Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Con dao hai lưỡi

Thúy Hằng 20/02/2019 08:00

Dự thảo Thông tư Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến về việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với một số tổ chức tín dụng đang gây nhiều tranh cãi. Phần nhiều quan điểm cho rằng, cơ quan quản lý cần tạo ra sân chơi bình đẳng.

Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Con dao hai lưỡi

Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thêm tiền để lưu thông

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Về đối tượng không áp dụng quy định về dự trữ bắt buộc, là các TCTD được kiểm soát đặc biệt; TCTD chưa khai trương hoạt động; TCTD có quyết định thanh lý tài sản, giải thể, hoặc chấm dứt hoạt động hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của cấp có thẩm quyền.

Các loại tiền phải tính tỷ lệ dự trữ bắt buộc bao gồm: Tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận, trừ tiền gửi của TCTD khác thành lập và hoạt động tại Việt Nam; tiền thu được từ phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu. Tiền gửi huy động bằng ngoại tệ làm cơ sở tính dự trữ bắt buộc là các loại ngoại tệ, được quy đổi thành USD để duy trì dự trữ bắt buộc bằng USD.

Trường hợp TCTD có số dư tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc bằng một trong các loại ngoại tệ EURO, JPY, GBP, CHF chiếm trên 50% tổng tiền gửi huy động bằng ngoại tệ phải tính dự trữ bắt buộc ngoại tệ có thể được quy đổi và duy trì dự trữ bắt buộc bằng loại ngoại tệ này.

Trong khi đó, theo quy định hiện nay, tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần lượt cho không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 3% và 1% đối với tiền đồng; 8% và 6% đối với ngoại tệ.

Cũng chiếu theo Dự thảo mà NHNN đang lấy ý kiến, nhóm TCTD được kiểm soát đặc biệt bao gồm: Ngân hàng Đông Á (Dong A Bank – sau khi bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015 và tiến hành tái cơ cấu), 3 ngân hàng thương mại mà NHNN mua lại giá 0 đồng là: Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Xây dựng (CB Bank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP Bank). Đây là những ngân hàng không phải đóng dự trữ bắt buộc.
Bên cạnh đó, Điều 8 của Dự thảo Thông tư ghi rõ : TCTD hỗ trợ quy định tại khoản 40 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 17/2017/QH14 được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 7 Điều 148đ Luật này.

Như vậy những TCTD nào hỗ trợ phục hồi, TCTD được kiểm soát đặc biệt sẽ được giảm dự trữ bắt buộc nhằm tránh việc chịu ảnh hưởng đến tình hình tài chính từ TCTD buộc phải phục hồi. Như vậy chi chiếu theo quy định này, sẽ có BIDV (hỗ trợ Dong A Bank), Vietcombank (hỗ trợ CB Bank) và VietinBank (hỗ trợ Oceanbank, GP Bank) cũng có thể sẽ được hỗ trợ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Nhiều quan điểm cho rằng, khi giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, ngân hàng sẽ có thêm tiền để lưu thông. Bởi nếu như ngân hàng thương mại huy động được 100 đồng, trước phải gửi lại 3 đồng cho NHNN, đưa 97 đồng còn lại ra kinh doanh thì theo Dự thảo được đề xuất, ngân hàng thương mại sẽ có tận 98,5 đồng để kinh doanh.

Ảnh hưởng tới thanh khoản

Giới chuyên gia nghiên cứu tại SSI Research nhận định, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tối thiểu không đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng tiền tương ứng được bơm ra thị trường.

Chuyên gia kinh tế TS. Phan Minh Ngọc cho rằng nên hạn chế sử dụng cùng lúc nhiều công cụ mang tính ưu đãi cho các TCTD tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu kém.Ví dụ, đối với các TCTD đã được miễn nộp dự trữ bắt buộc thì bỏ cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% và áp dụng mức giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với từng TCTD, chứ không nên đánh đồng.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra cách nhìn nhận rằng, thay vì giảm dự trữ bắt buộc, NHNN vẫn có những công cụ khác để giúp các TCTD đang hỗ trợ TCTD yếu kém, như giảm lãi suất cho vay tái cấp vốn, hay các chính sách hỗ trợ khác. Ngay cả với các TCTD được mua lại với giá 0 đồng và TCTD yếu kém cũng nên áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc như các ngân hàng khác, và có những chính sách khác để hỗ trợ họ. Bởi dự trữ bắt buộc có 2 tác động. Khi huy động tiền gửi, ngân hàng cho vay phải để lại một phần dự trữ để giữ thanh khoản. NHNN dùng dự trữ bắt buộc để ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Vốn huy động ngân hàng có thể đẩy ra ngoài cho vay, dự trữ bắt buộc là công cụ để điều chỉnh lượng tiền NHNN cho phép các ngân hàng đẩy ra ngoài. Đây là công cụ bất cứ quốc gia nào cũng sử dụng bên cạnh công cụ lãi suất và công cụ thị trường mở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Con dao hai lưỡi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO