Giám sát và phản biện xã hội phải đi đến cùng sự việc

Tiến Đạt 08/08/2022 13:36

Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ mười ba, khóa IX mở rộng, nhiệm kỳ 2019-2024 vào sáng nay (8/8), ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, giám sát, phản biện xã hội phải đi đến cùng sự việc, cần phải chọn việc phù hợp với khả năng Mặt trận, qua đó đạt được hiệu quả thiết thực, nhất là giúp cho các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhân dân.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai hiệu quả các chương trình giám sát, phản biện xã hội, trong đó phải kể đến công tác xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp thu phản ánh nguyện vọng của nhân dân, cử tri đối với Đảng, Nhà nước. Điều này rất cần phải tiếp tục được đẩy mạnh để hoạt động này ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh đề xuất, cần xác định rõ và đúng, nhận thức thống nhất về địa vị pháp lý của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay. Mô hình tổ chức phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, phải đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của MTTQ Việt Nam.

Phải làm rõ, MTTQ Việt Nam không phải là một thiết chế Nhà nước nhưng là một thiết chế được quy định trong Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam nên có vai trò và vị trí rất quan trọng, có thể nói là quan trọng bậc nhất sau Đảng, Nhà nước trong hệ thống chính trị. Vì vậy, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cũng cần được nhận thức như vậy, từ đó, kết quả giám sát, phản biện sẽ tác động rất nhiều đến đời sống xã hội.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, qua thực tiễn đã cho thấy, chủ thể nào trong xã hội cũng có thể giám sát, phản biện xã hội để giúp cho Nhà nước hoạt động đúng pháp luật và hiệu quả, bởi xuất phát từ bản chất Nhà nước và chế độ của nước ta là dân chủ, nhưng không phải chủ thể nào cũng có địa vị pháp lý như MTTQ Việt Nam. Nếu Mặt trận phát huy được tối đa vai trò thì kết quả tác động sẽ rất lớn.

Theo ông Đỗ Ngọc Thịnh, khi MTTQ Việt Nam giám sát về việc giải quyết kiến nghị, tố cáo của người dân, Mặt trận có văn bản kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, nhưng cơ quan nhà nước không đối thoại cùng với MTTQ Việt Nam để cùng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân, nên tính hiệu quả giám sát của MTTQ còn có hạn chế.

“Giám sát, phản biện xã hội phải đi đến cùng sự việc, cần phải chọn việc phù hợp với khả năng Mặt trận, qua đó đạt được hiệu quả thiết thực, nhất là giúp cho các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả, giúp cho việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhân dân, nhưng cốt lõi nhất là làm như thế nào để nhân dân tin vào hoạt động của MTTQ Việt Nam, xa hơn nữa là nhân dân tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp của Việt Nam”, ông Đỗ Ngọc Thịnh nêu ý kiến.

Cũng theo ông Đỗ Ngọc Thịnh, giám sát, phản biện xã hội là một vấn đề rất khó, nhạy cảm, do đó phải làm thế nào để không hiểu nhầm mà luôn thể hiện được tính xây dựng, tập hợp đoàn kết được đông đảo người dân trong xã hội; đồng thời cần có sự chuẩn bị tốt để vượt qua khó khăn, có cách làm sáng tạo, linh hoạt và đúng theo đường lối, chính sách của Đảng, quy định pháp luật thì công tác này mới có thể đạt được các mục tiêu đáp ứng được các yêu cầu phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát và phản biện xã hội phải đi đến cùng sự việc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO