Giám sát hiệu quả, không nửa vời

Lương Anh Tế (Chủ nhiệm HĐTV về KT-XH Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương) 25/06/2019 07:30

Khi Đảng trao cho MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội, chính là quá trình hiện thực hóa Quy chế dân chủ, cũng là nhằm cụ thể hóa mối quan hệ: Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ. Vấn đề đặt ra, làm sao MTTQ tổ chức thực hiện hoạt động này ngày càng hiệu quả?

Hoạt động giám sát hiện nay được thực hiện bởi 3 cơ quan trong hệ thống chính trị, đó là: Giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp - là giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước (giám sát mang tính quyền lực); giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội là giám sát của nhân dân, đại diện cho nhân dân thực hiện giám sát (giám sát mang tính nhân dân); giám sát trong Đảng - giám sát trong nội bộ tổ chức Đảng.

Dù giám sát của cơ quan nào, dù mang tính chất gì thì giám sát đều nhằm mục tiêu là phát hiện và kiến nghị, phát hiện vấn đề đang đi chệch hướng, thực hiện chưa đúng, hoặc không đúng để kiến nghị yêu cầu thực hiện cho đúng. Bởi giám sát không nhằm mục đích là tìm ra sai phạm và đề nghị xử lý, tuy nhiên, trong quá trình giám sát, nếu phát hiện những vi phạm nghiêm trọng, hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì có thể kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Điều mà giám sát thường “bỏ quên” là thiếu hoặc không kiểm tra sau giám sát, xem các đối tượng giám sát có thực hiện, thực hiện đầy đủ kiến nghị mà giám sát đã đưa ra hay không, chính sự “bỏ quên” này dẫn đến giám sát kém hiệu lực hoặc gọi là giám sát nửa vời.

Vấn đề nữa là chọn vấn đề giám sát. Chọn vấn đề giám sát không nhất thiết phải là vấn đề “to tát, xứng tầm”, mà quan trọng là phát hiện kịp thời những vấn đề còn đang trong “thời kỳ có dấu hiệu”, nếu không được cảnh báo, ngăn chặn kịp thời thì sẽ (hoặc có thể) xảy ra vấn đề lớn. Cũng như những xung đột trong nhân dân hay giữa người dân với chính quyền, những vấn đề bức xúc của nhân dân, những bất cập trong chính sách,.. nếu được phát hiện sớm và kịp thời xử lý sẽ hạn chế được những điểm nóng, khiếu kiện đông người, vượt cấp. Ý nghĩa của giám sát chính là ở chỗ “phát hiện kịp thời - kiến nghị xử lý dứt điểm”. Việc chọn vấn đề giám sát là yếu tố quan trọng có ý nghĩa lớn góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát.

Song song với đó, người làm giám sát (chủ thể giám sát) cần tích lũy kinh nghiệm và có kỹ năng. Chẳng ai sinh ra mà có kỹ năng ngay được, chẳng có người nào làm một việc mới mà có kỹ năng ngay về việc đó. Kỹ năng của mỗi người đều phải qua rèn luyện, tích lũy trên nền tảng kiến thức của mỗi người.

Để thực hiện có hiệu quả hơn hoạt động giám sát phải chọn vấn đề để tổ chức giám sát, nắm vững các quy định của pháp luật; thu thập nhiều thông tin và thực hiện giám sát theo một quy trình thống nhất với trình tự các bước.

Bước 1 là xây dựng kế hoạch giám sát. Chọn những vấn đề mà Nhân dân quan tâm, bức xúc và xác định các hình thức giám sát phù hợp để xây dựng kế hoạch giám sát. Kế hoạch giám sát phải xác định nội dung, hình thức, thời gian, chủ thể tiến hành, đối tượng được giám sát. Kế hoạch giám sát được xây dựng và ban hành cuối năm trước, trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cùng cấp để phối hợp và tránh sự trùng lắp. Kế hoạch giám sát có thể được điều chỉnh, bổ sung về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian thực hiện phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế hoặc khi có vấn đề phát sinh đột xuất và trên cơ sở trao đổi, thống nhất với các bên.

Bước 2 là thành lập đoàn giám sát. Căn cứ vào chủ đề đã được chọn trong kế hoạch giám sát để quyết định thành lập đoàn giám sát, có trưởng đoàn, phó trưởng đoàn là đại diện Ban Thường trực; các thành viên khác là các vị ủy viên Ủy ban MTTQ (những người có kinh nghiệm), một số chuyên gia ở các lĩnh vực liên quan đến chủ đề giám sát. Đoàn giám sát không nên quá đông, nếu vấn đề giám sát rộng, đối tượng giám sát nhiều, có thể chia đoàn giám sát thành 2-3 tổ để thực hiện giám sát trực tiếp; cần có một tổ chuyên viên giúp việc Đoàn giám sát (1-2 chuyên viên).

Bước 3 là thông báo kế hoạch giám sát và gửi đề cương yêu cầu đơn vị được giám sát xây dựng báo cáo. Đề cương yêu cầu báo cáo cần bám sát chủ đề chọn giám sát, đưa ra những yêu cầu cụ thể để đối tượng được giám sát báo cáo, quy định thời gian gửi báo cáo về đoàn giám sát. Trong thời gian “chờ” các đơn vị gửi báo cáo, đoàn giám sát (bộ phận giúp việc đoàn) nên hệ thống hóa các văn bản pháp luật liên quan đến chủ đề giám sát (làm tài liệu phục vụ đoàn giám sát).

Bước 4 là xem xét báo cáo (giám sát qua báo cáo). Các đối tượng giám sát gửi báo cáo về đoàn giám sát (đoàn sao in gửi các thành viên). Thành viên đoàn giám sát nghiên cứu báo cáo của các đơn vị, đề xuất những vấn đề cần giải trình làm rõ thêm. Trong bước này, có thể thu thập thêm thông tin bằng phiếu khảo sát hoặc hỏi ý kiến trực tiếp người dân.

Bước 5 là giám sát trực tiếp. Làm việc trực tiếp với đối tượng giám sát để làm rõ những vấn đề các thành viên trong đoàn giám sát quan tâm. Lập kế hoạch làm việc, thông báo chương trình và thành phần đoàn giám sát trước ngày đoàn giám sát làm việc với cơ quan, đơn vị.

Bước 6 là xây dựng báo cáo giám sát. Trong đó báo cáo giám sát được viết theo các nội dung của đề cương đã gửi các đơn vị yêu cầu báo cáo. Yêu cầu của báo cáo kết quả giám sát: đánh giá trung thực, khách quan; kết luận ngắn gọn, dễ hiểu, chỉ rõ nguyên nhân những hạn chế, yếu kém; kiến nghị trực tiếp, khả thi (có thể kiến nghị chuyển cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra nếu nội dung nào thấy cần thiết).

Bước 7 là theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát. Đây là bước rất quan trọng, nếu chỉ dừng ở kết luận và kiến nghị mà không theo dõi đối tượng thực hiện kiến nghị thì chỉ là giám sát nửa vời, giám sát sẽ chỉ là hình thức, không đạt hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát hiệu quả, không nửa vời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO