Giáo dục thể chất: Quan trọng là điều kiện dạy và học

Minh Quang 16/10/2019 08:00

Lần đầu tiên trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới tới đây, bộ sách giáo khoa (SGK) sẽ có thêm môn Giáo dục thể chất (thể dục). Đây là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12.

Giáo dục thể chất: Quan trọng là điều kiện dạy và học

Để dạy và học tốt môn Giáo dục thể chất, không phải câu chuyện có SGK hay không.

70 tiết học/năm

Nếu làm một khảo sát nhỏ với những học sinh ngay tại gia đình, câu trả lời mà nhiều phụ huynh chắc chắn biết trước là con em họ không thích học môn thể dục. Có nhiều lý do được đưa ra: Môn học này không hấp dẫn, hoặc các con không được chọn môn thể thao đúng sở trường. Đa phần những tiết học thể dục hiện nay rất buồn tẻ, đơn điệu từ thời các phụ huynh đi học cho tới hôm nay, vẫn là những môn vận động chạy xa, nhảy cao…

Đánh giá từ các chuyên gia cũng cho thấy, lâu nay nội dung chương trình thể chất hiện chưa thống nhất giữa các cấp học. Một số trường còn học thể dục hình thức, chiếu lệ do coi đây là môn phụ, không cần đầu tư. Hiện cách kiểm tra đánh giá vẫn là cho học sinh thực hành để chấm điểm theo thành tich là chủ yếu. Kết quả chấm điểm như vậy không phản ánh sức khoẻ hay thể lực của học sinh. Chưa có quy định bắt buộc các trường phải có sự kiểm tra thể lực, sức khoẻ đầu mỗi năm học và đánh giá lại thể lực, sức khoẻ sau quá trình rèn luyện vào cuối năm học. Nhiều học sinh có sức khoẻ và thể lực yếu sau nhiều năm học trong trường vẫn không thể nâng cao thể lực và sức khoẻ được, thậm chí thể lực còn kém hơn do cường độ học quá nhiều.

Vì lẽ đó, trong Chương trình GDPT mới tới đây, nội dung chủ yếu của môn Giáo dục thể chất nhằm rèn luyện kỹ năng vận động và phát triển tố chất thể lực cho học sinh bằng những bài tập thể chất đa dạng như: các bài tập đội hình đội ngũ, bài tập thể dục, trò chơi vận động, môn thể thao và kỹ năng phòng tránh chấn thương trong hoạt động thể dục thể thao. Thời lượng dành cho môn Giáo dục thể chất ở mỗi lớp là 70 tiết trong năm học, được phân bổ cho các nội dung phù hợp với từng cấp học. Cùng với đó, môn Giáo dục thể chất cũng sẽ tích hợp kiến thức một số môn học khác, một số bài hát, bản nhạc để tạo không khí vui tươi, hưng phấn trong tập luyện, tạo hứng thú cho học sinh.

Giáo dục thể chất: Quan trọng là điều kiện dạy và học - 1

Cần đảm bảo sơ sở vật chất

Việc lần đầu tiên có SGK môn Giáo dục thể chất cũng đang đặt ra nhiều ý kiến khác nhau. Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cho hay, thực hiện theo Thông tư 32, các môn học có chương trình thì phải có SGK. Vì vậy, chương trình mới sẽ buộc phải có SGK môn Giáo dục thể chất theo đúng quy định và bình đẳng với các môn học khác. Còn việc học sinh phụ huynh có mua SGK môn này hay không sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của người học.

Mới đây nhất, theo thông tin từ Bộ GDĐT, 3/4 bản thảo SGK môn Giáo dục thể chất qua 2 vòng thẩm định bị đánh giá là không đạt. Đây là môn học có số bản thảo SGK bị loại nhiều nhất trong 9 môn học của lớp 1.

Hiện nhiều phụ huynh băn khoăn rằng, trong chương trình Giáo dục thể chất, học sinh sẽ được lựa chọn nhiều môn thể thao, liệu các nhà trường có đáp ứng đủ năng lực hay không? Đại điện nhóm tác giả SGK đã cho biết, các nhà trường căn cứ vào điều kiện sân tập, dụng cụ, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên giảng dạy để lựa chọn các môn phù hợp đưa vào giảng dạy cho học sinh. Theo đó, các trường phổ thông chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện đáp ứng cho hoạt động dạy - học môn Giáo dục thể chất. Đồng thời để có thể đáp ứng được nguyện vọng của học sinh về các môn thể thao hiện nay, các nhà trường cần nỗ lực nhiều và có kế hoạch để từng bước xây dựng cơ sở vật chất.

Thầy Nguyễn Văn Quang- giáo viên dạy bơi tại Trung tâm TDTT quận Hoàng Mai - Hà Nội chia sẻ, sau giờ học buổi chiều rất nhiều phụ huynh có con học tiểu học tại khu vực đến Trung tâm để đăng ký các lớp học bóng đá, bóng rổ hoặc bơi lội…cho trẻ em. Điều này phần nào phản ánh việc học thể dục hiện nay trong các nhà trường là chưa đủ và chưa phong phú. Trong khi lẽ ra việc theo dõi quá trình rèn luyện sức khoẻ và thể lực cho học sinh là nhiệm vụ cơ bản của môn Giáo dục thể chất. Việc kiểm tra đánh giá và theo dõi quá trình rèn luyện còn giúp phát hiện những học sinh có năng khiếu để bồi dưỡng và định hướng tài năng sau này. Vai trò của người thầy còn là một huấn luyện viên. Đối với những học sinh có thể lực yếu, cần có chế độ luyện tập phù hợp với sức khoẻ. Không thể áp dụng các bài tập chung dành cho các học sinh có thể lực tốt trong lớp, để tránh sự quá sức hay tai nạn chấn thương khi luyện tập. Đối với học sinh năng khiếu, cần có giáo án tập luyện riêng để phát triển tài năng.

Ghi nhận từ thực tế, tâm tư chung của nhiều giáo viên dạy bộ môn thể dục cho thấy, để dạy và học tốt môn thể dục không phải câu chuyện có SGK hay không, mà là điều kiện vật chất cho môn học này thế nào. Các trường có quỹ đất để làm bể bơi không, có điều kiện để xây phòng tập đa năng không, có sân bãi đá bóng hay không… Học sinh liệu có được tạo điều kiện lựa chọn các bộ môn thể dục thể thao phù hợp với sở thích, sức khỏe và giới tính của mình?

Khi chưa giải quyết được điều này, thì SGK Giáo dục thể chất dù in đẹp, cũng chỉ là lý thuyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục thể chất: Quan trọng là điều kiện dạy và học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO