Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm: Băn khoăn từ thực tiễn

Thu Hương 13/05/2019 07:30

Liên quan đến sự việc một giáo sư ở TP Hồ Chí Minh lên tiếng về việc đã được bổ nhiệm làm giảng viên cao cấp, nhưng vẫn bị yêu cầu đi học để lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, Bộ GDĐT cho biết đang rà soát và đề xuất chỉnh sửa trong Luật Giáo dục (sửa đổi).

Theo đó các yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm đối với giảng viên sẽ không qui định trong Luật mà sẽ đưa vào các qui định ở các văn bản áp dụng đối với các trường hợp cụ thể.

Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm: Băn khoăn từ thực tiễn

Giảng viên đại học nhất thiết phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm? Ảnh: Nghiêm Huê.

Không cứng nhắc

Theo ông Hoàng Đức Minh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), theo qui định tại Điều 77 Luật Giáo dục năm 2005, các giảng viên giảng dạy ở các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) phải có bằng tốt nghiệp ĐH trở lên và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (vì hầu hết họ là sinh viên khá, giỏi được giữ lại trường, chưa có kỹ năng về nghiệp vụ sư phạm - không như giáo viên mầm non, phổ thông được đào tạo là nghề sư phạm). Tuy nhiên trong thực tế triển khai, vì những nguyên nhân khác nhau mà có giảng viên (trong đó có giáo sư, phó giáo sư) chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Đến thời điểm hiện nay, qui định này có những bất cập nảy sinh - nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, vì nội dung này trong Luật nên không tự bỏ ngay được.

Trước đó, theo chia sẻ của một giáo sư ở TP Hồ Chí Minh, ông đã hướng dẫn thành công 8 nghiên cứu sinh, khoảng 50 thạc sĩ, trên 100 cử nhân, đã dạy ĐH và cao học hơn 20 học kỳ và đã được bổ nhiệm làm giảng viên cao cấp. Ông mới nhận được thông báo là sắp tới phải đi học để lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do các trường sư phạm cấp. Nếu không có chứng chỉ đó, sau này, sẽ không được hành nghề giảng viên nữa.

Mặc dù điều này đã được quy định từ lâu trong Luật Giáo dục nhưng lại gây băn khoăn không chỉ cho chính người được yêu cầu đi học mà còn cho những ai quan tâm đến giáo dục đều thấy chưa hợp lý. Bởi thực tế, một người đã đi dạy lâu năm, trực tiếp đứng lớp và hướng dẫn nhiều học trò, trong đó có cả các tiến sĩ, thạc sĩ… thì việc yêu cầu quay lại học để lấy chứng chỉ sư phạm là cách làm máy móc không cần thiết. Đối với các giảng viên trẻ, điều này là hợp lý như giải thích của Bộ GDĐT nhưng với một giáo sư nhiều kinh nghiệm đứng lớp thì yêu cầu đi học lại này có thể khiến họ mặc cảm. Bởi những khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm, có thể do các giảng viên trẻ đứng lớp, dù được đào tạo bài bản đúng chuyên môn nhưng kinh nghiệm chưa tích lũy được bao nhiêu, liệu có thể giảng dạy cho một vị giảng viên có thâm niên đứng lớp 20 năm?

“Quy định đã có nhưng nếu không hợp lý, Bộ GDĐT cần xem xét chỉnh sửa để không nảy sinh các thủ tục mang tính hành chính hóa mà không đem lại hiệu quả thực chất”- GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất.

Xem xét để sửa đổi

Theo TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ ĐH (Bộ GDĐT), việc ra đời Thông tư 12/2013 của Bộ GDĐT quy định đối tượng chưa qua đào tạo về nghiệp vụ sư phạm muốn trở thành giảng viên trong cơ sở giáo dục ĐH thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; các đối tượng đã qua đào tạo sư phạm nhưng chưa tham gia giảng dạy trong cơ sở giáo dục ĐH phải được học đầy đủ cả 2 phần kiến thức bắt buộc và tự chọn, được miễn trừ 2 học phần 7, 8 của chương trình bồi dưỡng này có thể hiểu là nhằm để giải quyết vấn đề này. Bên cạnh đó, hiện nay chỉ tiêu tuyển sinh và nhiều thứ khác của trường ĐH được tính trên đầu số giảng viên. Quy định giảng viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cũng nhằm để hạn chế tình trạng tuyển sinh, đào tạo tràn lan… trong tình trạng xã hội “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay.

Tuy nhiên, chính Thông tư này lại trở thành “rào cản” cho những người không phải là giảng viên cơ hữu của nhà trường, được mời giảng dạy một số học phần có liên quan. Không phải ai cũng hào hứng với các lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm, nhất là khi nội dung của chương trình nghiệp vụ sư phạm chưa đủ thuyết phục hoặc chưa thực sự hữu ích, làm tăng năng lực giảng dạy.

Bên cạnh đó, việc giảng dạy ở bậc ĐH,CĐ có những đặc thù riêng, trong đó yêu cầu cao về các kiến thức thực tế, chuyên ngành nên cần linh hoạt trong việc bố trí giảng viên phù hợp. Tất nhiên, không thể phủ nhận tình trạng có những người kiến thức rất uyên bác, kinh nghiệm thực tế sâu rộng nhưng lại thiếu phương pháp truyền đạt đến sinh viên khiến việc giảng dạy chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Những người này, nếu tham gia những khóa học nghiệp vụ sư phạm do các trường, trung tâm tổ chức một cách bài bản sẽ tạo nền tảng tốt cho việc truyền đạt kiến thức, sau đó trong quá trình giảng dạy sẽ rèn luyện, bồi dưỡng thêm. Ngược lại, nếu chỉ tham gia học cho có thì việc yêu cầu về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm này cũng chỉ là một “giấy phép hành nghề con”, không có tác dụng thực chất. Như vậy, lại trở lại câu chuyện các lớp nghiệp vụ sư phạm này dạy gì? Ai dạy? Cách đào tạo ra sao?…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm: Băn khoăn từ thực tiễn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO