Ngày 19/11, Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố “Về việc sát nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019”. Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.
Thực hiện Thông tư số 14/2018/TT – BVN ngày 31/12/2018 của Bộ Nội vụ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT – BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố. UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Đề án kiện toàn thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, thành phố đã ban hành Đề án kiện toàn thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố thực hiện sát nhập các thôn có quy mô dưới 150 hộ, tổ dân phố dưới 225 hộ và khuyến khích các thôn, tổ dân phố có quy mô lớn hơn, có đủ điều kiện thì thực hiện việc sát nhập để giảm số lượng thôn, tổ dân phố.
Đối với Thành phố Hà Nội, hiện nay đã thực hiện giảm đáng kể số thôn, tổ dân phố. Qua đợt sát nhập năm 2014 và năm 2019, thành phố giảm thêm 5.000 thôn, tổ dân phố. Tới đây, khi HĐND thành phố thông qua Nghị quyết sát nhập thì thành phố chỉ còn 5.146 thôn, tổ dân phố.
Ông Lê Anh Quý, thành viên HĐTV Dân chủ - Pháp luật thành phố cho rằng: Thôn, tổ dân phố đã đi vào đời sống của người dân Thủ đô cho nên cần phải nghĩ cách làm cho phù hợp. Trên thế giới có nước nhỏ, nước lớn và người ta tôn trọng việc đó. Việc chúng ta duy trì thôn nhỏ, thôn lớn hơn là điều hết sức bình thường. Nhiều thôn có tục thờ thành Hoàng Làng cho nên sát nhập thôn sẽ rất khó khăn cho việc tổ chức lễ hội, phức tạp trong cách thức tổ chức. Ngoài ra, phường nên cấu trúc thành khu phố và trưởng khu còn tổ dân phố sẽ là tiểu khu. Tiểu khu đó tương đương với xóm còn phu phố tương đương với tổ dân phố.
Bày tỏ quan điểm của mình, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội lại cho rằng, trong quá trình sát nhập thôn, tổ dân phố cần xem xét yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư tại địa phương và đặc biệt là sắp xếp, bố trí cán bộ ở thôn, tổ dân phố.
Với 3 chức danh gồm: Trưởng thôn (tổ trưởng tổ dân phố), Bí thư chi bộ, Trưởng ban CTMT theo hướng 3 chức danh nhưng chỉ có 2 người. Do vậy, tính khả thi rất thấp. Thậm chí có thể nói, nhiều thôn, tổ dân phố không hoạt động được.
“Thôn ở Hà Nội hình thành hàng ngàn năm. Mỗi thôn đều có văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán riêng. Đa số các thôn đều có thành Hoàng Làng, đình, chùa, miếu, mạo, hương ước, quy ước, tên gọi riêng hoạt động ổn định nay sát nhập sẽ gây ra sự xáo trộn, khó khăn. Hiện nay, nhiều thôn, tổ dân phố chưa đến 200 hộ gia đình mà nhiều nơi không có địa điểm hội họp. Tới đây, nếu sát nhập thôn, tổ dân phố có 350 hộ trở lên càng không có địa điểm để hội họp, sinh hoạt”, ông Tuyến băn khoăn
Ở góc độ khác, bà Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật thành phố, theo xu thế phát triển xã hội thì không thể không sát nhập. Tất nhiên khi mới thực hiện bao giờ cũng gặp khó khăn cũng như gặp phải những ý kiến trái chiều. Việc sát nhập sẽ góp phần tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy, của cộng đồng dân cư.
Ngay như trước đây chúng ta cấm đốt pháo, lúc đầu rất khó khăn vì 2,5 triệu lao động sẽ mất việc làm, ảnh hưởng đến phong tục tập quán… nhưng cuối cùng chúng ta đã làm được. Tuy nhiên, khi sát nhập chúng ta cũng nên tính đến tính chất đặc thù, có những nơi không thể sát nhập được thì nên cân nhắc cho hợp lý.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương tiếp thu các ý kiến của các đại biểu và khẳng định, Ủy ban MTTQ thành phố sẽ tổng hợp, báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy những nội dung mà nhân dân quan tâm đối với Đề án này và tổng hợp đầy đủ để trình HĐND thành phố, góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Chủ tịch Nguyễn Lan Hương khẳng định, áp lực của Đề án là phải đồng bộ để hoàn thành trước Đại hội đảng các cấp. Các ý kiến tại hội nghị là rất cần thiết tham góp với UBND, HĐND thành phố, nghiên cứu thực tế và lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân.
“Ủy ban MTTQ thành phố cơ bản ủng hộ về mặt chủ trương nhưng cũng lưu ý Đề án phải thật bảo đảm, đồng bộ giữa chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Thành phố Hà Nội đã chính thức ra nhập thành phố sáng tạo. Hà Nội cũng phấn đấu đã trở thành thành phố thông minh, chính quyền điện tử cho nên khi thực hiện Đề án này thành phố cũng đã tính đến yếu tố lịch sử và chiều sâu về văn hóa, tâm linh, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Không chạy theo thành tích, làm đến đâu chắc đến đó. Nơi nào thuận thì làm trước. Nơi nào chưa đồng thuận thì sẽ làm sau”, bà Nguyễn Lan Hương khẳng định.
Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2019), 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2019), chiều 19/11, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” thành phố phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức gặp mặt, tặng quà giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương khẳng định, Ủy ban MTTQ thành phố, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” thành phố tổ chức gặp mặt, tặng quà giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm tri ân đến đội ngũ giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Thủ đô để các thầy, cô giáo có thêm động lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Hy vọng với bản lĩnh, niềm tin, nhiệt huyết, các thầy, các cô phấn đấu vươn lên khắc phục khó khăn của gia đình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.