Giáo dục của gia đình đóng vai trò quan trọng nhất

Đức Trân (thực hiện) 23/09/2021 07:02

Liên tiếp gần đây, các vụ bạo lực học đường xảy ra tại Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa… khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc. Làm gì để những vụ việc phản giáo dục như thế này không xảy ra trong môi trường giáo dục, dù là sau cánh cổng trường hay ngoài đường, trên không gian mạng? PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Trần Trà Linh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Trần Trà Linh.

PV: Thưa bà, nguyên nhân chính của tình trạng bạo lực học đường là gì?

Luật sư Trần Trà Linh: Thời gian qua, những thông tin, clip về các vụ đánh nhau của học sinh được chia sẻ rộng rãi trên mạng Internet cùng sự gia tăng tính chất côn đồ, hung hãn của các học sinh thực hiện hành vi bạo lực. Tuy nhiên, những gì chúng ta nhìn thấy chưa phải là tất cả. Trên thực tế, bạo lực học đường cũng tồn tại ở rất nhiều hình thức khác nhau tùy vào nhiều nhóm đối tượng học sinh khác nhau. Bao gồm bạo lực về thể chất, bạo lực bằng lời nói, bạo lực xã hội, bạo lực điện tử…

Có thể nói, bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng đầu tiên phải kể đến là yếu tố từ bản thân các em học sinh, do sự thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi thông thường trong giai đoạn từ 12-17 tuổi.

Bên cạnh đó, những yếu tố về mặt gia đình cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này. Đó có thể là do sự giáo dục chưa đúng đắn từ cha mẹ, hay sự đổ vỡ trong hôn nhân, khiến con cái thiếu thốn tình cảm, tâm sinh lý phát triển không bình thường cũng dễ dẫn đến những tình trạng bạo lực học đường…

Và theo tôi, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bạo lực học đường là từ giáo dục nhà trường, hiện vẫn còn nặng về kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người. Thêm vào đó, môi trường sống xung quanh cũng dễ tạo bối cảnh cho bạo lực học đường.

Những quy định của pháp luật hiện hành liệu đã đủ và hợp lý để răn đe tình trạng này chưa? Thưa bà?

- Với góc độ là luật sư, tôi cho rằng các văn bản pháp luật cần điều chỉnh nhằm đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tiễn. Mặc dù các cấp, các ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp và triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong các trường học và phòng chống bạo lực học đường... Tuy nhiên, pháp luật hay các văn bản hướng dẫn vẫn chưa có chế tài cụ thể trong giải quyết các vụ bạo lực học đường, chưa có quy định trách nhiệm cho từng cá nhân liên quan, nhất là đối với các trường hợp chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Thiết nghĩ, các quy định còn lỏng lẻo như vậy chưa đủ sức răn đe các đối tượng gây ra bạo lực học đường.

Bộ GDĐT cũng cần đưa ra các tiêu chí được đo lường cụ thể về tiêu chuẩn của môi trường giáo dục an toàn lành mạnh và hỗ trợ các nhà trường đạt được các tiêu chí này thông qua các thông tư hướng dẫn cụ thể. Cần đưa tiêu chí về môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, phòng chống bạo lực học đường thành một trong những thước đo đánh giá hiệu quả của nhà trường.

Vậy, cần thực hiện những biện pháp nào để ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường?

- Bạo lực học đường không phải là vấn đề của riêng ai, hay tổ chức nào mà là vấn đề của toàn xã hội. Với tư cách là luật sư của Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, tôi cho rằng để giảm và loại bỏ bạo lực học đường thì việc ngăn chặn không cho nó có môi trường và điều kiện xảy ra là quan trọng hơn việc răn đe khi có hậu quả. Trong đó, vai trò của gia đình và nhà trường rất quan trọng. Sự kết hợp giữa giáo dục đạo đức – hành vi – lối sống và thực sự áp dụng chuẩn mực tốt đẹp trong cuộc sống mới tạo ra môi trường lành mạnh cho trẻ phát triển.

Cụ thể, gia đình và nhà trường đóng vai trò thế nào để ngăn ngừa vấn nạn này diễn ra?

- Như đã nói ở trên, gia đình và nhà trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phòng, chống bạo lực học đường. Trong việc hình thành nhân cách của con người, việc giáo dục của gia đình quan trọng hơn giáo dục của nhà trường. Ngay từ giáo dục trong gia đình nếu làm tốt, xây dựng tốt văn hóa gia đình sẽ góp phần quan trọng giải quyết nạn bạo lực học đường.

Nhà trường đóng vai trò quan trọng chỉ sau gia đình trong việc phòng chống bạo lực học đường. Nhà trường là nơi có kế hoạch, có phương pháp, có đội ngũ, có cơ sở vật chất tốt nhất để thực hiện những nội dung giáo dục này. Vì vậy, nhà trường cần gắn bó chặt chẽ giữa việc “dạy chữ” với “dạy người”, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, phải tùy vào từng bậc học cụ thể để có nội dung và cách thức gắn bó phù hợp.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục của gia đình đóng vai trò quan trọng nhất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO