Giám sát giải ngân gói hỗ trợ

H.Vũ 27/08/2021 07:30

Bên cạnh kiên trì kiềm chế, đẩy lùi, ngăn chặn có hiệu quả đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19 thì việc chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19 đang là vấn đề được đặt ra. Tuy nhiên để triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ rất cần có sự giám sát trong tổ chức thực hiện…

Nhấn mạnh đến vấn đề giám sát là bởi, thời gian qua việc triển khai các gói hỗ trợ (từ năm 2020) còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn. Có gói giải ngân chỉ đạt 0,26% quy mô gói hỗ trợ. Nhất là theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội “các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn”.

Theo ông Trần Hoàng Ngân (ĐBQH đoàn TP Hồ Chí Minh), dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, bên cạnh vấn đề thực hiện tốt công tác tiêm vaccine, thực hiện 5k thì vấn đề an sinh xã hội cũng rất quan trọng. Do đó cần có giám sát về gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 năm 2020 là 62.000 tỷ đồng và năm 2021 là 26.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh thông tin: Hiện Bộ đã thành lập ban chỉ đạo, trong đó bộ trưởng là trưởng ban, các thứ trưởng là các phó trưởng ban, thủ trưởng các đơn vị có liên quan là các ủy viên. Mỗi phó trưởng ban phụ trách theo dõi chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện một hoặc một số chính sách của nghị quyết và phụ trách theo dõi việc thực hiện quyết định tại các địa phương theo từng vùng kinh tế; đồng thời thành lập tổ giúp việc ban chỉ đạo; thiết lập đường dây nóng để kịp thời giải đáp các chính sách cũng như nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; thành lập tổ truyền thông để thông tin kịp thời, đầy đủ các chính sách đến người dân, doanh nghiệp.

Để thực hiện triển khai giám sát gói hỗ trợ, hiện nhiều địa phương cũng đã vào cuộc triển khai kế hoạch giám sát. Tại Hà Nội, việc thực hiện giám sát bắt đầu được diễn ra từ ngày 26/8 và kéo dài cho đến đầu tháng 9.

Theo đó, ngày 26/8, Đoàn kiểm tra số 3 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch và việc triển khai các chính sách hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Theo báo cáo của lãnh đạo huyện cho thấy “đến nay huyện Sóc Sơn đã hoàn thành chi trả được 15,495 tỷ đồng hỗ trợ”.

Trao đổi ngay tại buổi kiểm tra, giám sát, ông Tuấn yêu cầu huyện Sóc Sơn phải thực hiện khẩn trương, đúng quy định các cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố, mục tiêu là toàn bộ người dân được bảo đảm về điều kiện nhu yếu phẩm, an tâm đồng hành cùng chính quyền phòng, chống dịch bệnh.

Trong khi đó, ngày 26/8 Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng đã bắt đầu giám sát thông qua tập huấn trực tuyến hướng dẫn giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trong số 12 nhóm chính sách hỗ trợ thì có 7 chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các đối tượng; mở rộng nhóm đối tượng được hỗ trợ so với gói hỗ trợ trước, trong đó có nhóm đối tượng lao động phi chính thức, lao động không có giao kết hợp đồng.

Bà Hòa yêu cầu, thông qua giám sát cần đảm bảo chính sách được triển khai kịp thời, đúng quy định, đúng đối tượng, sao cho các đối tượng được hưởng hỗ trợ nhanh nhất; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, mong muốn chính đáng của hội viên, phụ nữ ở địa bàn cơ sở, phát hiện cả mặt được và chưa được của chính sách, những bất cập trong quá trình thực hiện để có thể chấn chỉnh kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát giải ngân gói hỗ trợ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO