Giảm thuế, giảm áp lực

Nam Việt 15/03/2022 06:30

Với Nghị quyết 31 mới được quyết nghị thông qua, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án nghị quyết về mức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất của Bộ Tài chính để xin ý kiến thông qua. Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 14/3/2022.

Nếu tính từ đầu năm tới nay, xăng RON95 tăng gần 6.000 đồng/lít. Ảnh: Quang Vinh

Như vậy là nội dung này dự kiến sẽ được bổ sung vào chương trình phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa khai mạc vào ngày 10/3 để cho ý kiến và biểu quyết.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Với việc điều chỉnh giảm mức thuế này, tính toán trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019 sẽ làm giảm khoảng 29.035 tỉ đồng/năm thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên đây lại là sự hỗ trợ thiết thực đối với doanh nghiệp, người dân cả nước khi mà liên tục thời gian qua giá xăng dầu lên cao: xăng đã lên tới gần 30.000 đồng/lít; dầu ở mức gần 29.000 đồng/lít; diesel 25.260 đồng/lít; dầu hỏa mức 23.910 đồng/lít.

Nếu tính từ đầu năm tới nay, xăng RON95 tăng gần 6.000 đồng/lít, dầu diesel tăng ở mức cao nhất là 7.000 đồng/lít, dầu hỏa tăng hơn 6.700 đồng/lít, dầu mazut tăng trên 4.600 đồng/kg. Điều đó đã tạo áp lực rất lớn lên người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế khi đang trên đà phục hồi sau đại dịch.

Việc Chính phủ đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm 1/2 mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn cũng là sự chờ đón của doanh nghiệp, người dân đặc biệt ở thời điểm nền kinh tế đất nước cũng như sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp, thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn khi đã hơn 2 năm qua đương đầu với đại dịch Covid-19. Nay, khi các biện pháp phòng, chống dịch đã được nới lỏng, chung sống với Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế thì lại càng cần phải được tiếp sức. Thực tế những ngày qua cho thấy, khi xăng dầu lên cao đã lập tức ảnh hưởng tới mặt bằng của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, cũng có nghĩa là người dân phải thắt lưng buộc bụng thêm, thu nhập thực tế bị giảm.

Ở góc nhìn tổng thể, nhiều ý kiến cho rằng giá xăng dầu cao kéo theo giá các mặt hàng khác “đu theo” sẽ dẫn tới nguy cơ lạm phát, gây áp lực lên mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế của năm 2022.

Hiện Việt Nam tự cung ứng được khoảng 75% lượng xăng dầu trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Trong khi giá dầu thô trên thế giới cho thấy sự bất ổn, tăng nóng liên tục và trong tương lai gần cũng chưa thể hạ nhiệt khi mà khối OPEC, OPEC+, Nga, Mỹ... những quốc gia cung cấp dầu thô lớn nhất thế giới chưa tăng sản lượng khai thác và “cuộc chiến năng lượng” vẫn đang rình rập. Trong vòng 2 năm, trung bình giá các loại dầu thô đã tăng lên khoảng 3 lần, đã vượt mốc kỷ lục trong vòng 14 năm khi ở mức 130 USD/thùng và còn dự báo còn tiếp tục lên.

Trong tình thế đó, giá xăng dầu trong nước cũng khó có thể xuống thấp. Tuy nhiên, để khôi phục và phát triển sản xuất, an sinh xã hội thì vẫn rất cần những biện pháp can thiệp để bảo đảm được mức giá hợp lý. Cùng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cũng cần tính trước đến việc xem xét giảm thêm một số loại thuế khác, trong đó có thuế giá trị gia tăng (hiện ở mức 10%) và thuế nhập khẩu (cũng 10%).

Nếu 3 loại thuế được giảm (bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng, nhập khẩu) thì chắc chắn giá xăng dầu trong nước sẽ ổn định cho dù giá dầu thô thế giới có thể còn biến động.

Tuy nhiên, trước mắt, việc giảm 1/2 thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn được áp dụng chắc sẽ giảm phần nào áp lực lên giá cả nói chung. Thuế là công cụ điều chỉnh giá cả thị trường đặc biệt quan trọng thì chính trong bối cảnh hiện nay lại càng cần phải sớm được phát huy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thuế, giảm áp lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO