Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 (Nghị quyết 42), Mặt trận các cấp tỉnh Cao Bằng đã cùng các tổ chức thành viên chủ động vào cuộc giám sát để đảm bảo sự minh bạch trong suốt quá trình hỗ trợ, không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách.
Đối tượng người có công (TP Cao Bằng) nhận tiền hỗ trợ do dịch Covid-19. Ảnh: Minh Huệ.
Tuy không phải là địa phương nằm trong nhóm nguy cơ cao, nhưng đại dịch Covid-19 cũng gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội của Cao Bằng. Bởi vậy, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 42, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành kịp thời; đồng thời giao Sở LĐTBXH là cơ quan thường trực chủ động phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh tham mưu, triển khai, thực hiện.
Để việc chi trả hỗ trợ đảm bảo kịp thời, quan điểm chỉ đạo của tỉnh Cao Bằng là đối tượng nào rõ thì làm sớm, làm ngay. Đến nay, các huyện, thành phố đã hoàn thành việc chi trả cho 3.609 người có công với cách mạng, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động, kinh phí hỗ trợ là 5 tỷ 403 triệu đồng; hỗ trợ 15.020 đối tượng bảo trợ đang hưởng chính sách trợ cấp hằng tháng, kinh phí 22 tỷ 522 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tiếp tục khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Hiện, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ nhân khẩu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ. Theo đó, toàn tỉnh có 148.075 nhân khẩu thuộc hộ nghèo, 81.402 nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ với kinh phí khoảng 172 tỷ đồng.
Đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng, làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, phải thỏa thuận tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020 bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được chi trả chậm hơn do phải rà soát chặt chẽ, bảo đảm chính xác, không bỏ sót đối tượng và tránh trục lợi chính sách.
Việc triển khai sớm Nghị quyết 42 là giải pháp quan trọng để hỗ trợ người dân, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, theo Nghị quyết này, các nhóm đối tượng được hỗ trợ và khoản kinh phí là rất lớn. Chính vì vậy để không xảy ra sai sót, trục lợi chính sách việc giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên cần được thực hiện xuyên suốt quá trình hỗ trợ, từ khâu lập danh sách, chi hỗ trợ tới khâu hậu kiểm, đảm bảo tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, công bằng, chính xác và kịp thời.
Trao đổi với Đại Đoàn kết, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng Đặng Thị Duyên cho rằng để đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình hỗ trợ phải phát huy vai trò giám sát trực tiếp của người dân ở địa bàn khu dân cư. Bên cạnh đó cần nêu cao trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận, phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên trong việc tổ chức giám sát ở khu dân cư.
“Giám sát của người dân ở khu dân cư thông qua việc rà soát, lập danh sách và niêm yết danh sách các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ tại các nhà văn hoá hoặc nhà sinh hoạt thôn, khu phố, trụ sở UBND cấp xã theo quy định. Qua việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, Trưởng ban Công tác Mặt trận phản ánh ngay những vướng mắc, bất cập (nếu có) với Chủ tịch UBND và Chủ tịch Uỷ ban MTTQ cấp xã”- bà Duyên chia sẻ.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng cũng thông tin, để giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tập trung giám sát việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Song song với đó Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, thành phố cũng giám sát việc hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hoặc nghỉ việc không hưởng lương; Giám sát việc hỗ trợ người có công với cách mạng; giám sát việc hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội.
Còn tại cấp xã, phường, thị trấn, Mặt trận tập trung giám sát việc hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm (được xác định tại thời điểm ngày 15/01/2020), tạm ngừng kinh doanh từ 01/4/2020; Giám sát việc hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Giám sát việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; giám sát đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tưởng Chính phủ.