Giảm tải bệnh viện: Hy vọng vẫn ở phía trước

Lê Hùng 02/01/2017 14:10

Quá tải bệnh viện là tình trạng diễn ra phổ biến tại gần như tất cả các bệnh viện tuyến cuối. Bài toán nan giải này được đặt ra từ nhiều năm nay, ngành y tế dù đã có khá nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa thể giải quyết. Vì thế, hy vọng đành gửi vào... tương lai.

Tình trạng quá tải xuất hiện ở hầu hết các bệnh viện tuyến cuối.

Vấn đề nhức nhối nhất của ngành y

Chưa bao giờ vấn đề quá tải bệnh viện (BV) được nói đến nhiều như hiện nay. Theo báo cáo của Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), quá tải ở BV tuyến trên trong nhiều năm qua đã và đang là vấn đề nổi cộm: 2-3 người bệnh chung một giường là tình trạng diễn ra ở nhiều BV Trung ương và tuyến tỉnh, công suất giường bệnh lên tới 120-160%, đặc biệt là các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi...

Đi bất kỳ BV nào tại Hà Nội và TP HCM cũng đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh những giường bệnh nằm ghép 2, 3 người. Ngay cả với những bệnh nhân vừa sinh nở cần khoảng không gian tối thiểu để chăm sóc em bé đến những bệnh nhân chấn thương nặng hay bệnh ung thư phải truyền hoá chất đều phải nằm ghép hoặc nằm ngoài hành lang…

Theo thống kê của BV Chợ Rẫy (TP HCM), mặc dù BV chỉ có 1.623 giường nhưng số bệnh nhân nằm viện mỗi ngày trung bình lên đến hơn 2.500 người. TS.BS Nguyễn Trường Sơn- Giám đốc BV cho biết: Số lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh tăng mỗi năm. Trong đó, số lượt khám chữa bệnh nội trú tăng 3-4%/năm. Đặc biệt, bệnh nhân từ các tỉnh chuyển về chiếm đến 78% trong tổng số bệnh nhân được điều trị tại BV.

Tương tự, tại các BV như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Hùng Vương, Từ Dũ… đều có tình trạng nằm ghép. BS Nguyễn Hoài Nam- Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP HCM, đánh giá: “Hiện nay, mỗi năm các BV tại TP.HCM phải tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 30% bệnh nhân từ các tỉnh, thành chuyển về. Điều này tạo nên áp lực quá tải tại hầu như tất cả các bệnh viện chuyên khoa, tuyến cuối ở TP.HCM”.

Đến các BV lớn ở Hà Nội như BV Nhi, Việt Đức, Phụ sản, Bạch Mai… vào buổi trưa hay từ sau 22h tối đều dễ dàng bắt gặp cảnh bệnh nhân và người nhà nằm ngổn ngang trong không khí vô cùng bức bối. Thậm chí nhiều người còn phải nằm trong gầm giường. Ngay cả ở BV Thanh Nhàn, không phải bệnh viện tuyến Trung ương mà sau 22 giờ tối, có mặt tại Khoa ung bướu, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh bệnh nhân phải tràn lan ngoài hành lang.

Bà P.Lê (trú ở huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết: Ở đây hầu như bệnh nhân nào cũng phải truyền thuốc, có lúc cả 2-3 người cùng phải truyền trên một giường, thật khốn khổ. Bố tôi quá già nên thường được ưu tiên nằm, còn hai bệnh nhân bị u phổi và u tuyến giáp thì phải ngồi cuối giường. Còn người nhà, đêm đến nằm la liệt quanh chân giường, gầm giường, hành lang. Bệnh nhân đông là vậy mà khoa này vẫn dành mấy phòng để làm khu vực điều trị theo yêu cầu,với mức tiền giường dịch vụ 200 đến 250.000 đồng/ngày.

Sáng 8/12 vừa qua, khi trực tiếp thị sát tại Khoa Đầu cổ - Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, chứng kiến tình cảnh một giường có đến 4 bệnh nhân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gay gắt: Thử hỏi bắt 4 bác sĩ ngồi trên cùng một giường bệnh này các anh có chịu được không? Sao làm khổ bệnh nhân thế? Khi được hỏi nhiều bệnh nhân và người nhà đều cho rằng mong ước của họ là được có giấc ngủ ngon mà không lo phải nằm nghiêng hay trở mình ảnh hưởng đến người nằm đảo chiều trên chiếc giường quá nhỏ.

Trước đó, trong hai buổi tối ngày 14/9 và 16/9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra việc triển khai các biện pháp giảm tải tại Viện Tim mạch BV Bạch Mai về tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép từ 2 - 4 bệnh nhân/1 giường.

GS.TS Đỗ Doãn Lợi- PGĐ BV Bạch Mai, Viện trưởng Viện Tim mạch cho hay, tình trạng quá tải không chỉ xảy ra tại Viện Tim mạch mà đang xảy ra tại nhiều khoa của BV Bạch Mai. Trong đó, tại Viện Tim mạch có số bệnh nhân điều trị nội trú gấp đôi số giường thực kê. Cụ thể, viện có 278 giường nhưng có tới 525 bệnh nhân. Tại khoa Thần kinh có 200 giường nhưng cũng có tới 264 bệnh nhân điều trị nội trú...

Báo cáo của BV này cho thấy, BV có 2.300 giường nhưng thường xuyên có 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú, 6.000 bệnh nhân khám ngoại trú/ngày. Đặc biệt quá tải nghiêm trọng xảy ra tại Viện Tim mạch, Khoa Thần kinh, Trung tâm điều trị ung bướu và y học hạt nhân.

Tìm “thuốc” chữa bệnh quá tải

Còn nhớ, ngày 19/1/2013, Chính phủ đã phê duyệt Đề án giảm quá tải BV giai đoạn 2013-2020. Với mục tiêu giảm tải ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú, nâng cao hơn nữa chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Đầu năm 2016, Thủ tướng tiếp tục có chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp giảm quá tải BV, mở rộng mạng lưới BV vệ tinh. Chỉ thị nêu rõ, giải quyết tình trạng quá tải BV là một trong các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của ngành y tế... Dù tại nhiều hội nghị, hội thảo về vấn đề này, người đứng đầu ngành y tế từng nhìn nhận quá tải BV là vấn đề nhức nhối nhất hiện nay trong ngành y.

Theo Bộ trưởng, nó có thể làm giảm chất lượng khám chữa bệnh kéo theo tăng các tai biến hay nguy cơ nhiễm trùng, nảy sinh thái độ và hành vi tiêu cực của nhân viên y tế. Nhưng thực tế cho thấy lâu nay, bệnh nhân dường như đã quá quen với tình trạng quá tải và xem như một khó khăn không thể tránh khi cực chẳng đã phải đến BV.

Ngày 19/12, ngày ra quân đầu tiên của đoàn kiểm tra chất lượng BV tuyến Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đích thân đi kiểm tra tại BV Bạch Mai. Tại khoa Khám bệnh, Bộ trưởng tiếp xúc nhiều người bệnh đang chờ khám tại đây.

Bà đã lắng nghe bệnh nhân Vũ Quang Thừa, 73 tuổi (ở Hưng Hà, Thái Bình) chia sẻ rằng ông đến từ sáng sớm để khám tim mạch. Kể từ thời điểm được khám và chỉ định đi làm các xét nghiệm, ông đã xếp hàng hơn 2 tiếng nhưng vẫn chưa được lấy máu và làm các xét nghiệm...

Bộ trưởng cũng đã đến kiểm tra tại khu điều trị nội trú Viện Tim mạch quốc gia, Thần kinh, Thận tiết niệu... đều ghi nhận tình trạng bệnh nhân phải ghép và tâm trạng băn khoăn, chán nản của người dân.

Nếu thời điểm năm 2015, mới có hơn 10 BV ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép thì đến thời điểm này, cả nước có gần 40 BV tuyến trên cam kết không để bệnh nhân nằm ghép sau 24-48 giờ.

Song thực tế cho thấy, do tâm lý ít tin tưởng vào y tế tuyến dưới nên hầu hết bệnh nhân đổ lên tuyến trên khám chữa bệnh khiến các BV tuyến trên không những không có dấu hiệu giảm tải mà tình trạng quá tải, nằm ghép của một số BV ngày càng trầm trọng.

Nhưng, điều đáng nói là trong khi các BV tuyến trên quá tải thì với nhiều BV tuyến huyện việc giữ được bệnh nhân để lấp đầy số giường theo chỉ tiêu là việc vô cùng khó khăn, thậm chí một số BV còn rơi vảo cảnh đìu hiu, nhiều thiết bị khám chữa bệnh chuyên dụng hiện đại cả năm không được dùng đến ...

Nói như những người bệnh “chung thân” với BV, thôi thì đành gửi niềm hy vọng giảm tải BV vào năm 2017. Nhưng cũng có thể lâu hơn...

Tiến sĩ Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K cho biết, sau buổi thị sát của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sáng 8/12, lãnh đạo bệnh viện đã họp để giải quyết một số tồn tại. Bệnh viện đã xử lý kỷ luật 7 nhân viên y tế có thái độ ứng xử không tốt với bệnh nhân, trong đó 6 người bị phê bình, nhắc nhở, phạt tiền thưởng; một người bị điều chuyển công tác từ bộ phận có tiếp xúc với bệnh nhân sang bộ phận khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm tải bệnh viện: Hy vọng vẫn ở phía trước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO