Đồng hành bảo vệ lẽ phải

Đại Dương 24/01/2020 13:00

Năm 2019, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tuyên truyền tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…Báo Đại Đoàn Kết cũng thực hiện tốt việc giám sát, phản biện, đồng hành cùng nhân dân bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, là địa chỉ tin cậy để nhân dân gửi gắm tâm tư, nguyện vọng.

Đồng hành bảo vệ lẽ phải

Báo Đại Đoàn kết luôn đồng hành cùng bạn đọc bảo vệ lẽ phải.

Nói tiếng nói của lòng dân

Năm 2019, Báo Đại Đoàn Kết tiếp tục là địa chỉ tin cậy để “lắng nghe dân nói”, nơi bạn đọc đến phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị. Từ phản ánh của bạn đọc, Báo Đại Đoàn Kết đã vào cuộc tìm hiểu, xác minh. Nhiều vụ việc sau khi Báo lên tiếng, cơ quan chức năng có thẩm quyền đã vào cuộc, làm rõ, giải quyết, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân.

Từ những lá đơn kêu cứu của người dân xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang phản ánh về việc khai thác cát ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, phóng viên Báo Đại Đoàn kết đã đến địa phương này xác minh. Theo ghi nhận thực tế cho thấy, thời gian qua, trên địa bàn xã Cấp Tiến có gần 4 ha đất nông nghiệp ven sông Lô bị sạt lở. Người dân cho rằng, do hoạt động khai thác cát quá sát bờ khiến đất nông nghiệp trôi xuống sông. Nhiều gia đình đã bị mất trắng đất canh tác dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn. Quá bức xúc, người dân địa phương đã rất nhiều lần gửi đơn đề nghị lên các cấp chính quyền, nhưng không có cơ quan nào quan tâm giải quyết. Sau khi báo Đại Đoàn Kết phản ánh, các ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang đã vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn xã Cấp Tiến, từ đó quyền lợi, tài sản, tính mạng của nhân dân được bảo vệ.

Tại Lạng Sơn, báo Đại Đoàn Kết phản ánh sự việc cán bộ xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn “ỉm” hàng trăm triệu đồng tiền hỗ trợ người nghèo. Cụ thể, để động viên, hỗ trợ giúp các hộ nghèo vùng nông thôn bớt khó khăn, Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hàng tháng cho người dân. Hộ gia đình được hỗ trợ bằng tiền từng quý. Xã Hòa Lạc có hơn 200 hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện sinh hoạt. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến năm 2017, các hộ nghèo tại xã Hòa Lạc không được nhận tiền hỗ trợ mà không có bất cứ thông báo chính thức nào từ chính quyền. Khi người dân nắm bắt được thông tin các xã khác vẫn được nhận hỗ trợ tiền điện nên làm đơn kiến nghị cơ quan báo chí. Sau khi Báo Đại Đoàn Kết vào cuộc tìm hiểu và phanh phui sự việc lên mặt báo, UBND xã Hòa Lạc đã phải trả hàng trăm triệu đồng cho các hộ dân nghèo thuộc diện được hỗ trợ. Ngành chức năng huyện Hữu Lũng cũng vào cuộc kiểm tra, xử lý trách nhiệm các cán bộ có liên quan đến sai phạm tại xã Hòa Lạc.

Trường hợp khác, hàng trăm hộ dân xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) rất bức xúc về việc Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) xả thải gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Việc xả thải của doanh nghiệp này đã khiến nguồn nước tại hồ Ngả 2 chuyển sang màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Sự việc cũng khiến hàng tấn cá nuôi của người dân khu 14, 16 xã Đồng Lương bị chết nổi trắng hồ. Không chỉ địa phận hồ Ngả 2 mà người dân các khu lân cận cũng đứng trước nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Cũng không chỉ cá tôm chết, nguồn nước giếng của người dân xung quanh khu vực Công ty này đã không còn sử dụng được nữa, bởi nước có mùi rất tanh và hôi.

Sau khi Báo Đại Đoàn Kết lên tiếng, ngành chức năng tỉnh Phú Thọ đã kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. UBND tỉnh Phú Thọ đã xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Gia cầm Hòa Phát số tiền 422 triệu đồng, yêu cầu doanh nghiệp bồi thường cho các hộ dân bị thiệt hại và có biện pháp bảo vệ môi trường…

Còn hàng trăm, hàng nghìn vụ việc khác mà sau khi Báo Đại Đoàn Kết lên tiếng, ngành chức năng đã tích cực vào cuộc xử lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Cần thêm nữa sự vào cuộc xử lý của ngành chức năng

Bên cạnh những ngành chức năng, địa phương tích cực vào cuộc xử lý nghiêm các hiện tượng xấu, tiêu cực, sai phạm sau khi Báo Đại Đoàn Kết phản ánh thì cũng còn nhiều nơi chính quyền, các ngành chức năng chưa thực sự lắng nghe, tiếp thu, vào cuộc xử lý tiêu cực mà thậm chí còn có biểu hiện né tránh trách nhiệm, gây khó khăn cho báo chí tác nghiệp. Một ví dụ là tại Dự án “nghìn tỷ” do Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam làm chủ đầu tư ở xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn. Mặc dù chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam đã xây dựng rầm rộ hàng loạt hạng mục “khủng” của Dự án Khu đô thị, căn hộ và shophouse Diamond Park tại thôn Phai Duốc. Chính quyền TP. Lạng Sơn thì hết ngày này, tháng khác kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu dừng thi công công trình chưa có giấy phép, nhưng các văn bản có lẽ chỉ có tác dụng “trên giấy”. Trong khi đó, chủ đầu tư bất chấp pháp luật cứ xây dựng “Đại đô thị” nghìn tỷ như chưa hề có lệnh dừng…

Để làm rõ trách nhiệm và hướng xử lý trách nhiệm, phóng viên Báo Đại đoàn kết đã liên hệ làm việc trực tiếp với UBND TP. Lạng Sơn. Tuy nhiên UBND TP. Lạng Sơn, tại văn bản số 2982/UBND-QLTTĐT do Phó Chủ tịch Lê Tuấn Minh ký trả lời Báo Đại Đoàn kết nội dung rất chung chung. Trong văn bản này của UBND TP. Lạng Sơn không hề nhắc đến trách nhiệm của thành phố và hướng xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để sai phạm kéo dài. Phóng viên sau đó đã tiếp tục nhiều lần liên hệ với UBND TP. Lạng Sơn để tìm hiểu rõ trách nhiệm của Thành phố và các biện pháp ngăn chặn sai phạm nhưng bị né tránh việc cung cấp thông tin.

Trường hợp khác, trong tháng 7/2019, BQLĐTXD huyện Lập Thạch với vai trò chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu thực hiện 2 gói thầu là gói thầu thi công xây dựng Dự án đường nối từ đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh đi thị trấn Lập Thạch (giai đoạn 1) và gói thầu thi công xây dựng khu công viên, cây xanh và hệ thống điện chiếu sáng huyện Lập Thạch. Điều bất ngờ, cả hai gói thầu có tổng giá trị “khủng” lên tới 300 tỷ đồng đều về tay Công ty TNHH xây dựng và thương mại Linh Nam. Bạn đọc phản ánh tới Báo Đại Đoàn Kết nghi vấn có sự thông thầu, “ưu ái” cho doanh nghiệp ruột để ăn chia ngân sách nhà nước. PV Đại Đoàn Kết đã về huyện Lập Thạch tìm hiểu. Ông Ngô Tuấn Hạnh - Giám đốc BQLĐTXD huyện Lập Thạch một mực khẳng định, rằng BQLĐTXD huyện đã làm việc công khai, minh bạch theo đúng thủ tục, quy định của pháp luật, không có chuyện “ưu ái” cho nhà thầu trúng thầu. Thế nhưng khi phóng viên đề nghị được tiếp cận các văn bản, tài liệu thể hiện quá trình đấu thầu và năng lực cụ thể của nhà thầu thì ông Hạnh kiên quyết từ chối với nhiều lý do không thuyết phục. Phóng viên phản ánh lại với Chánh văn phòng UBND huyện Lập Thạch để đăng ký làm việc với lãnh đạo huyện để làm rõ hơn việc lựa chọn nhà thầu hai dự án trên thì cũng chỉ nhận được sự “im lặng” của huyện Lập Thạch.

Còn không ít vụ việc Báo Đại Đoàn kết phản ánh nhưng vẫn có tình trạng nhiều nơi không hợp tác, không tiếp thu ý kiến và không xử lý nghiêm các sai phạm mà báo nêu.

Thiết nghĩ, những thông tin công khai, minh bạch trên Báo Đại Đoàn kết cũng là góp phần đấu tranh tiêu cực, đẩy lùi cái xấu, tệ nạn xã hội ở các địa phương, rất cần sự hợp tác và sự vào cuộc xử lý các sai phạm một cách quyết liệt của các ngành chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng hành bảo vệ lẽ phải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO