Phát huy nguồn lực từ lòng dân

Tuệ Phương 20/06/2019 09:00

Cuộc chiến chống tham nhũng đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cuộc chiến ấy còn nhiều gian nan. Cái khó, chính là do đối tượng tham nhũng “ẩn nấp” ngay trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên. Sinh thời, Bác Hồ từng dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

MTTQ các cấp đã vận dụng lời dạy của Bác vào công tác chống tham nhũng thông qua huy động sức mạnh toàn dân. Mặt trận vừa vận động, tuyên truyền nhân dân đề cao cảnh giác, tích cực tố cáo chống tham nhũng, vừa thông qua hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân (TTND), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) để trực tiếp phanh phui nhiều vụ việc.

Phát huy nguồn lực từ lòng dân

Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Phú Thụy, Gia Lâm kiểm tra công trình đang xây dựng tại địa phương.

Khơi thông nguồn lực

Cái khó của đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) là đối tượng tham nhũng nằm ngay trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên. Thứ “giặc nội xâm” này không dễ phát hiện, âm thầm đục khoét, gây tổn hại đến kinh tế, xã hội, làm suy giảm uy tín của Đảng, mất lòng tin của nhân dân. Đảng, Nhà nước ta xác định, chống giặc nội xâm phải huy động sức mạnh của cộng đồng. Nhiều văn kiện của Đảng đã thể hiện rõ quan điểm đó là MTTQ và các đoàn thể phải có trách nhiệm vận động quần chúng nhân dân đấu tranh PCTN.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát các tổ chức Đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên”.

Về phía Nhà nước, năm 2005, Luật Phòng chống tham nhũng lần đầu tiên được Quốc hội khóa XI ban hành. Điều 8, Luật Phòng chống tham nhũng quy định: “MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm vận động nhân dân tham gia tích cực vào việc PCTN; phát hiện, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng; giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN”. Tiếp đó, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 một lần nữa cụ thể hoá vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác PCTN. Dù không phải là cơ quan có chức năng điều tra, truy tố tội phạm, nhưng sức mạnh của MTTQ chính là nguồn lực nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Những chủ trương, chính sách của nhà nước tạo hành lang pháp lý để Mặt trận phát huy, khơi thông nguồn lực nhân dân. Khi xây dựng các phong trào, cuộc vận động phù hợp, nhân dân sẽ là “tai mắt”, là cơ quan giám sát, là nguồn cung cấp thông tin tin cậy, là chỗ dựa vững chắc của cán bộ, đảng viên trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Lòng dân đồng thuận

Thực hiện nhiệm vụ trong đấu tranh PCTN, UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng như MTTQ các tỉnh, thành “xông pha” vào nhiều lĩnh vực nóng của xã hội. MTTQ TP Hồ Chí Minh giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, giải tỏa; việc bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; việc thực hiện quy hoạch, dự án còn để kéo dài nhiều năm… MTTQ tỉnh Bạc Liêu phối hợp các ban Ðảng của Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, đơn vị. Hoạt động giám sát đã góp phần làm rõ nhiều vụ việc sai phạm trong đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện các chế độ chính sách, phát hiện nhiều cán bộ kê khai thu nhập chưa đúng…

Song, sôi nổi nhất là những hoạt động ở cấp cơ sở, với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, của nhân dân. Xã Đông Dư (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là một trong những địa phương làm làm điểm thực hiện Nghị quyết 05 giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam về việc mở hòm thư giám sát cán bộ, công chức, đảng viên. Năm 2005, khi hòm thư giám sát ra đời, MTTQ xã đã vận động nhân dân trực tiếp giám sát cán bộ, đảng viên sinh sống ở khu dân cư. Nếu phát hiện có những biểu hiện bất thường của cán bộ, đảng trong đời sống kinh tế, trong ứng xử với nhân dân, nhân dân có thể gửi thư bỏ vào hòm thư giám sát.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đông Dư Nguyễn Đăng Trọng nhớ lại: “Khi nhân dân cảm thấy ý kiến của mình được tôn trọng, được nói lên suy nghĩ, có quyền tố cáo những bất cập của cán bộ, đảng viên thì nhân dân rất phấn khởi. Nhưng từ chỗ phấn khởi đến chỗ vượt qua e ngại để nói lên suy nghĩ của mình là cả chặng đường. Chúng tôi giải thích rõ cho nhân dân hiểu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng. Nếu nhân dân phát hiện ra các vụ việc, Nhà nước sẽ có chính sách bảo vệ người tố cáo”.

Phát huy nguồn lực từ lòng dân - 1

Hoạt động giám sát được người dân mạnh dạn cùng tham gia.

Câu chuyện ở Đông Dư cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác. Các hòm thư giám sát, hòm thư tố giác tội phạm được Mặt trận phối hợp Công an các địa phương lập nên. Nhưng phải đến khi Mặt trận vào cuộc, người dân mới mạnh dạn, tự tin gửi thông tin đến hòm thư.

Thông qua hòm thư giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đông Dư thu được nhiều thông tin giá trị. Đây là cơ sở để Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ thực hiện tốt chức năng giám sát của mình, đồng thời nắn chỉnh những hành vi chưa đúng mực của cán bộ, đảng viên. Điển hình là Ban Thanh tra Nhân dân đã thành công trong giám sát khu tái định cư X1 (dự án dãn dân đường Hà Nội – Hưng Yên). Khi đó, Ban TTND muốn vào giám sát, đơn vị thi công gây khó dễ không cho xem dự toán thiết kế. Đến ngày thi công họ chỉ thông báo cho địa phương và đem xe đến san lấp. Nhưng sự kiên quyết của Ban TTND đã khiến chủ đầu tư phải thực hiện thi công đúng thiết kế, nhất là khâu vét bùn, san lấp, kịp thời ngăn chặn được những sai phạm, thất thoát. Hơn mười năm trôi qua, những người trông nom Hòm thư giám sát đang rơi vào cảnh… thất nghiệp.

Những năm gần đây, kinh tế Đông Dư liên tục phát triển ổn định, cán bộ đảng viên gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối. Cán bộ theo dõi hòm thư “thất nghiệp” nhưng ai cũng vui. Tính rộng hơn trên địa bàn TP Hà Nội, trong năm 2018 và ba tháng đầu năm 2019, các Ban TTND trên địa bàn đã giám sát 6.771 vụ việc, phát hiện 1.749 vụ có dấu hiệu vi phạm; trong đó, nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát tài sản. Các cấp chính quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 1.641 vụ việc, đạt 95,85%. Các Ban GSĐTCCĐ đã tham gia giám sát hơn 4.000 công trình, dự án. Thông qua hoạt động giám sát phát hiện 426 vụ vi phạm; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 411 vụ ở các lĩnh vực.

Có mặt ở Bắc Ninh, nơi có 126 Ban TTND và 223 Ban GSĐTCCĐ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước khối lượng công việc khổng lồ, liên quan đến nhiêu lĩnh vực mà các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được. Điển hình như Ban TTND xã Lạc vệ (Tiên Du) đã phát hiện và kiến nghị với chính quyền giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm chế độ chi trả cho các đối tượng chính sách; thu nộp không đúng quy định của trường Tiểu học; Ban TTND xã Đại Đồng (Tiên Du) phối hợp với UBND xã kiểm tra 3 vụ liên quan đến kinh tế của xóm Đại Vi, thu hồi 8.469,5 m2 đất; xóm Gạ Đại Vi thu hồi của 17 hộ dân 4.114,7 m2 đất...

Các dự án đầu tư hạ tầng trên địa bàn tỉnh cũng đi vào quy củ. Các Ban GSĐTCCĐ đã tiến hành giám sát được trên 1.400 công trình xây dựng. Qua giám sát phát hiện được gần 100 công trình vi phạm. Một số công trình xây dựng không đảm bảo đúng thiết kế, vật liệu không đảm bảo đúng như thiết kế, không đúng quy hoạch, không đảm bảo vệ sinh môi trường…, ngăn chặn kịp thời thất thoát.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đánh giá rất cao hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ trong việc bảo đảm thực thi pháp luật, trong đó, có nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng. Tính đến năm 2018, cả nước có 10.956 Ban TTND. Từ năm 2014 đến năm 2018 Ban TTND thực hiện là 189.461 cuộc thanh tra, phát hiện nhiều vụ việc và thu hồi được nhiều tài sản, đất đai về cho nhân dân. Trong khi đó, số lượng Ban GSĐTCCĐ là 12.946 ban. Cùng thời gian trên, Ban GSĐTCCĐ thực hiện là 173.929 cuộc.

“Ở khu dân cư, cán bộ Mặt trận cơ sở là những người lắng nghe rõ nhất tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, và chính họ đang từng ngày, từng giờ là những người lính tiên phong trên mặt trận PCTN”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực chia sẻ.

Tháo gỡ những rào cản

Cuối năm 2017, tại hội thảo “MTTQ Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng” do UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Hệ thống Mặt trận các cấp phải vào cuộc trong vận động toàn dân thực hiện công tác phòng chống tham nhũng lãng phí. Mặt trận phải đấu tranh mạnh mẽ, thấy cái đúng thì phải bảo vệ, thấy cái sai thì phải đấu tranh”. Những phát biểu của Chủ tịch là kim chỉ nam cho hoạt động PCTN của hệ thống Mặt trận. Mặt trận nói riêng và các đoàn thể nhân dân nói chung đã thu được nhiều thành tựu trong cuộc chiến chống tham nhũng. Mặc dù vậy, những khó khăn vướng mắc còn không ít.

Không ít vụ việc được Mặt trận, Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ phát hiện, nhưng khi chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng thì lại bị chậm trễ trong khâu giải quyết. Thậm chí, có một số vụ việc còn bị lờ đi vì lý do “lợi ích nhóm”. Điều này cho thấy, cần xây dựng một cơ chế để những kiến nghị về tiêu cực, tham nhũng của hệ thống Mặt trận được giải quyết thoả đáng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Một số trường hợp cán bộ bị trù dập trong đấu tranh, làm ảnh hưởng uy tín của Đảng, của Nhà nước, của Mặt trận. Để làm được điều đó, phải có hành lang pháp lý để Mặt trận tham gia PCTN.

Để nâng cao việc phòng ngừa, đấu tranh tố giác người đấu tranh phòng, chống tham nhũng, theo GS. TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Mặt trận phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân trong việc phát hiện, xác minh các vụ việc tham nhũng bằng việc động viên nhân dân cung cấp thông tin để nhân dân tham gia tích cực vào việc phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng. Thông qua hoạt động giám sát xã hội các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nếu phát hiện những dấu hiệu tham nhũng thì kịp thời yêu cầu, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan này (như Thanh tra nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước …) tiến hành điều tra xác minh làm rõ và báo cáo với nhân dân về kết quả của việc xử lý các vụ việc tham nhũng đó...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy nguồn lực từ lòng dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO