Giảm tải nhưng không xóa bỏ

Tâm Như (thực hiện) 15/11/2015 14:25

Trong Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố có đề cập môn học mới là “Công dân với Tổ quốc”, dựa trên việc ghép 3 phân môn: Đạo đức - Công dân, Lịch sử và Quốc phòng - An ninh. Nếu vậy, Lịch sử sẽ không phải là môn học độc lập như hiện nay. Vấn đề này đã thu hút sự quan tâm của xã hội, trong đó có ý kiến từ giới nghiên cứu lịch sử, các nhà khoa học, nhà giáo và cả học sinh. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.NGƯT Ngô Đăng Tri - Chủ

Giảm tải nhưng không xóa bỏ

PGS Ngô Đăng Tri.

PV: Thưa ông, sự tích hợp của môn học mới “Công dân với Tổ quốc” được hiểu như thế nào?

PGS Ngô Đăng Tri: Khoa học lịch sử là một môn khoa học vì có đối tượng và phương pháp nghiên cứu riêng của nó. Tôi chưa hiểu môn học Công dân với Tổ quốc có đối tượng và phương pháp nghiên cứu như thế nào nhưng nếu gép gộp 3 môn học đó lại thì rất khó trộn 3 đối tượng nghiên cứu khác nhau và 3 phương pháp nghiên cứu khác nhau thành một được.

Mặt khác, khi đã không còn đối tượng và phương pháp nghiên cứu riêng thì khoa học lịch sử như cũng lịch sử không tồn tại đúng nghĩa của nó. Nói cách khác, việc tích hợp 3 môn học đó trong 1 môn là khiên cưỡng, thiếu cơ sở khoa học. Khi nó như một thứ hỗn hợp thì sẽ dẫn đến những pha tạp, sai lệch, ít hiệu quả, cả về mặt nhận thức lịch sử, ý thức công dân và kiến thức quốc phòng - an ninh.

Mới đây, ngày 3/11, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo về vấn đề này. Nhiều ý kiến của các nhà sử học tỏ ra không đồng tình. Vậy ý kiến của ông như thế nào?

-Tôi ủng hộ việc giảm tải nội dung học tập bậc phổ thông cũng như đại học, nhưng cần làm theo cách khác, chứ không thể theo cách sáp nhập có tính cơ học các môn học với nhau. Muốn giảm tải thì phải bỏ các nội dung trùng lặp ở các môn học, từ đó giảm thời gian dạy và học các môn so với hiện tại. Việc ghép các môn lại mà vẫn không lược bỏ nội dung thừa thì đó là sự tăng tải.

Tôi cho rằng sự gộp chung 3 môn nói trên thành môn Công dân với Tổ quốc là vội vàng, dù chỉ là cấp Tiểu học, bậc Trung học cơ sở. Lý do như đã nói ở trên, là 3 môn học đó không cùng một đối tượng và một phương pháp chung nhau. Mặt khác do việc biên soạn giáo trình, bài giảng, việc dạy và học, kiểm tra đánh giá kiến thức môn học không tường minh.

Chúng ta đã có kinh nghiệm rất đáng nhớ là ở bậc Đại học, năm 2007 Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo ghép 3 môn Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học thành một môn học gọi là “Những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin” để viết giáo trình và dạy, học, thi cử theo giáo trình đó.

Kết quả là tổng thời lượng giảng dạy khối kiến thức này có giảm nhưng số lượng kiến thức phải chuyển tải trên đơn vị thời gian không giảm, người học không vì thế mà yêu thích các môn khoa học Mác-Lênin hơn, còn người dạy cũng không vì thế mà chuyển tải kiến thức môn học này hiệu quả hơn. Vì vậy, đến nay lại có chủ trương tách riêng thành 3 môn, mà theo cách nói của nhiều giáo viên, sinh viên thì đó là sự “trả lại tên cho em”…

Nhiều ý kiến lo ngại nếu xóa bỏ môn Lịch sử trong hệ thống tri thức phổ thông, công dân lớn lên sẽ không biết, hoặc mơ hồ về lịch sử đất nước. Là người nhiều năm nghiên cứu về lịch sử lại trực tiếp đứng trên bục giảng, ông đánh giá thế nào về sự quan trọng của môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục phổ thông?

- Tôi cho rằng việc tích hợp các môn học nói trên là do ý tưởng tốt, muốn giảm tải cho học sinh, muốn tăng hiệu quả giáo dục đào tạo các môn học đó, trong đó có môn Lịch sử, chứ không nên suy luận chụp mũ nặng nề.

Song tôi cảm nhận được hậu quả của việc gộp ghép các môn học ấy, nhất là không coi lịch sử là “cốt lõi” trong sự tích hợp, là vô tình coi nhẹ việc nhận thức lịch sử của đất nước, là làm “mất trí nhớ” của dân tộc. Mỗi môn học đều có vị trí quan trọng, cần thiết của nó trong chương trình giáo dục phổ thông.

Mọi người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ rất cần được hiểu biết đúng lịch sử của đất nước, của tổ tiên mình, vì quá khứ cắt nghĩa hiện tại, hiện tại dự báo tương lai. Không hiểu biết hay hiểu biết sai lịch sử, dù là lịch sử gia đình, dòng họ, địa phương hay lịch sử của dân tộc, của cách mạng, của Đảng đều rất tai hại cho hiện tại và tương lai.

Người ta đã nói rằng, “Nếu anh bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ bắn lại bằng đại bác”. Tôi tán thành với câu nói đó khi liên tưởng tới việc giảm tải môn học Lịch sử theo cách tích hợp thiếu căn cứ. Nếu chưa tìm được cách gì làm cho môn học Lịch sử được tốt hơn thì cũng đừng làm gì phương hại tới nó.

Tại kỳ thi THPT quốc gia tháng 7 vừa qua, tại điểm thi THPT Yên Thành II do Hội đồng thi của Sở GD-ĐT Nghệ An chủ trì chỉ có 1 thí sinh thi dự thi môn Lịch sử. Nhưng hội đồng coi thi có đến 66 người.Ông thấy điều gì qua việc này?

- Hiện tượng cả một hội đồng thi đồ sộ chỉ có 1 học sinh dự thi môn Lịch sử rất đáng quan tâm, nó nói lên rất nhiều điều. Tôi đã trực tiếp tham gia công tác tuyển sinh đại học mấy chục năm qua, trong đó có môn Lịch sử. Tôi đã từng hết sức bi quan khi điểm thi môn Lịch sử quá thấp, trong đó có nhiểu điểm không, nhiều bài viết rất ngây ngô.

Ngoài các lý do về cách dạy và học, môn chính hay phụ, nội dung đề thi, đáp án, cách chấm … thì cơ bản là kiến thức học sinh về lịch sử rất yếu. Nay lại xuất hiện hiện tượng rất ít hay không có học sinh dự thi đại học môn Lịch sử lại càng đáng quan tâm hơn nữa.

Cả hai hiện tượng chất lượng học tập thấp và sự suy giảm nghiêm trọng thí sinh dự tuyển môn Lịch sử đồng thời cảnh báo rằng đã đến lúc phải kiên quyết có chủ trương, biện pháp thay đổi hiện trạng của môn học một cách căn bản và toàn diện, không thể chậm trễ…

Ông có cho rằng học sinh hiện nay không yêu thích môn Lịch sử, thậm chí là sợ môn học này? Nguyên nhân do chương trình biên soạn dở hay phương pháp truyền đạt kiến thức của giáo viên yếu? Làm thế nào để học sinh yêu thích môn học này?

- Tôi không nghĩ rằng nguyên nhân chính của việc học sinh không hứng thú với môn Lịch sử là do việc dạy và học, do người dạy và người học lịch sử. Vấn đề cơ bản theo tôi là ở nội dung môn học. Nói cách khác, việc học sinh, thế hệ trẻ “quay lưng” với môn Lịch sử là sự phản ứng với nội dung của môn học. Đó là môn học thường chỉ nói một chiều về quá khứ, thành công, tốt đẹp, anh hùng, hào sảng,… mà không nhìn thẳng vào sự thật, như vốn có của nó, là bao gồm cả đau thương, sai lầm, thất bại, yếu kém, sự xấu hổ...

Nội dung môn học phiến diện như vậy thì không thể xây dựng cho người học phương pháp nhận thức lịch sử đúng đắn. Do chỉ dạy và học một chiều như vậy mà khi có tư liệu đối chứng, nhất là trong điều kiện thông tin đa chiều như hiện nay, học sinh sẽ phát hiện ra rằng quá khứ không hoàn toàn như vậy, thì đương nhiên họ thất vọng và phản ứng “quay lưng”, thậm chí đánh giá sai lầm, tiêu cực về lịch sử.

Do đó, mấu chốt vấn đề không chỉ là sự cải tiến hình thức, phương pháp dạy và học mà là phải đổi mới, thay đổi nhận thức về lịch sử, phải viết lại giáo trình, có giáo trình, tài liệu tham khảo đa dạng, nhiều chiều, phải dân chủ trong giảng dạy, học tập theo hướng coi sử học là một khoa học thực sự, tôn trọng sự thật.

Nghĩa là không phải học lịch sử để biết lịch sử mà quan trọng là để nhận thức đúng bản chất, rút ra kinh nghiệm, bài học, quy luật lịch sử để hành động theo đúng quy luật khách quan. Hãy tâm niệm rằng lịch sử của đất nước, của dân tộc và Cách mạng Việt Nam đáng tự hào, đáng nghiên cứu, học tập, bình đẳng với các môn học khác, đối với học sinh phổ thông nói riêng, mọi người Việt Nam nói chung.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm tải nhưng không xóa bỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO