Giáo dục hướng nghiệp: Bắt đầu từ nhà trường

Thu Hương 12/01/2021 07:43

Hiện nhiều trường THCS, THPT đã bước vào thời điểm kết thúc học kỳ I. Hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2020-2021 cũng đã được khởi động từ đầu năm học với chuỗi các sự kiện của Bộ GDĐT phối hợp với các đơn vị tổ chức. Nhiều người đặt câu hỏi về vai trò hướng nghiệp của các nhà trường đang ở đâu?

Việc hướng nghiệp cho học sinh trong các nhà trường rất quan trọng.

Vai trò của nhà trường

Mặc dù hiện nay ngành giáo dục nói chung cũng như các nhà trường nói riêng đã chú trọng hơn đến công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh song hiệu quả đạt được vẫn còn có một khoảng cách. Đơn cử thời gian qua, Bộ GDĐT đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các ngày hội tư vấn tuyển sinh trên cả nước kéo dài rải rác suốt cả năm học để các em học sinh, đặc biệt là thí sinh lớp 12 đang đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn trường… được tìm hiểu về các ngành nghề trong xã hội.

Đây là những thông tin tham khảo rất đáng quý song do điều kiện địa lý và các lý do khác nhau nên không phải học sinh nào cũng có thể tham gia. Vì vậy, bên cạnh những hoạt động ở tầm bao quát như vậy, theo các chuyên gia tuyển sinh có 3 vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, việc hướng nghiệp cần phải được cụ thể đến từng trường, từng lớp. Có như vậy, mọi học sinh mới được bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin hướng nghiệp.

Thứ hai, theo chuyên gia, việc tìm hiểu qua mạng internet hiện nay rất đa dạng, phong phú và dễ dàng nhưng cũng bao gồm mặt trái. Đó là thông tin nhiều tầng, nhiều lớp và đến từ các nguồn khác nhau, không phải nơi nào cũng chuẩn xác, trung thực và đáng tin cậy nên để những em học sinh chưa có nhiều trải nghiệm thực tế tự “bơi”, tự tìm kiếm trong bể thông tin như vậy sẽ rất khó khăn.

Bài học kinh nghiệm từ các khóa tuyển sinh liên kết của nhiều trường ĐH bị phanh phui là sai phạm mặc dù đã được xác nhận trên cả cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT cho thấy, nếu chỉ dựa trên việc tìm kiếm thông tin bằng các cú click chuột thực sự rất khó kiểm soát.

Thứ ba, nếu trao trách nhiệm hướng nghiệp về gia đình thì rất khó vì trên thực tế, bố mẹ có thể là người hiểu con mình nhất nhưng không phải ai cũng có kiến thức, hiểu biết để định hướng cho con em mình. Không hiếm trường hợp bố mẹ bày tỏ quan điểm ủng hộ hoàn toàn sự lựa chọn của con nhưng điều này sẽ chỉ có ý nghĩa nếu học sinh đó lựa chọn đúng ngành, đúng trường mà mình yêu thích và có năng lực phù hợp.

Như vậy, bố mẹ có thể là một kênh tham khảo tuyệt vời nhưng đó là trong điều kiện lý tưởng, còn nếu không, nhà trường vẫn phải là đơn vị có trách nhiệm hướng nghiệp đầu tiên cho học sinh của mình. Vậy câu hỏi đặt ra là nhà trường cần bắt đầu từ đâu?

Hướng nghiệp thực chất

Hiện nay, nhiều trường THCS và THPT có đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp. Nhưng trên thực tế, không phải học sinh nào cũng tìm đến các giáo viên này để được tư vấn. Trong khi đó, giáo viên chủ nhiệm là người sát sao nhất với học sinh trong lớp của mình. Nên đây sẽ là những người có vai trò quan trọng trong việc định hướng, tư vấn cho các em về hướng đi sắp tới.

Tuy nhiên, năng lực của mỗi cá nhân là có hạn nên theo phân tích của các chuyên gia, cần huy động sức mạnh tập thể để đạt hiệu quả hướng nghiệp cao nhất.

Cụ thể, nếu như mỗi thầy cô giáo đều “xắn tay” vào thì hiệu quả chắc chắn sẽ được nâng lên. Đơn cử như giáo viên có thể giới thiệu cho học sinh về nghề nghiệp giáo viên của mình - điều này là một thuận lợi nhưng nếu học sinh hỏi về nghề kế toán thì sao?

Các em mong muốn có được những hình dung được công việc sau khi ra trường là gì? Xung quanh các em có người thân, người quen để tham khảo thì quá tốt, còn nếu không thì các em lấy thông tin ở đâu?

Nhà trường có thể mời một chuyên gia trong lĩnh vực này đến để trao đổi trước toàn trường hoặc tổ chức một buổi trao đổi để những học sinh quan tâm đến nghề nghiệp này tham dự tìm hiểu thông tin. Nguồn kinh phí tổ chức có thể huy động xã hội hóa, liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn tài trợ…

Bác sĩ Vũ Chi Mai- Bệnh viện Xây dựng chia sẻ rằng, ngay từ khi xác định theo nghề y, chị hiểu cần phải học tập nghiêm túc suốt đời. Không chỉ để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ… mà quan trọng hơn là làm công việc liên quan đến con người, chỉ cẩn trọng không thôi chưa đủ. Cần phải có kiến thức, có hiểu biết thì mới cứu chữa được hiệu quả cho bệnh nhân.

Y học mỗi ngày một phát triển, không chỉ riêng ở Việt Nam mà những thành tựu y học trên thế giới chúng ta cũng phải cập nhật và học hỏi. Và các bộ phận trong cơ thể con người là một thể thống nhất, bệnh nhân đau bụng không phải chỉ chữa ở bụng mà còn liên quan đến các bộ phận khác nên việc tìm hiểu, nghiên cứu là công việc mỗi ngày, mỗi giờ…

Kể lại câu chuyện này để thấy, mỗi nghề nghiệp đều có những đòi hỏi, yêu cầu riêng mà nếu chỉ dựa vào đam mê để chọn nghề thì chưa đủ. Thậm chí, có những người, sau một thời gian gắn bó với nghề mới tìm thấy niềm đam mê…

Nhưng con đường đi đến đích sẽ ngắn hơn nếu như mỗi học sinh, trước khi đặt bút điền nguyện vọng chọn trường, chọn ngành đã có những hiểu biết cơ bản về nghề nghiệp mình dự định theo đuổi sắp tới. Và để được như vậy, trách nhiệm đặt lên vai những nhà giáo dục là rất lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục hướng nghiệp: Bắt đầu từ nhà trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO