Xác định phụ nữ, trẻ em gái là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất về tảo hôn, các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum… tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao năng lực cho phụ nữ, trang bị cho chị em kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để từ đó góp phần ngăn chặn vấn nạn này.
Đắk Lắk vừa có đợt ra quân đồng loạt tổ chức các buổi truyền thông về pháp luật liên quan đến tảo hôn, hôn nhận cận huyết, tâm sinh lý tuổi dậy thì cho phụ nữ và các em gái tuổi vị thành niên tại các huyện: Cư Kuin, Cư M’gar, Lắk, Krông Ana… Chủ lực của các hoạt động truyền thông là Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, Ban Dân tộc cùng với Công an, Phòng Tư pháp và Trung tâm Y tế các huyện.
Tại các buổi truyền thông, chị em phụ nữ và các em gái được cung cấp nhiều quy định pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, các biện pháp phòng tránh thai, những tác hại của lấy vợ, lấy chồng sớm; hệ lụy cho gia đình, xã hội khi có những đứa con còi cọc… do nạn lấy vợ, lấy chồng là những người họ hàng.
Chị H’Mari Niê cho biết: “Trước đây do thiếu hiểu biết, trai gái lớn lên thích nhau cứ làm đám cưới. Có những người sinh con ra ốm đau, bệnh tật mà không biết nguyên nhân. Bây giờ, người dân đã biết việc lấy vợ, lấy chồng sớm, lấy người họ hàng thân thích là vi phạm pháp luật và có nhiều tác hại với cuộc sống. Bản thân tôi cũng thấy nhiều gia đình lấy nhau sớm nghèo đói quanh năm. Giờ tôi sẽ tuyên truyền để mọi người hiểu hơn về quy định của Nhà nước về hôn nhân”.
Là địa bàn hiện có tới 44 dân tộc anh em, trong đó gần một nửa là dân tộc thiểu số, các hoạt động tuyên truyền pháp luật cũng diễn ra sôi nổi với đối tượng chính là phụ nữ và trẻ em gái. Gia Lai đẩy mạnh các mô hình “Phụ nữ nói không với tảo hôn”, Câu lạc bộ “Nữ thanh niên đặc thù”… Qua các buổi sinh hoạt này, kiến thức pháp luật về hôn nhân, gia đình được truyền tải đến phụ nữ và các em.
Huyện Chư Sê là nơi đi đầu trong các hoạt động tuyên truyền pháp luật về hôn nhân, gia đình đến phụ nữ và trẻ em gái. Mới đây, Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với tảo hôn” đã được thành lập ở làng Greo Pết, xã Dun. Hiểu rõ phong tục tập quán, đặc biệt là những hủ tục cần xóa bỏ, Câu lạc bộ tập trung tuyên truyền quy định pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đồng thời, lan tỏa thông điệp “Không kết hôn sớm, không lấy nhau trong cùng dòng họ”. Hiện nay, Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với tảo hôn” đã thu hút hơn 30 hội viên, phụ nữ thuộc nhiều lứa tuổi tham gia. Những thành viên trong Câu lạc bộ không những chỉ gương mẫu thực hiện mà còn tích cực tuyên truyền pháp luật, vận động bạn bè, người thân và dân làng không để con em bỏ học sớm để lập gia đình hay không để liên quan đến các tệ nạn xã hội. Qua đó, Câu lạc bộ đã phát huy được vai trò và tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình.
Song song với mô hình này, Câu lạc bộ “Nữ thanh niên đặc thù” được thành lập để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, phụ nữ và người dân. Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần. Câu lạc bộ thu hút nhiều chị em gái dân tộc J’rai trong độ tuổi vị thành niên tham gia. Các buổi sinh hoạt đã giúp các em gái hiểu hơn về hậu quả của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, trang bị cho bản thân nhiều kỹ năng bổ ích trong sinh hoạt, cuộc sống.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nữ thanh niên đặc thù” Siu Nguyệt cho biết: “Trước đây, đa phần nữ thanh niên ở đây ít tham gia sinh hoạt trong các tổ chức xã hội đoàn thể nhưng hiện giờ đã có nhiều chị em tham gia. Câu lạc bộ tuyên truyền phổ biến cho chị em thanh niên không được kết hôn sớm, hiểu rõ được những hậu quả của tảo hôn”.
Cùng với Chư Sê, huyện Đắk Pơ cũng có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng trong tuyên truyền những quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để nâng cao nhận thức của chị em phụ nữ.
Song song với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức của cộng đồng, hoạt động phổ biến pháp luật về hôn nhân, gia đình cho phụ nữ, trẻ em gái tại nhiều tỉnh Tây Nguyên được triển khai rộng rãi, qua đó, cung cấp cho chị em kiến thức, kỹ năng để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.