Chia năm học thành 4 kỳ: Cân nhắc thận trọng

Thu Hương 22/02/2020 07:00

Đề xuất chia năm học thành 4 kỳ của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đang nhận được nhiều quan tâm của dư luận. Theo ông Phạm Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), để đi đến kết luận thay đổi kế hoạch năm học hay không cần phải có sự cân nhắc, tính toán cẩn thận bởi mỗi đất nước có điều kiện kinh tế văn hóa xã hội và cả điều kiện thời tiết khác nhau…

Chia năm học thành 4 kỳ: Cân nhắc thận trọng

Nhiều ý kiến trái chiều về việc chia năm học thành 4 kỳ.

Học và nghỉ đều kéo dài

Theo quy định của Bộ GDĐT, khai giảng năm học sẽ vào ngày 5/9, thời gian kết thúc học kỳ I là 20/1, học kỳ II trước 25/5 và kết thúc năm học trước 31/5. Học sinh học 9 tháng liên tục (không tính nghỉ lễ), sau đó sẽ có 3 tháng nghỉ hè. Số tuần thực học trong năm đối với cấp mầm non và tiểu học ít nhất là 35; cấp THCS và THPT ít nhất là 37; giáo dục thường xuyên (THCS và THPT) ít nhất 32 tuần.

Như vậy, đa số học sinh Việt Nam có thời gian nghỉ hè liên tục trong 3 tháng, khoảng 90 ngày là khoảng thời gian khá dài. Điều này, như nhiều chuyên gia phân tích đã tồn tại vài chục năm nay do đặc điểm thời tiết Việt Nam 3 tháng hè rất nóng bức. Tuy nhiên, việc học liên tục trong 9 tháng rồi nghỉ 3 tháng ít nhiều tạo ra những bất lợi cho việc học tập của thầy và trò.

Ông Nguyễn Văn Hòa - người sáng lập hệ thống trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, việc học kéo dài liên tục ít nhiều sẽ khiến học sinh căng thẳng trong khi nghỉ liền một mạch 3 tháng, lúc quay trở lại trường sẽ khá khó khăn để bắt nhịp lại từ đầu. Trong khi đó, nếu chia nhỏ thời gian nghỉ 3 tháng này xen kẽ trong năm học sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn. Ông Hòa đề xuất, có thể nghiên cứu phương án rút ngắn thời gian hè lại còn 2 tháng và để dành một tháng để nghỉ dịp Tết, coi như là nghỉ đông. Tham khảo nhiều nước trên thế giới, kỳ nghỉ đông của họ khá dài ngày trong khi Việt Nam cứ nghỉ ngắt quãng 1-2 ngày Tết Dương lịch rồi lại 7-10 ngày Tết Âm lịch. Nếu chủ động chia nhỏ năm học bằng cách hết học kỳ 1, học sinh được nghỉ một tháng và hết năm học được nghỉ hai tháng sẽ không bị xáo trộn nhiều so với trước đây mà vẫn đảm bảo phù hợp với xu thế hiện đại của thế giới.

Một cô giáo dạy khối tiểu học của quận Đống Đa cho biết, với lứa tuổi còn nhỏ, các em chưa có ý thức tự học nhiều như các lớp lớn. Sau gần 3 tháng hè quay trở lại trường, các thầy cô rất vất vả để rèn lại nề nếp học tập, tác phong kỷ luật khi đến lớp. Thậm chí cả về mặt kiến thức các con cũng rơi rụng nhiều do nhiều gia đình chủ quan, nghĩ ở lớp nhỏ các con chưa học gì nhiều nên cũng không sát sao kèm cặp con trong thời gian nghỉ hè. Trong khi, các thầy cô cũng hạn chế giao bài ôn tập cho các con trong dịp hè vì trên thực tế, có giao mà không có kiểm tra thì sẽ không hiệu quả...

Phải phù hợp với Việt Nam

Cô giáo Lưu Thị Bích Hằng- nguyên trưởng phòng GDĐT quận Long Biên chia sẻ: Với đặc thù thời tiết của miền Bắc rất khác biệt so với nhiều miền khác. Tháng 6, tháng 7 thời tiết nóng có những hôm tới gần 40 độ C nên việc học “lấn” sang thời gian này là phương án bất đắc dĩ vì sẽ rất thương cho con trẻ. Bởi vậy, bà Hằng ủng hộ phương án học bù ngay sau khi đi học trở lại vì dịch Covid-19 để tránh việc kết thúc năm học quá muộn.

Bà Hằng cũng cho rằng cần đặc biệt cân nhắc yếu tố thời tiết ở tất cả các địa phương. Không vùng nào giống vùng nào về điều kiện khí hậu, kinh tế xã hội nhưng giáo dục có những đặc thù riêng là cần sự thống nhất trong không chỉ chương trình mà các kế hoạch chung như thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT…

Liên quan đến vấn đề này, PGS. TS Phạm Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho rằng, đối với các quốc gia khác nhau sẽ có điều kiện kinh tế xã hội văn hóa khác nhau và cả điều kiện thời tiết khác nhau. Chẳng hạn, ở các nước vùng ôn đới, mùa hè của họ cũng không nóng như Việt Nam nên có thể thuận lợi hơn với phương án này… Vì vậy, đề xuất 1 năm nghỉ 4 kỳ của Hà Nội cần phải cân nhắc tính toán cẩn thận để áp dụng tại Việt Nam. Phải đảm bảo nếu áp dụng vào Việt Nam phải tạo thuận lợi nhất cho mọi học sinh chứ không chỉ là một bộ phận người học nói riêng.

Tuy nhiên, rõ ràng, nếu cho học sinh nghỉ nhiều sẽ dẫn đến khá nhiều bất lợi, ví dụ phải điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia sát vào, điều đó cũng kéo theo tuyển sinh đại học, cao đẳng bị ảnh hưởng…

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình, đề xuất nghỉ 4 kỳ của Hà Nội mới chỉ là nêu vấn đề, đặt ra bài toán đối với Bộ GD&ĐT. Còn để quyết định nghỉ hay không, cần đến những nghiên cứu thấu đáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chia năm học thành 4 kỳ: Cân nhắc thận trọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO