Đất nước đang cùng thế giới bước vào kỷ nguyên của thời đại công nghệ 4.0. Thời cơ đi kèm những thách thức đặt ra đòi hỏi đội ngũ cán bộ Mặt trận tiếp tục đổi mới, để đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ mới nhất là trong vai trò giám sát phản biện xã hội, góp phần cùng Đảng, Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế; cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định 218.
Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn kể từ khi Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới từ năm 1986. Nhưng nền kinh tế thị trường kéo theo những hệ lụy. Những vụ tiêu cực phát sinh liên tiếp, liên quan đến trách nhiệm của cả những lãnh đạo cấp cao. Ở cấp cơ sở, tham nhũng “vặt” hoành hành, gây cản trở sự phát triển, mất niềm tin của quần chúng nhân dân. Nhiều chính sách bị lợi dụng để trục lợi. Nhiều công trình hạ tầng bị rút ruột. Mặc dù thể chế chính trị của đất nước đã có sự kiểm tra, giám sát trong nội bộ Đảng, giám sát của Quốc hội và cơ quan tư pháp, song, để tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, phát huy tối đa nguồn lực tri thức của nhân dân trong xây dựng, phát triển đất nước, đồng thời, để phát huy dân chủ, năm 2013, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành hai quyết định hết sức quan trọng là Quyết định số 217 về Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218 Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền.
Đó chính là sự thay đổi về chất của công tác Mặt trận. Từ chỗ, chủ yếu vận động nhân dân làm theo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở Trung ương; cấp ủy, chính quyền ở địa phương, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân được giữ vai trò độc lập trong đánh giá, phản biện nhiều chủ trương, chính sách; tìm ra những sai sót, khiếm khuyết của chính sách để đề xuất sửa đổi cho phù hợp; giám sát cán bộ ở các cấp để kịp thời phát hiện những sai trái, hay những biểu hiện không lành mạnh về tư tưởng, lối sống; giám sát việc triển khai các dự án kinh tế - xã hội...
Cùng với đó, hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội từng bước được hoàn thiện từ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nghị quyết liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao phó cho đội ngũ cán bộ Mặt trận trọng trách. Nhưng đi kèm trách nhiệm là không ít những thách thức, khó khăn. Cán bộ Mặt trận phải tích cực hơn, năng động hơn, theo sát những diễn biến của kinh tế, xã hội. Có nắm vững luật pháp, nắm vững chuyên môn ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội, từ công nghiệp, thương mại, cho tới các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… mới có thể giám sát việc thực thi; tìm ra những thiếu sót trong chính sách, những sai phạm khi thực hiện các dự án… Cùng với tự bổ sung kiến thức cho mình, cán bộ Mặt trận từ Trung ương đến địa phương còn phải đổi mới hoạt động, làm sao để huy động các chuyên gia trong từng lĩnh vực phát huy trí tuệ, cùng Mặt trận tích cực tham gia giám sát, phản biện.
Câu chuyện giám sát từ Hà Tĩnh là một ví dụ. Trong nhiều năm qua, đất đai là một trong những vấn đề nổi cộm, chiếm đến 80% các vụ khiếu kiện, khiếu nại ở các cấp. Nhận thấy đây là vấn đề “nóng” cần phải xắn tay vào giám sát nên giữa năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện giám sát chuyên đề “Thực trạng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất ở, đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh” (từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017). Qua đó phát hiện ra nhiều bất cập ở cơ sở cần sớm có phương án tháo gỡ.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thuỷ- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, hơn 3 tháng lăn lộn ở cơ sở, Đoàn giám sát của MTTQ tỉnh Hà Tĩnh phát hiện nhiều vấn đề trong quá trình cấp GCNQSD đất ở, đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân của các địa phương trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017. Dù ở lĩnh vực này, những năm qua, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Tĩnh hết sức quan tâm, tuy nhiên bên cạnh những việc làm được vẫn còn nhiều tồn đọng.
Đáng nói, Đoàn giám sát của MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện có 20.496 GCNQSD đất đã ký nhưng đang nằm trong tủ của huyện và xã, chưa giao cho người sử dụng đất. Trong khi con số báo cáo của chính quyền địa phương và ngành tài nguyên môi trường chỉ có một phần nhỏ.
Việc bìa đất đã ký nhưng vẫn nằm trong tủ của huyện và xã có nhiều lý do, trong đó có cả nhận thức của người dân lẫn trách nhiệm của ngành tài nguyên môi trường và chính quyền địa phương. Theo đoàn giám sát, mặc dù các địa phương nhận biết được những tồn đọng về đất đai cứ đeo đẳng chính quyền nhưng lại không chủ động rà soát, phân loại và xây dựng phương án giải quyết dứt điểm cho nên tồn đọng vẫn cứ mãi đọng tồn ở địa phương.
Đề cập đến phương án xử lý tồn đọng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Mai Thủy nhấn mạnh: “Không chỉ vấn đề cấp GCNQSD đất mà bất kỳ lĩnh vực nào liên quan đến quyền và lợi ích của người dân cũng cần phải giải quyết kịp thời và đến cùng, đó cũng là mong muốn của Mặt trận”.
Câu chuyện của Hà Tĩnh đã cho thấy có nhiều điểm sáng trong công tác giám sát phản biện mà người Mặt trận đang nỗ lực thực hiện đến cùng trách nhiệm của mình. Và cũng là một minh chứng cụ thể cho thấy việc thực hiện Quyết định 217 và 218 ngày càng được Mặt trận vận dụng một cách hiệu quả, thiết thực trong đời sống.
Tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bà Trương Thị Mai- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều khởi sắc, hiệu quả và thiết thực hơn, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, đồng thời, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, hình ảnh của MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội đối với nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả của việc thực hiện Quyết định 217 và 218, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục quan tâm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn, đầy đủ hơn trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xem đây là phương thức quan trọng để Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị lắng nghe, tiếp nhận, giải quyết ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.
Nhìn nhận lại quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng chỉ rõ, việc thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm lực của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và sự kỳ vọng của nhân dân.
Người đứng đầu MTTQ Việt Nam đề nghị thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận các cấp cần quan tâm tới các hình thức giám sát sao cho hiệu quả, thiết thực có trọng tâm, trọng điểm, từ đó nhân rộng các mô hình điển hình trong hoạt động giám sát để tạo sức lan tỏa và huy động sự vào cuộc của nhân dân.
Nhìn lại quá trình sau 5 năm thực hiện 2 Quyết định này, cho đến thời điểm đầu năm 2019, đã có 47/63 tỉnh, thành phố ban hành Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân và 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân. 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở cơ sở đã chủ trì phối hợp giám sát được 492.784 cuộc. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương tổ chức 82. 865 cuộc phản biện xã hội.