Gian nan cuộc chiến chống thuốc lá lậu

PV 18/04/2022 15:00

Tại hội thảo“Phòng chống thuốc lá lậu: Thực trạng và giải pháp” diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh, giới chuyên gia nhấn mạnh, vấn nạn thuốc lá lậu vẫn đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, cần phải có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn vấn nạn này.

Theo ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch VTA, trong các năm qua, công tác chống buôn lậu thuốc lá đã đạt nhiều kết quả tích cực nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Ban chỉ đạo 389 cùng các lực lượng chức năng đã triển khai hiệu quả các cuộc điều tra biên giới thường xuyên và giám sát thị trường trên toàn quốc, phát hiện thành công nhiều vụ buôn bán thuốc lá bất hợp pháp. Đặc biệt trong hai năm gần đây khi việc lưu thông hàng hóa trong nước và giao thương qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ hơn do tình hình Covid-19, công tác chống thuốc lá lậu đã có những tiến triển đáng kể, cụ thể số lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ trong năm 2020 tăng gần gấp đôi so với 2019, thị phần thuốc lá lậu trong năm 2020 theo đó cũng giảm gần 2%.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thử thách đặt ra cho Chính phủ và các lực lượng chức năng trong công tác chống thuốc lá lậu.

Theo các diễn giả tại Hội thảo,thực trạng này là do nhiều yếu tố tạo nên, trong đó phải kể đến đầu tiên là lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận của các sản phẩm thuốc lá lậu. Đơn cử, lợi nhuận thu được từ một bao thuốc lá Jet nhập lậu từ biên giới khoảng 7.000 - 8.000 đồng, cao gấp 3 lần so với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp cùng phân khúc. Nghiêm trọng hơn, thuốc lá được nhập khẩu bất hợp pháp vào nước ta không rõ nguồn gốc xuất xứ, không kiểm soát được chất độc hại bị cấm sử dụng, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan như đường biên giới phức tạp với nhiều đường mòn lối mở, phương thức vận chuyển của các đối tượng ngày càng đa dạng, tinh vi, hay việc lợi dụng cư dân sống ở vùng biên giới trung chuyển… cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho lực lượng biên phòng và các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát tình hình.

Ngoài ra, những năm gần đây đây xuất hiện tình trạng vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam nhưng trên bao bì dán tem thuốc lá Việt Nam để qua mặt các cơ quan chức năng. Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu thường đối phó bằng cách vận chuyển mỗi lần dưới 1.500 bao để tránh bị xử lý hình sự. Tại thị trường nội địa, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tuy không còn bày bán công khai nhưng vẫn được bán lén lút tại các nhà hàng, quán cafe, tủ bán thuốc lá lẻ…

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Mặc dù lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực kiểm soát, song tình hình buôn lậu thuốc lá đã diễn biến phức tạp trở lại kể từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 sau thời gian giãn cách xã hội. Từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã quyết định mở cửa hoàn toàn giao thương, giao lưu kết nối trong nước cũng như quốc tế, đồng nghĩa với việc các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hoạt động bình thường trở lại. Điều này tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng tuyến biên giới, tuyến biển, cảng biển, tuyến hàng không, thị trường nội địa để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, buôn bán thuốc lá lậu thường tập trung ở hai nhãn hiệu phổ biến nhất là Jet và Hero, chiếm hơn 80% thị phần thuốc lá lậu, và tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam giáp biên giới Campuchia, chiếm hơn 84%tổng lượng nhập bất hợp pháp qua các ngả khác trên toàn quốc. Đó là chưa kể tới sự xuất hiện và xâm nhập thị trường ngày càng mạnh mẽ của thuốc lá lậu thế hệ mới trong những năm gần đây.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã tập trung phòng, chống thuốc lá lậu nhưng do địa bàn rộng, nhân sự và phương tiện thiếu thốn, sinh kế người dân địa phương còn nhiều khó khăn nên việc kiểm soát thuốc lá lậu vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Đề xuất giải pháp ngăn chặn vấn nạn này, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng, thuốc lá là mặc hàng không được khuyến khích tiêu dùng, phải đánh thuế để hạn chế tiêu dùng tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Việc đánh thuế đó có mang lại hiệu quả hay không ? Về vấn đề này, ông Cường cho rằng, việc đánh thuế cần phải song hành với các biện pháp khác nhau, đặc biệt là công tác Phòng chống buôn lậu thuốc lá.

“Trong bối cảnh công tác chống buôn lậu của chúng ta chưa thực sự hiểu quả, thì chính sách thuế cũng là một phương pháp để chúng ta cân đối, giảm động lực của đối tượng buôn lậu đồng thời khuyến khích nhà sản xuất trong nước kiểm soát chất lượng” – ông Cường nói.

Theo ông Cường, nên cân nhắc tăng thuế ở mức độ nào đó, thường thì thế giới người ta không tăng một cách đột ngột mà tăng từng bước một, tăng đều. “Việc tăng đều sẽ không tạo ra những cú sốc là tiền đề cho những người nghiện thuốc họ không thể ngay lập tức từ bỏ việc hút thuốc lá” – GS.TS Hoàng Văn Cường cho hay.

Ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch VTA phát biểu tại Hội thảo.

Nêu quan điểm của mình, Chủ tịch VTA Hồ Lê Nghĩa kiến nghị, nhà quản lý cần sớm ban hành khung pháp lý hoặc cơ chế thí điểm cho việc kinh doanh, phân phối sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, tạo hành lang pháp lý cho nguồn cung sản phẩm từ doanh nghiệp sản xuất hợp pháp. Theo ông Nghĩa, hiện nay thuốc lá thế hệ mới đang được buôn bán bất hợp pháp tại hàng nghìn địa điểm bán lẻ.

“Hiệp Hội TLVN cũng đang đề xuất Bộ Công Thương sửa đổi Nghị định 67 trình Thủ tướng để thiết lập cơ sở pháp lý rõ ràng, quản lý chặt chẽ… sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trên thị trường Việt Nam” – ông Nghĩa cho hay..

Tại Hội thảo, VTA và các đại biểu cũng đã đề xuất triển khai giải pháp đồng bộ và toàn diện để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống thuốc lá lậu, bao gồm: Tăng cường tuyên truyền giáo dục người tiêu dùng, tiểu thương, nhà phân phối không tham gia tiếp tay cho các đường dây buôn lậu; cần có nhiều nguồn lực hơn để thắt chặt kiểm tra ở vùng biên giới và giám sát thị trường ở các tỉnh này; trích một phần kinh phí trong Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá lậu; kiến nghị Chính phủ có giải pháp làm việc với nước bạn Campuchia để giải quyết tình trạng buôn lậu nói chung và thuốc lá lậu nói riêng từ lãnh thổ Campuchia về Việt Nam.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, các doanh nghiệp đề xuất chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để cho các doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch Covid-19, tránh việc tăng sốc gây bất ổn thị trường cũng như tạo thêm khoảng trống cho thuốc lá lậu. Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ cân nhắc lộ trình phù hợp với Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tức việc tăng thuế chỉ nên cân nhắc từ năm 2024 trở đi, giúp doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá hợp pháp tăng cường sức cạnh tranh và tạo ra sự bền vững về an sinh xã hội.

Liên quan đến công tác tuyên truyền, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay đa phần tin tức công bố trên các phương tiện thông tin truyền thông chỉ dừng lại ở các vụ bắt giữ thuốc lá, rất ít thông tin về việc áp dụng các hình phạt trong xử lý vụ việc sau đó nên tác dụng tuyên truyền chưa cao, dẫn đến sự lơ là trong chấp hành pháp luật ở các đối tượng...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan cuộc chiến chống thuốc lá lậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO