Giăng bẫy vay nợ mùa dịch: Lãy vay đến  hơn 50%/1 tháng, mạo danh sếp ngân hàng để dụ dỗ

Nhật Ánh 23/07/2021 06:00

Vay 10 triệu nhưng sau khi vay xong khách hàng mới té ngửa khoản vay phải trả lãi lên tới 51,1%/tháng. Ngoài ra, trên mạng xã hội còn xuất hiện tài khoản mạo danh sếp ngân hàng SHB nhằm tạo độ tin cậy để trục lợi.

Bùng nổ các trang web giới thiệu các khoản vay tiêu dùng trong thời gian vừa qua

Phản ánh đến báo chí anh Thanh Tùng - nhân viên tại một công ty quảng cáo tư nhân ở khu vực TP. Thủ Đức (TPHCM) cho biết: Thời gian qua bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nên công ty của anh không có công việc, thu nhập không có để trang trải chi phí thuê nhà nên đã tìm hiểu thông tin về việc vay tiền từ một số mẩu quảng cáo của các công ty tài chính trên Zalo do bạn anh chia sẻ.

Cũng biết về các app vay tiền lãi suất cao nên anh cứ nghĩ vay qua các công ty tài chính này sẽ ổn hơn. Anh liên hệ với một trang quảng cáo của một công ty tài chính có tên Sanv... và được hướng dẫn sẽ hỗ trợ cho vay tối đa 10 triệu đồng không cần chứng minh thu nhập, chỉ cần cung cấp CMND và địa chỉ thường trú cùng tên và số điện thoại người thân. Anh được hướng dẫn khai các thông tin này trên một trang web có tên Tien...

Sau khi cung cấp các thông tin cần thiết, anh được một nhân viên liên hệ thông báo sẽ giải ngân cho anh vay số tiền 10 triệu đồng trong vòng 30 ngày nhưng số tiền vay sẽ bị trừ phí 700.000 đồng. Sau khi được giải ngân tiền vay thì anh nhận được thông tin thông báo về số tiền anh sẽ phải trả sau 30 ngày đó là 15.100.000 đồng. Sau khi nhờ một số người tư vấn thì anh mới bị sốc khi biết lãi suất mà công ty này cho anh vay lên đến 51%/1 tháng, tương đương hơn 600%/1 năm. Đó là còn chưa kể bị cộng thêm khoản phí quá cao.

Do quá khó khăn tài chính anh Tùng vẫn phải cắn răng và hiện nay do vẫn chưa có công việc làm nên đang bị chậm trả nợ và từ đó đến nay, mỗi ngày anh nhận cả chục cuộc điện thoại đòi nợ, yêu cầu trả gốc, lãi cho khoản vay này.

Đầy rẫy những tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo được phát đi từ các công ty tài chính

Một trường hợp có dấu hiệu lừa đảo khác, mới đây VPBank vừa phát hiện ứng dụng (app) VAYTOT mạo danh là app vay tiền của ngân hàng này để yêu cầu khách hàng đóng một khoản phí mới được giải ngân tiền vay. Sau khi chuyển tiền, khách hàng sẽ không thể liên hệ được theo các số điện thoại của đối tượng lừa đảo.

Sự việc trục lợi từ vay tiêu dùng được phát hiện mới nhất khi ngày 21/7 ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết, trên mạng xã hội Facebook, Zalo, thời gian gần đây xuất hiện một số tài khoản sử dụng hình ảnh Tổng Giám đốc SHB – ông Nguyễn Văn Lê và tên, hình ảnh của ông Đỗ Quang Vinh – Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ SHB, Chủ tịch HĐTV SHB FC; nhằm mục đích quảng bá, lôi kéo, kêu gọi sử dụng dịch vụ tài chính, cho vay cá nhân.

Các tài khoản này dùng rất nhiều thủ đoạn lôi kéo người vay như sử dụng danh tính, uy tín của cá nhân lãnh đạo và hình ảnh ngân hàng SHB, SHB FC, cam kết hỗ trợ nợ xấu, giải ngân chỉ trong 1 giờ đồng hồ, thủ tục đơn giản, không thẩm định, lãi suất ưu đãi, hạn mức lên đến 200 triệu đồng…

"Đây là hành vi mạo danh người và tổ chức, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín ngân hàng SHB, SHB FC và cá nhân các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng", thông cáo SHB nêu.

Đại diện ngân hàng cho biết đã có đơn tố giác và làm việc với cơ quan chức năng để tố cáo hành vi sử dụng trái phép hình ảnh lãnh đạo và ngân hàng SHB, SHB FC trên mạng xã hội; đề nghị xem xét dấu hiệu vi phạm hình sự của các hành vi này và có biện pháp can thiệp với các đối tượng liên quan một cách sớm nhất. SHB cũng sẽ làm việc với đại diện Zalo và Facebook tại Việt Nam để tố cáo hành vi vi phạm và yêu cầu các mạng xã hội này hỗ trợ ngăn chặn các tài khoản mạo danh lãnh đạo SHB.

Chuyên gia nhìn nhận bản thân mỗi người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính phải biết lựa chọn những tổ chức tài chính uy tín trên thị trường, đặt nghi vấn ngay với những trường hợp nhập nhằng giữa tín dụng tiêu dùng chính thống và tín dụng đen khi quảng cáo không rõ ràng giữa các đơn vị cho vay, nội dung giao dịch không được hiển thị cụ thể. Bởi mất tiền là một chuyện, nguy cơ lớn hơn là khách hàng có thể bị lộ dữ liệu thông tin cá nhân cho đối tượng lừa đảo, gây hậu quả khó lường về sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giăng bẫy vay nợ mùa dịch: Lãy vay đến  hơn 50%/1 tháng, mạo danh sếp ngân hàng để dụ dỗ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO