Là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án số 15 của Tỉnh ủy Lào Cai về “Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo.
Để việc thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao nhất, những năm qua, MTTQ Việt Nam tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, học tập và quán triệt nội dung Đề án tới cán bộ, công chức, đảng viên về hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đặc biệt, MTTQ Việt Nam tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy đảng củng cố tổ chức bộ máy MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo yêu cầu hoạt động trong tình hình mới; từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử.
Những hội nghị đối thoại đã góp phần phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Một trong những kết quả nổi bật năm 2019 là việc Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy tổ chức tốt các hội nghị chuyên đề về đối thoại, phản biện để lắng nghe ý kiến của các tổ chức thành viên và một số doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh, từ đó kịp thời đưa ra những chỉ đạo mang tính định hướng và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Theo ông Giàng Seo Vần, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai, thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã làm tốt vai trò chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trong công tác hiệp thương thống nhất nội dung giám sát, xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện, khắc phục sự trùng lắp về nội dung, thời gian, địa bàn giám sát. Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên bám sát chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời nắm những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc để giám sát, phản biện. Nhiều kiến nghị sau giám sát, sau phản biện có chất lượng, sát thực tế đã được HĐND, UBND và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi giúp cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật.
Kết quả, sau 4 năm thực hiện 9 nội dung của Đề án này, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã triển khai giám sát được 163 cuộc, tổ chức 22 hội nghị phản biện xã hội. Bên cạnh đó các xã, phường, thị trấn đã chỉ đạo hoạt động giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng với 1.168 cuộc. Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện được 300 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.