Giám sát tham nhũng từ kê khai tài sản

Việt Thắng (thực hiện) 04/07/2016 07:10

Theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, kê khai tài sản phải nhằm mục đích công khai minh bạch cho người dân biết rằng tài sản như thế nào? Hiện tài sản ở Việt Nam là bất định cho nên rất khó kê khai vì tiền mặt dùng nhiều, hay tích trữ vàng chẳng hạn.

Giám sát tham nhũng từ kê khai tài sản

Ông Đặng Ngọc Dinh.

Kê khai tài sản là một trong những biện pháp để phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc kê khai chỉ là hình thức khi kê khai mà không công khai. Việc kê khai quá rộng cũng khiến khó kiểm soát.

Trao đổi với ĐĐK, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho rằng: Chừng nào chúng ta chưa chấp nhận giám sát theo kiểu 3 bên: Nhà nước - doanh nghiệp - các tổ chức xã hội thì rất khó. “Phải giữ được 3 chân kiềng thì mới tốt”- theo ông Dinh.

PV:Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, một số ý kiến cho rằng việc kê khai tài sản không phát huy được tác dụng; cần sửa đổi quy định kê khai tài sản theo hướng gọn lại, thà ít mà tốt còn hơn là kê khai quá đông. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Đặng Ngọc Dinh: Chính xác như vậy. Ví dụ khi nào ta bầu ĐBQH thì tiến hành kê khai, hoặc một ông chuẩn bị lên làm chủ tịch xã thì tiến hành kê khai, chứ việc gì một ông nhân viên phải kê khai. Kê khai tràn lan thì không có hiệu quả.

Đặc biệt khi đã kê khai thì phải đi kèm công khai. Chẳng hạn các ĐBQH kê khai tài sản rồi niêm yết bên cạnh lý lịch, như vậy mới có ý nghĩa. Tức là kê khai phải nhằm mục đích công khai minh bạch cho người dân biết rằng tài sản như thế nào? Hiện tài sản ở Việt Nam là bất định cho nên rất khó kê khai vì tiền mặt dùng nhiều, hay tích trữ vàng chẳng hạn. Tại các nước họ dùng tài khoản ngân hàng cho nên chỉ cần thông qua ngân hàng là biết có bao nhiêu tiền, thậm chí tiền từ đâu về ngân hàng cũng biết.

Theo tôi, nên tập trung vào “chủ điểm”, như những người có chức tước thì mới kê khai. Ví dụ, bầu một lãnh đạo mới từ cấp tỉnh trở lên cần kê khai xem tài sản của ông ấy như thế nào, thì đó là điều cần thiết. Hiện quả của kê khai là để đánh giá người ấy nhiều tiền hay ít tiền, tiền có sạch hay không? Tuy nhiên, chúng ta phải tiến dần lên trong cải cách thể chế về tài chính, chứ nền tài chính vẫn dùng tiền mặt là chính thì khó làm được các cái khác.

Một trong những điểm khiến người dân chưa mạnh mẽ tố cáo tham nhũng là do cơ chế tài bảo vệ người tố cáo chưa đủ mạnh. Thường chỉ những người bị liên quan trực tiếp mới đứng ra đấu tranh, còn đa số là có biết tham nhũng nhưng không dám tố cáo, thưa ông?

- Bây giờ phải trở lại vấn đề làm thế nào để bảo vệ được người tố cáo bởi vì đôi khi còn quy họ là vu khống thì rất khó. Tất cả các cái đó nằm ở trong vấn đề giám sát. Phải có một hệ thống giám sát tham nhũng thì mới được. Đầu tiên phải kiểm soát được tham nhũng, tức là làm thế nào cho ít tham nhũng. Khi xảy ra tham nhũng phải giám sát. Giám sát khác với kiểm soát tức là tôi nhìn ở bên ngoài thấy anh có dấu hiệu thì tôi bắt anh giải trình cái này, trình bày cái kia, như kiểu kiểm toán vậy.

Vì hệ thống giám sát của ta yếu cho nên người ta không dám tố cáo. Vì không giám sát được cho nên giữa việc tố cáo đúng và tố cáo sai thường hay bị lẫn lộn cho nên họ có thể bị vu cho là tố cáo sai. Vì vậy để bảo vệ người tố cáo phải chữa bằng cơ chế giám sát cho thật tốt.

Nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao vai trò của các tầng lớp xã hội, người dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng,khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng. Quan điểm của ông?

- Cơ chế của ta hiện nay chưa khuyến khích được. Vai trò của xã hội không phải là từng người dân nói lung tung mà là vai trò đại diện cho xã hội; là nói đến tổ chức như Mặt trận hay các tổ chức của cộng đồng có thành phần trong ban giám sát.

Ví dụ giám sát Formosa xả thải như thế nào ngoài, Bộ Tài nguyên - Môi trường ra thì phải có đại diện của HĐND, đại diện Mặt trận ở đấy cùng giám sát. Vai trò của các tổ chức xã hội chính là vai trò của tổ chức chứ không phải từng người dân. Giám sát là thể chế hóa sự tham gia của các tổ chức ấy và cần phải đưa vào trong luật.

Nhìn chung, gốc gác của vấn đề là phải chấp nhận sự giám sát, và tôn trọng sự giám sát ấy. Chừng nào chúng ta chưa chấp nhận thể chế về giám sát theo kiểu 3 bên, nghĩa là: Nhà nước - doanh nghiệp - các tổ chức xã hội thì rất khó. Nếu vẫn coi Nhà nước giám sát là chính thì người đại diện có thể sẽ bị mua chuộc, vì người dân không thể giám sát được.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát tham nhũng từ kê khai tài sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO