Giám sát, phát hiện sớm người nghi mắc các chủng cúm gia cầm

An Thái 22/10/2022 07:00

Thông tin mới nhất từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, Việt Nam vừa xuất hiện trở lại ca cúm A(H5) trên người kể từ tháng 2/2014 đến nay.

Đẩy mạnh việc phòng, chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người. Ảnh: TL.

Sau 8 năm, cúm gia cầm tái xuất

Thông tin về ca bệnh này được TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị trực tuyến tăng cường phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, ngày 20/10 vừa qua.

Cụ thể, bệnh nhi sinh sống ở huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) được xác định mắc cúm A/H5, loại cúm đã 8 năm vắng bóng. Hiện bệnh nhân đang trong tình trạng suy hô hấp, đặt nội khí quản, điều trị tại Khoa điều trị tích cực nội, Bệnh viện Nhi trung ương. Bệnh nhi được chẩn đoán suy gan thận cấp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng...

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ cho hay, khoảng 1 tuần trước khi trẻ nhập viện, gia đình có mổ ngan, gà có biểu hiện ốm để ăn. Ngày 5/10, bệnh nhi xuất hiện ho, sốt, gia đình tự mua thuốc về cho trẻ uống nhưng không đỡ. Ngày 7/10, bệnh nhi xuất hiện mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều, gia đình đưa bệnh nhi đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba khám và được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân. Bệnh nhi được chuyển tuyến Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, tại đây trẻ được thăm khám khám và cũng được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân. Ngày 8/10, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương. Đến ngày 10/10, trẻ được Bệnh viện Nhi trung ương xét nghiệm nhiễm type cúm A/H5. Ngày 17/10, Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương khẳng định bệnh nhi dương tính với virus cúm A/H5.

Liên quan đến ca mắc cúm A/H5 ghi nhận trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói trên, để chủ động phòng, chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã gửi Công văn 1164/DP-DT đề nghị Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh với một số nội dung trọng tâm. Bao gồm: Tổ chức điều tra và xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường giám sát phát hiện ổ dịch mới ở người; các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.

Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu tỉnh Phú Thọ sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

8 năm qua, ghi nhận 128 ca mắc

Về ca bệnh nói trên, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, ngay sau khi xác định được ca bệnh, Viện đã cử đội phòng, chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhân sinh sống để phối hợp với Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương cùng điều tra dịch tễ.

Đội đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A/H5. Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A họ Orthomyxoviridae. Vỏ của virus cúm A bản chất là glycoprotein bao gồm 2 kháng nguyên: Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase). Có 15 loại kháng nguyên H, ghi nhận H1 đến H15 và 9 loại kháng nguyên N, ghi nhận N1-N9.

Từ năm 2003 đến nay Việt Nam mới ghi nhận 128 trường hợp mắc cúm H5N1 trên người, trong đó 64 ca tử vong. Số ca mắc cao trong giai đoạn 2003-2010. Năm 2014 có hai trường hợp mắc cúm A/H5N1 tại Bình Phước và Đồng Tháp, đều tử vong, tiền sử tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh. Từ đó đến nay là 8 năm không ghi nhận ca mắc nào trên người. Hiện, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước.

Thế giới đã ghi nhận các ổ dịch cúm A/H5N6, A/H5N8 và cúm A/H5N2. Đến nay nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H5N8 và cúm A/H5N2 trên cả gia cầm và người. Năm 2014 ghi nhận các ổ dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm tại một số tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi. Phú Thọ, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.

Theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, vì vậy tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Để chủ động phòng, chống dịch, bệnh cúm A/H5 lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát, phát hiện sớm người nghi mắc các chủng cúm gia cầm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO