thải xe từ việc đốt cháy nhiên liệu chứa rất nhiều chất độc hại. Khói xe thải ra môi trường khiến không khí ô nhiễm, mật độ khói bụi trong môi trường tăng cao.

Lượng khí thải độc hại từ xe máy là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có giải pháp khẩn cấp để giảm thiểu loại hình phương tiện này. Một khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã chỉ ra, trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội, xe máy và ô tô chiếm tới 70% lượng chất độc thải ra môi trường. Phần lớn lượng khói bụi độc hại phát thải ra môi trường không khí của thành phố bắt nguồn từ hàng triệu chiếc xe máy cũ nát đang ngày ngày lưu thông trên đường. Bởi vậy, muốn giảm thiểu khí thải xe máy, biện pháp đầu tiên là phải tập trung xóa bỏ lượng xe cũ nát. Đồng thời rà soát, kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với khí thải của xe máy.

Ông Nguyễn Trọng Đông - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng thành phố, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. Thành phố đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững.

Theo thống kê, toàn địa bàn thành phố có 17 khu công nghiệp, khoảng 806 làng có nghề, trong đó có 318 làng nghề được công nhận; hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô, chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải đang diễn ra thường xuyên trên địa bàn thành phố… Đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí.

Bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí, như truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng, cấm đốt bếp than tổ ong, xử lý đốt rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp. Đến nay, Hà Nội đã giảm được 99,8% bếp than tổ ong và giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công. Đồng thời, thành phố đã triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn...

Theo TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, về lâu dài để không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xem xét nâng cao quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kiểm soát khí thải ô tô lên ngang bằng với các nước trên thế giới. Đồng thời, kiểm soát khí thải bắt buộc đối với mô tô, xe máy; tập trung siết chặt việc kiểm tra, xử lý đối với ô tô cũ, xe buýt xả thải khói đen trên đường phố. Mặt khác cần đầu tư hạ tầng, điều tiết giao thông để hạn chế ùn tắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm ô nhiễm khói bụi: Từ cam kết đến hành động còn xa?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO