Gian nan sân khấu hậu Covid -19

Tăng Hiệp 19/10/2020 09:00

Mở cửa biểu diễn là tín hiệu vui cho sân khấu và nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh sau hai đợt chống dịch. Tuy nhiên, việc trở lại hoạt động giống như tình trạng “bão chồng bão”.

Đạo diễn, NSND Hồng Vân trên sàn tập vở Số đỏ.

Với thông điệp “Khó trăm bề, không bỏ nghề”, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM đã nỗ lực ra mắt vở mới. Tối 18/10, vở “Kỳ án xứ mặt trời” (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Chánh Trực) công diễn. Vào tuần trước đó, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, cũng đã ra mắt vở “Bàn tay của trời” (tác giả Doãn Hoàng Giang - Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như), thu hút lượng khán giả quen thuộc, yêu thích phong cách dàn dựng của thương hiệu này.

Sân khấu kịch Hồng Vân cũng tái dựng vở “Số đỏ” (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn NSND Hồng Vân) với ê kíp diễn viên trẻ bán vé hợp đồng các trường học từ 16/10 tại sân khấu Hồng Vân - Chợ Lớn. Tương tự, sân khấu kịch Minh Nhí với sự hoạt động đắc lực của nhóm “Ngẫm nghĩ cùng kịch” đã liên tục công diễn các vở hợp với tuổi teen như: “Tấm Cám 16+”, “Cậu tèo về nước”… thu hút lượng khán giả trẻ.

Điều đáng nói, các vở diễn của sân khấu xã hội hóa tại TP HCM đều ra mắt trong tâm trạng thấp thỏm lo âu. Từng tấm vé được bán là một động lực giúp sàn diễn cố gắng sáng đèn sau hai đợt tạm ngưng chống dịch. Khó khăn chồng chất đã khiến các ông bà “bầu” áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khán giả.

Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM tung ra các gói giảm giá vé, cụ thể giảm 10% trên mỗi vé, mua gói 5 vé giảm 15%, mua gói 10 vé giảm 30%. Đối tượng học sinh, sinh viên và giảng viên khi xuất trình thẻ được mua vé với mức giảm 50%.

Nhà hát kịch này còn PR quảng cáo mua 1 vé, tặng 1 vé; hoặc sân khấu Hoàng Thái Thanh chủ trương giảm giá vé cho sinh viên, học sinh. Vài sàn diễn hướng đến ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 cũng PR việc tặng vé cho phụ nữ trên 60 tuổi đi kèm với người thân là chồng, con trai trong tuần lễ này.

Hầu hết các sàn diễn đã nhanh chóng kêu gọi anh chị em nghệ sĩ và nhân viên hậu đài tự lên “dây cót” tinh thần để trình diễn phục vụ khán giả. Chia sẻ về việc không vội vàng trở lại ngay sau thông báo giãn cách xã hội được nới lỏng, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ TP HCM - NSƯT Mỹ Uyên cho biết: “Mọi ngành nghề trong xã hội đang dần trở lại trạng thái bình thường mời, đa số khán giả tìm đến những phương tiện giải trí nhanh, nên việc tụ tập đông người vẫn chưa thể bình thường. Tuy vậy, khán giả đến xem kịch vẫn tuân thủ việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay khi vào khán phòng…Dù khó cũng phải làm vở mới để đáp ứng mong mỏi của khán giả vẫn còn yêu kịch”.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã đóng cửa Sân khấu múa rối nước Rồng vàng tại Cung văn hóa Lao động TP HCM vì không có du khách. Sân khấu Hồng Hạc của đạo diễn Việt Linh cũng đóng cửa sau hai đợt phòng chống dịch bệnh, dù điểm diễn mới tại nhà thiếu nhi quận 4 đã được sửa chữa, chuẩn bị khai thác những vở diễn theo phong cách mới. Sân khấu kịch Sài Gòn sau hơn 20 năm hoạt động cũng đã cáo chung trong muôn vàn khó khăn, ông bầu Phước Sang vẫn chưa tìm được điểm diễn mới. Sân khấu Quốc Thảo gần như không biểu diễn bán vé, chỉ tập trung giảng dạy và công diễn các vở tốt nghiệp của học viên.

Có thể nhìn thấy, dù tự tin đến đâu, sàn diễn TP HCM đều bị thất thu. Họ đang cố gắng quảng bá và kéo khán giả quay lại sân khấu và vẫn cần nỗ lực chung của các nghệ sĩ. Thu nhập sau 13 tuần cách ly đã khiến người xem dè xẻn chi tiêu. Mặt khác, sau đợt giãn cách, các hoạt động game show, truyền hình thực tế, phim sitcom đều khởi động và nguồn diễn viên ngôi sao tiếp tục bị chi phối. Kịch rồi sẽ khó xếp lịch tập trung và các sàn diễn sáng đèn đúng nghĩa vẫn ở một vài suất đầu của vở mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan sân khấu hậu Covid -19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO